Truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương trong vụ gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN

Truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương trong vụ gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN
5 giờ trướcBài gốc
VKSND Tối cao đã ra cáo trạng, truy tố 12 bị can trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành liên quan nhà máy điện mặt trời.
Truy tố cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng
Trong số 12 bị can bị truy tố, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo cáo trạng, năm 2017, Thủ tướng có quyết định số 11/2017 khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá mua điện từ các dự án mặt trời nối lưới là 9,35 UScents/kWh, áp dụng đến hết tháng 6/2019. Bộ Công thương sẽ đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp dụng sau thời gian này.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ngoài 3 dự án điện mặt trời đã có, Thủ tướng phê duyệt bổ sung 5 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 24 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng 2000 MW.
Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, từ ngày 31/8/2018 - 6/4/2020, bị can Hoàng Quốc Vượng đã trực tiếp tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Đáng chú ý, quyết định này trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ được ban hành trước.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hoàng Quốc Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời, nhưng vì động cơ vụ lợi, bị can Vượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá ưu đãi và thống nhất chủ trương đề xuất cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 Uscents/kWh cho dự án này.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.
Theo cơ quan chức năng, hành vi của bị can Hoàng Quốc Vượng đã dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) số tiền hơn 1.043 tỷ đồng.
Đối với bị can Phương Hoàng Kim, trong thời gian làm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, từ ngày 31/8/2012 đến ngày 6/4/2020, được giao làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo trực tiếp thực hiện việc xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Phương Hoàng Kim 32 biết rõ các chủ trương của Chính Phủ (Nghị quyết số 115), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, đối với các dự án điện mặt trời, nhưng vì muốn tạo điều kiện không chính đáng cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được bổ sung quy hoạch để hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh, Phương Hoàng Kim đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cố ý đầy trách nhiệm cho ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo nhưng không được Hoàng Quốc Vượng đồng ý; không chỉ đạo Tổ soạn thảo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng Dự thảo Quyết định số 13 theo đúng Nghị quyết 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về nội dung Dự thảo trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP mục đích để Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi; trực tiếp tham mưu, đề xuất bổ sung quy hoạch và giá điện ưu đãi cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của bị can Phương Hoàng Kim đã dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho EVN số tiền hơn 1.043 tỷ đồng.
Các ông Trần Tuấn Anh, Trịnh Đình Dũng được xác định "không vụ lợi"
Theo VKS, trong vụ án này có trách nhiệm của các ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2021 và ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân là vì ông Trần Tuấn Anh liên quan đến việc ký tờ trình ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg; ông Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Căn cứ kết quả điều tra xác định, ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng không được báo cáo nội dung trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng "có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác" tạo điều kiện không chính đáng cho doanh nghệp. Do đó, Viện kiểm sát không xem xét xử lý đối với ông Trần Tuấn Anh và ông Trịnh Đình Dũng.
Quan điểm trên của VKS trùng với ý kiến của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Tại kết luận trước đó, phía điều tra xác định ông Trần Tuấn Anh ký 6 Tờ trình, Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Quyết định này trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ được ban hành trước.
Khi ký các Tờ trình, Báo cáo này, ông Trần Tuấn Anh không biết việc bị can Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115. Ngoài ra, kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cựu Bộ trưởng có động cơ vụ lợi nên Cơ quan An ninh điều tra "không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh".
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ tạm giữ vật chứng, đồ vật, tài liệu của các bị can, người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, bị can Hoàng Quốc Vượng nộp khắc phục 1,5 tỷ đồng; một số bị can khác cũng nộp tiền khắc phục hậu quả từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Văn Thanh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/truy-to-cuu-thu-truong-bo-cong-thuong-trong-vu-gay-thiet-hai-hon-1-000-ty-dong-cho-evn-10300404.html