Truy vết khai thác khoáng sản bằng công nghệ 'mắt thần' trên sông nước

Truy vết khai thác khoáng sản bằng công nghệ 'mắt thần' trên sông nước
8 giờ trướcBài gốc
Ngồi nhà cũng phát hiện được "cát tặc"
Giữa năm 2023, UBND tỉnh An Giang đã thu hồi một loạt các giấy phép khai thác cát có vi phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, và một số doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hậu bị xử lý vì liên tục vượt ranh giới mỏ được cấp phép.
Trước đây, những hành vi như vậy rất khó bị phát hiện nếu không kiểm tra trực tiếp. Nhưng nhờ hệ thống giám sát AIS (Automatic Identification System), toàn bộ hành trình vi phạm đã được ghi nhận rõ ràng, từ thời gian, tọa độ khai thác đến lộ trình vận chuyển.
Dữ liệu này truyền thẳng về Trung tâm Giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, giúp lực lượng chức năng kịp thời lập hồ sơ xử phạt, đồng thời truy vết cả chuỗi vận chuyển, đối chiếu với lượng cát tiêu thụ thực tế.
Hệ thống AIS – vốn thiết kế ban đầu cho tàu thuyền hàng hải nhằm tránh va chạm trên biển – khi được ứng dụng vào lĩnh vực quản lý khai thác khoáng sản đã chứng tỏ sức mạnh như một "mắt thần" trên sông nước.
Trên mỗi phương tiện khai thác, thiết bị AIS liên tục gửi tín hiệu vị trí, tốc độ, hướng di chuyển về trung tâm giám sát. Phần mềm chuyên dụng sẽ tự động đối chiếu tọa độ di chuyển với ranh giới mỏ cấp phép đã được số hóa. Bất kỳ hành vi khai thác sai phạm như vượt ranh giới, khai thác vào khu vực cấm hay vận chuyển sai lộ trình đều lập tức được hệ thống cảnh báo, lưu trữ bằng hình ảnh và dữ liệu hành trình.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Mắt Biển (EyeSea) chia sẻ: "Với khả năng giám sát liên tục và chính xác gần như theo thời gian thực, hệ thống AIS không chỉ giúp phát hiện vi phạm ngay từ khi mới xảy ra mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết ngược lại toàn bộ quá trình khai thác, vận chuyển. Nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng khai thác bừa bãi, thất thoát tài nguyên."
Thiết bị truyền tín hiệu tự động để cung cấp thông tin về vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của các phương tiện
Ông Lại Đức Ngân, Phó trưởng phòng Kiểm soát Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) ghi nhận công nghệ AIS còn có giá trị vượt ra ngoài việc giám sát vị trí: "AIS tích hợp khả năng theo dõi toàn bộ chu trình khai thác – từ nạo vét, vận chuyển đến đổ thải – giúp cơ quan quản lý nắm bắt dữ liệu đầy đủ, kịp thời, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sông ngòi, vùng ven biển".
Khai thác cát trái phép giảm đáng kể
Không chỉ An Giang, từ cuối năm 2022, tỉnh Đồng Tháp cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị AIS cho toàn bộ phương tiện khai thác cát có tải trọng từ 50 tấn trở lên. Quy định này áp dụng đồng bộ tại tất cả mỏ khoáng sản đang khai thác trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh giám sát hành trình phương tiện, Đồng Tháp còn tích hợp dữ liệu AIS với hệ thống camera tại các bến bãi, kho chứa. Khi phương tiện cập bến, hệ thống tự động đối chiếu dữ liệu hành trình với sản lượng cát khai thác được kê khai, từ đó phát hiện nhanh các trường hợp khai gian sản lượng hoặc vận chuyển không phép.
Nhờ những biện pháp này, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Đồng Tháp đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, chỉ sau một năm áp dụng AIS, số vụ vi phạm vượt ranh giới khai thác, vận chuyển lậu giảm hơn 50% so với năm trước.
Tại An Giang, hiệu quả còn rõ rệt hơn: số vụ vi phạm hành chính liên quan đến khai thác cát giảm hơn 60% so với giai đoạn chưa có AIS. Một số tuyến sông trước đây thường xuyên xảy ra khai thác trái phép, như sông Hậu, sông Tiền, nay đã trở nên trật tự hơn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang trước đây đã từng nói: "Nếu như trước kia, việc giám sát chủ yếu dựa vào tuần tra trên sông, tốn nhiều nhân lực, chi phí và dễ bị đối tượng vi phạm đối phó, thì nay, với hệ thống AIS, chúng tôi có thể ngồi tại trung tâm và theo dõi được toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch."
"Mắt thần" sẽ được nhân rộng?
Không dừng lại ở các địa phương tiên phong, việc áp dụng công nghệ AIS trong quản lý khai thác khoáng sản đang được mở rộng trên toàn quốc.
Theo Nghị định 57/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy đinh về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Các phương tiên thi công, vận chuyển khoáng sản là đối tượng cần phải được lắp đăt thiết bị AIS và đảm bảo rằng dữ liệu hành trình được ghi nhận chính xác. Việc thực hiện theo Nghị định này sẽ giúp đảm bảo công tác giám sát hiệu quả và khuyến khích các đơn vi khai thác khoáng sản thực hiện đúng các quy định về môi trường.
Cùng với đó, dữ liệu AIS từ các phương tiện sẽ được kết nối về các Trung tâm Giám sát Tài nguyên Khoáng sản cấp tỉnh và Trung ương, tạo thành mạng lưới kiểm soát xuyên suốt, liên thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về khai thác khoáng sản dựa trên dữ liệu AIS kết hợp với dữ liệu giấy phép khai thác, sản lượng thực tế và thuế tài nguyên.
Theo đánh giá của ông Lại Đức Ngân - Phó trưởng phòng Kiểm soát Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam), việc áp dụng AIS toàn quốc sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, từ phương thức kiểm tra thủ công, thiếu đồng bộ, sang phương thức giám sát số hóa, minh bạch và có thể truy vết chính xác mọi vi phạm.
Trong bối cảnh tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, tình trạng khai thác trái phép diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ như AIS được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc thiết lập kỷ cương khai thác, bảo đảm phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Mắt Biển (EyeSea) nhấn mạnh: "Chỉ khi quản lý được từ gốc – tức là hành trình khai thác, vận chuyển – mới có thể hạn chế được thất thoát tài nguyên, bảo vệ nguồn lực cho đất nước."
Từ những thành công ban đầu tại An Giang, Đồng Tháp, các chuyên gia kỳ vọng, thời gian tới, hình ảnh những "mắt thần" lặng lẽ giám sát trên sông nước sẽ góp phần đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, minh bạch và bền vững hơn.
Mộc Miên
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/truy-vet-khai-thac-khoang-san-bang-cong-nghe-mat-than-tren-song-nuoc-192250427002537165.htm