Truyền lửa văn hóa đồng bào dân tộc Tủa Chùa

Truyền lửa văn hóa đồng bào dân tộc Tủa Chùa
một ngày trướcBài gốc
Nằm phía Đông Bắc tỉnh, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ hơn 100km. Huyện Tủa Chùa là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em bao gồm: Kinh, Phù Lá, Mông, Khơ Mú, Thái, Dao và Xạ Phang. Với địa hình đặc thù đồi núi đá tai mèo, khu vực sinh sống và không gian văn hóa các vùng đồng bào dân tộc nơi đây thường biệt lập, ít có sự pha trộn giữa các nền văn hóa khác nhau. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi bảo lưu sự đa dạng văn hóa truyền thống các dân tộc nơi đây.
Cùng với sự phát triển của đời sống hiện đại, việc khuyến khích lưu giữ, thực hành văn hóa truyền thống đối với các chủ thể nắm giữ văn hóa tại Tủa Chùa được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động tiếp lửa, khơi dậy tình yêu, sự hứng thú đối với thế hệ trẻ tìm hiểu, nắm giữ, thực hành văn hóa được chú trọng.
Năm 2024 Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa đã mở 7 lớp truyền dạy văn hóa truyền thống. Trong ảnh: Lớp dạy chữ viết dân tộc Dao thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só.
Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Phòng đã phối hợp khảo sát, tuyên truyền nâng cao ý thức, sự hiểu biết về sự quan trọng của văn hóa truyền thống với việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã tổ chức mở các lớp tập huấn truyền dạy văn hóa dân gian tại các xã: Huổi Só, Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè, Lao Xả Phình.
Tại các lớp học, những nghệ nhân là chủ thể của văn hóa, nắm giữ tri thức dân gian sẽ hướng dẫn, truyền dạy cho các học viên là các hạt nhân văn hóa cơ sở, thanh thiếu niên muốn tìm hiểu, thực hành về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, có cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về ý nghĩa và sự tốt đẹp của văn hóa truyền thống.
Là một trong 7 dân tộc anh em sinh sống tại Tủa Chùa, dân tộc Mông chiếm hơn 70% với nhiều nét văn hóa lâu đời đặc sắc. Nghệ thuật chế tác và múa khèn là một trong những cốt hồn, cốt túy gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của dân tộc Mông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022. Trong năm Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề chế tác khèn Mông với sự tham gia của 15 học viên.
Lớp dạy chế tác khèn Mông tại xã Sính Phình góp phần phát triển, lưu giữ nghệ thuật chế tác và biểu diễn khèn.
Ông Sùng A Câu, nghệ nhân chế tác khèn xã Sính Phình chia sẻ: Lớp học dạy chế tác thực hiện trong 10 ngày vào cuối tháng 8, 15 học viên đều là con em đồng bào dân tộc Mông trong xã. Thông qua lớp học các học viên sẽ biết, thực hành các bước từ các bước chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận của khèn, điều chỉnh âm thanh khèn…. Tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh. Ngoài học chế tác, khi thử, điều chỉnh âm thanh khèn cũng là dịp truyền dạy kỹ thuật, kinh nghiệm thổi, trình diễn khèn Mông tới các học viên, qua đó tạo sự hứng thú, tình yêu của học viên với nhạc cụ truyền thống của đồng bào.
Tương tự như lớp dạy chế tác khèn, lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Dao xã Huổi Só cũng được mở trong năm với 50 học viên, đa số học viên là thanh thiếu niên vẫn ngồi trên ghế nhà trường, việc học được tận dụng vào thời gian tháng 7 tháng 8, khi học sinh được nghỉ hè về với gia đình.
Các học viên đa số đều là thế hệ trẻ, những người tiếp nối văn hóa.
Ông Phàn A Cẩng, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só phấn khởi chia sẻ: Chữ viết dân tộc Dao có ý nghĩa, vị trí vô cùng quan trọng, các phong tục tập quán như cúng, làm lý, đặt tên âm… Đều cần sử dụng chữ viết truyền thống dân tộc Dao. Trong năm xã Huổi Xó được mở 2 lớp dạy chữ viết, mỗi lớp dạy 15 ngày. Học viên được thực hành đọc, viết cơ bản ngôn ngữ Dao. Họ đều trẻ, là thế hệ hạt nhân tiếp nối văn hóa dân tộc sau này nên tôi rất vui mừng.
Từ đầu năm tới nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa đã phối hợp mở 7 lớp truyền dạy văn hóa tại các vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn. Thông qua các lớp truyền nghề cùng sự tận tâm, hết lòng vì văn hóa truyền thống của các nghệ nhân đã gieo mầm, tiếp lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Bài, ảnh: Trần Nhâm
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/truyen-lua-van-hoa-dong-bao-dan-toc-tua-chua