Truyện ngắn: Di nguyện của bố

Truyện ngắn: Di nguyện của bố
5 giờ trướcBài gốc
Một vài bà ghé lại hàng nước gần đó nghỉ ngơi, nhai lại miếng trầu vừa giập bã. Một bà vừa phe phẩy nón, vừa tém bã trầu vào miệng cất tiếng: “Không biết nhà ông Thìn xóm bên có việc gì mà xe cộ đậu chật lối đi, người vào ra trong chừng nhốn nháo”.
Ông Thảo và ông Diên đang say sưa bên bàn cờ tướng vội dỏng tai lên nghe ngóng. Tiếng ông Diên: “Chắc là ông Thìn ra viện, mấy đứa con đưa về nhà đó mà”. Ông Thảo lên tiếng: “Làm xong ván này tôi và ông đến đó xem sao”.
Tuy khác xóm, nhưng ba ông chơi thân nhau từ tấm bé. Mấy năm lại đây khi tuổi đã xế chiều, rảnh rỗi các ông thường qua lại chơi cờ tướng, uống chè xanh hàng nước nơi gốc đa đầu làng.
Chợt tiếng loa phóng thanh xóm bên vọng sang: “A lô, a lô! Bà con lắng nghe thông báo: Tin buồn…”. Ông Thảo lặng nhìn ông Diên: “Thôi! Thế là người bạn tri kỉ đã quá cố rồi!”.
Ông Thìn nay đã gần tám mươi nên việc ông “ra đi” cũng hợp với lẽ trời đất. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, Cả Đoàn cất tiếng: “Bố ra đi là hợp quy luật, không có gì bàn cãi. Việc hậu sự chú Năm Thành là người ở trong nhà chịu trách nhiệm lo toan, sắp xếp. Cứ làm đám thật to để báo hiếu cho bố. Mọi việc tôi lo. Dù sao con cái nhà này cũng mang tiếng giàu có nhất làng”.
Út Công, tuy là út, nhưng tháo vát, nhanh nhẹn, trong xóm ai cũng nhờ vả nên giờ chú thạo lắm. Út Công đôn đáo lo kêu người dựng rạp, mời thầy về tụng kinh, mua quan tài, liên hệ dịch vụ mai táng. Mặt bừng đỏ, mồ hôi nhễ nhại, Út Công đang tìm cái ly uống nước thì Năm Thành gọi giật giọng: “Này chú Út Công! Tất thảy con cháu xa gần đều phải được chít khăn tang đấy nhá. Chú lo tập hợp nhanh nhanh, để còn đi rước thầy cúng về làm lễ”.
Khi nắp quan tài đóng lại, tiếng mấy cô con dâu tranh nhau nức nở. Tiếng khóc, tiếng nấc khô khan như tiếng ve sầu tháng hạ. Giá như có đứa con gái thì tiếng khóc chắc thảm thiết biết bao, nhưng tiếc thay ông Thìn không được mụn con gái nào.
Đám tang ông Thìn như có vẻ rộn ràng, không có cái không khí u buồn tang tóc. Năm Thành xênh xang trong bộ đồ tang, mặt mũi hớn hở khi được bắt tay, trò chuyện với người đến viếng. Hai Kết thì lăng xăng công tác hậu cần, lo cỗ bàn. Ba Nhất thì lo nơi an táng bố. Tư Định lúi húi sổ sách ghi chép, không biết ghi những thứ gì, nhưng thấy tay cầm bút, gọi mấy bà đi chợ vào trong bếp chỉ trỏ vào tập vở.
Khi tiếng nhạc, tiếng trống, kèn vang lên để làm lễ cúng, mấy người con trai ông Thìn cùng òa lên thành tiếng. Cả Đoàn vừa khóc vừa kể lể: “Bố ơi! Sao bố không sống thọ hơn để chúng con được báo hiếu, đền đáp công sinh thành dưỡng dục. Chúng con nay đã ăn nên, làm ra sao bố nỡ bỏ chúng con mà đi. Bố ơi!”
Trong nhà kẻ vào, người ra tấp nập, khăn tang chít trắng cả rạp. Cỗ bàn bày la liệt. Mâm nào mâm ấy ngùn ngụt thức ăn. Lại thêm mấy cút “tửu” làm cho mặt ai cũng đỏ gay. “Tửu nhập ngôn xuất”, chuyện ra rả như ngô rang.
Không khí ngột ngạt như trời chuyển dạ. Cả Đoàn lo tiếp khách tứ phương đến viếng, miệng liến thoắng, mắt đăm đăm với những chiếc phong bì to nhỏ, nặng nhẹ của người đến cúng.
Tối, ông Diên và ông Thảo chờ vãn khách rồi mới sang viếng. Đèn điện sáng cả một góc trời làm chói lóa cả lối đi. Cả đám người nhà như đang lạc vào cõi “thiền” nên chẳng có ai ra chào đón. Hai ông rón rén đến bên linh cữu thắp nén hương vái lạy người bạn tri kỉ, rồi lại rón rén bước ra cửa như vụng trộm, ra đến đầu làng tâm mới an nhiên.
* * *
Ông Thìn là bộ đội Điện Biên. Hòa bình lập lại, nhờ có thành tích chiến trường nên ông được cử làm xã đội trưởng. Bà Mùi là cô gái làng, hát hay, xinh đẹp không qua được mắt của anh bộ đội về làng. Bao nhiêu “vốn liếng” tán tỉnh đã giúp ông đánh gục cô bé đỏng đảnh, kiêu kỳ.
Đám cưới của đôi trai gái đã làm cho bao trai làng phát ghen. Họ lần lượt “sản xuất” ra Cả Đoàn, Hai Kết, Ba Nhất. Bà Mùi bảo với chồng: “Thôi nhé! Không kham nổi nữa. Ông dừng hoạt động cái “cần dân số” là vừa rồi”. Ông âu yếm, vịn lên bờ vai bà bóp nhẹ: “Cố lên! Thế nào bà cũng sản xuất cho hết trứng thì thôi”.
Rồi bế thốc bà vào buồng. “Ông làm cái gì vậy, ban ngày ban mặt không biết xấu hổ sao? Như văn công đi diễn vậy!”. Không biết diễn như thế nào mà Tư Định, Năm Thành, Út Công lần lượt tòi ra.
Ông Thìn không còn khí phách nữa. Áo quần lúc nào cũng lấm lem bùn đất, mồ hôi khê nồng, thum thủm. Đôi chân trắng nõn của bà Mùi phèn đóng vàng khè, mái tóc mượt mà hương bưởi ngày nào bây giờ cứng khô theo nhịp chiếc đòn gánh. Một hôm ông nói với bà: “Tôi xin nghỉ việc xã thôi. Làm cán bộ là làm đầy tớ của dân, mà làm đầy tớ thì làm sao có cái bỏ vào mấy cái tầu há mồm kia. Chưa nói đến việc chi tiêu học hành, hiếu hỉ…”.
“Nhưng tôi tiếc cho ông, bao nhiêu công sức lâu nay đổ sông, đổ biển”. “Không sao đâu”. Rồi ông ghé tai bà thầm thì điều gì đó. Bà Mùi gật đầu. Và rồi, ông lên xã xin nghỉ việc khăn gói ra đi. Nghe đâu ông đi buôn nơi biên ải. Không biết của nả được bao nhiêu, chỉ biết một năm ông về đôi lần thậm thụt đưa tiền cho bà mua sắm.
Cuộc sống gia đình ông đi lên từng ngày. Nhưng, đổi lại sự giàu có đi lên thì sự học hành của các con ông lại đi xuống. Chẳng có đứa nào học lên quá cấp II cả. Cả Đoàn xin vào bộ đội may ra được “đỏ ngực” người ta cũng không cho đi vì thành phần gia đình đang đứng ngoài hợp tác xã.
* * *
Đất nước thống nhất, ông Thìn lù lù trở về quê xây nhà, lập vườn. Ông xin phép địa phương, thuê người, dồn vốn liếng mở lò gạch. Ông đã đúng. Sau chiến tranh, cần nhiều vật liệu xây dựng công sở, trường học, bệnh viện… nên ông phất lên như diều. Rồi các con ông lần lượt vào Nam lập nghiệp.
Thấy các con làm ăn tấn tới, ông Thìn nghe người đời khen mà sướng cả hai lỗ tai, mặt vênh vênh trước thiên hạ. Năm Thành, Út Công cũng phất lên nhờ gạch, mặc cho hai lá phổi nhuốm màu khói than, đổi lại những xấp giấy bạc chưa quăn góc cứ tuôn vào túi. Chỉ tội cho bà Mùi, người vợ lam lũ phục vụ chồng con tận tâm, mang tiếng vợ của người giàu có nhưng chẳng lúc nào bà rỉnh rảng đồng tiền.
Mua bán gì cũng ngửa tay xin chồng. Rồi cái khoản làm đồ nhậu cho cha con ông tiếp khách cũng bở hơi. Những lúc xỉn rượu, bà phải lo dọn dẹp, lo cái khoản “nhất rượu ngà ngà…” cho ông Thìn cũng đủ ớn. Quần áo thì xộc xạch, lôi thôi có khi nào bà được thảnh thơi. Nhớ cái hôm tảo mộ, bà con nội ngoại đến tham dự chật nhà, bà mặc cái áo sờn vai trông tội nghiệp.
Cả Đoàn phát biểu một câu xanh rờn: “Đợt này vào Sài Gòn, con gửi ra cho u chục bộ quần áo mà mặc, kẻo thiên hạ cười cho thối mũi, mang tiếng bố con keo kiệt”. Ông Thìn quắc mắt: “Thì mai mày lên phố mua cho bà ấy một bộ xem sao”. Đợi mãi, bà vẫn cứ cái áo sờn chỉ ấy.
Một ngày nắng to, không khí oi nồng. Trời hôm nay tưng tửng trở chứng. Những tiếng sấm liên hồi ùng oàng như xé nát cả bầu trời. Năm Thành chở mẹ xuống phố may áo quần. Trên đường về, bầu trời sầm sập đen tối lại.
Mây vần vũ như báo hiệu một cơn mưa khủng. Và những hạt mưa đá ào ào trút xuống. Năm Thành tăng tốc cho xe chạy nhanh hơn để kịp vào quán đầu làng trú tạm. Đường trơn, chiếc xe mất lái đâm sầm vào cột điện bên đường. Năm Thành ngã lăn quay, bà Mùi bay về trước mấy mét rồi rơi bịch xuống vũng nước.
Khi mọi người đến hiện trường đưa Năm Thành đi bệnh viện thì bà Mùi cũng đã qua đời. Than ôi! Cái số của bà như “cây khô xuống nước cũng khô”. Áo quần chưa kịp mặc thì đã thành người thiên cổ.
Từ ngày bà Mùi ra đi, ông Thìn kém ăn, mất ngủ. Người cứ thẫn thờ, công việc cứ bê tha. Sức khỏe ông Thìn ngày càng giảm sút theo tuổi tác. Nghe lời ông Thảo và ông Diên, ông Thìn làm một chuyến “vi vu” vào Sài Gòn với các con để được hưởng phúc.
Ông đến nhà Cả Đoàn. Tiệc tùng đón bố được Cả Đoàn đưa ra nhà hàng sang trọng trong sự ngưỡng mộ của bạn bè. Chưa thỏa, Cả Đoàn chở ông đi karaoke. Ông cũng cố đi cho nguyện ý con.
Cánh cửa phòng vừa mở, các em “mắt xanh mỏ đỏ” ào ra. Đứa thì cầm tay, đứa thì ôm eo làm ông chín người. Chúng mới bằng tuổi cháu mà cứ gọi anh, xưng em với ông nghe ngọt xớt. Ông đảo mắt nhìn một lượt. Chao! Toàn gái xinh, chân dài cả. Một đời ông có nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy.
Bàn tay mềm mại của các em để lên đùi ông vuốt nhè nhẹ làm cho ông sởn da gà. Một em ghé má ông hôn chụt: “Mình hát bài gì đi anh hai”. Ông nghe choáng, gọi Cả Đoàn đưa về. Cả Đoàn mất hứng, bực mình: “Mấy con em xinh thế, bỏ sao đành”. “Tiên sư bố anh! Tôi chịu hết nổi…”.
Sau giấc ngủ li bì, ông thức dậy. Nhà vắng teo không một bóng người. Nước uống cũng không biết chỗ nào, đói bụng chẳng biết ăn gì. Tủ, phòng được khóa kỹ. Ông bước ra cổng, ra phố xem có cái gì ăn uống được. Nhưng cánh cổng đã ngăn lối ông lại. Quay vào bật tivi, cũng không biết bấm chỗ nào để chọn kênh. Mọi thứ không giống như ở nhà, ông lẩm bẩm: “Thật như ở tù”.
Được mấy hôm ông cáo từ và đến chơi nhà Ba Nhất. Ở nhà Ba Nhất ông mới cảm nhận được cái công việc làm sếp của con. Nhờ sự tháo vát, từ làm kế toán, Ba Nhất được “nâng lên” ghế giám đốc. Ba Nhất giàu nhờ vào ăn phần trăm công trình, hoa hồng, quà biếu. Giàu nhưng được tiếng “trong sạch”. Ông lắc đầu: “Hỏng! Cán bộ là đầy tớ của dân mà như thế này thì ai cũng muốn làm đầy tớ lắm”.
Thấy bố cứ bần thần, vợ Ba Nhất thủ thỉ điều gì đó với chồng rồi nói với ông: “Con thấy bố mệt mỏi, hay mai con đưa bố vào bệnh viện”. “Tao khỏe, không cần đâu”. Nhưng rồi ông cũng được đưa vào bệnh viện.
Từ khi ông Thìn nằm bệnh viện, ngày nào cô con dâu cũng túc trực bên ông. Mặt mày hớn hở, vợ Ba Nhất tươi cười cất phong bì, bắt tay, cảm ơn, hứa hẹn với những người đến thăm bố. Ông thấy lòng nặng trĩu. Nhân lúc vợ Ba Nhất đi spa, ông trốn viện, ra bến xe để về quê.
Đang lang thang tìm xe, bất ngờ, ông gặp Tư Định, anh đưa bố về nhà mình. Tư Định lấy bà vợ vừa xấu, vừa già nhưng được cái gia tài nhà vợ giàu có nhất xứ Đồng Nai. Tư Định chỉ biết theo vợ đi thu tiền vay nặng lãi cũng đủ sung túc muôn năm. Không khí nơi đây làm ông thấy dễ chịu. Mưa nắng ôn hòa, mát mẻ. Hoa quả tha hồ chén, nhưng ở nhà một mình cũng thấy bơ vơ.
Một hôm, cô con dâu đi làm về mặt mày sưng sỉa. Cô gọi Tư Định vào phòng nói như để ông nghe thấy: “Anh có lấy tiền trong tủ không? Mấy hôm nay tôi thấy tủ bị xới tung. Rồi tiền trong ví không cánh mà bay”. Tư Định nhìn chằm chằm vào vợ: “Anh không lấy! Thì tìm xem có bỏ lẫn đâu đấy”.
“Hử! Anh không lấy thì ai vào đây mà mất tiền hả!” Mặt đất quay cuồng, mặt mày xây xẩm, ông lảo đảo rơi bịch xuống giường. Lòng se sắt nỗi buồn. Nhân lúc vợ chồng Tư Định vắng nhà, ông ra bến xe về quê. Ông không đến nhà Hai Kết nữa. Đến nhà thằng nào cũng thế thôi!
* * *
Bóng đêm trùm lên lũy tre đầu làng. Hôm nay mất điện, làng im ắng không có tiếng nhạc xập xình. Ngọn gió Lào hây hẩy bỏng rát cả mặt. Ông đi như chạy để nhanh chóng về nhà, được thả mình xuống chiếc chõng tre quen thuộc, cho đỡ mệt mỏi bởi hành trình vượt hơn ngàn cây số. Trăng mồng Mười xuyên qua rặng tre vỡ vụn dưới chân nhưng cũng đủ soi bước ông đi.
Thao thức, ông nghĩ đến vợ. Bây giờ ông mới thấy thương bà Mùi. Một đời bà tảo tần chăm sóc chồng mà ông chưa có sự quan tâm, thương yêu bà một lần cho xứng. Ông coi bà như sinh ra là để phục vụ cho ông, để ông lo kiếm tiền.
Không biết nơi suối vàng bà có tha thứ cho ông? Rồi ông tự trách mình không biết dạy dỗ con cái. Chúng chỉ biết có tiền, thật nhiều tiền. Chữ hiếu – nghĩa bẻ đôi cũng không có. Bây giờ ông mới thấm thía câu: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Mệt mỏi, ông thiếp đi.
Ánh nắng lọt qua cửa sổ làm ông Thìn thức giấc. Ông nhanh nhẹn bật dậy. Nhà vắng teo. Con chích chòe đầu vườn cất tiếng hót véo von. Ngoài sân có tiếng gọi cửa. Tưởng ai, hóa ra ông Thảo và ông Diên đến chơi. Ông Thìn mừng vui, ra mở cửa cất tiếng chào.
Sau khi kể chuyện chuyến vào Nam cho hai ông bạn già nghe, ông Thìn chép miêng: “Đời tôi nó bạc thế đấy. Có con mà chẳng ra sao cả. Một đời tôi lam lũ nuôi chúng nó. Vậy mà, chúng đùn đẩy cho nhau, coi bố như người ăn nhờ ở đậu”.
Rồi ba ông già lại soạn bàn cờ, vui vẻ vô tư như không có việc gì xảy ra. Mặt trời cao dần, ông Thảo và ông Diên chia tay, hẹn gặp lại. Không ngờ, buổi gặp nhau lần này với ông Thìn cũng là lần cuối!
* * *
Sau ba ngày tang bố, Cả Đoàn triệu tập cuộc họp gia đình. Tiếng Cả Đoàn nghe khản đục nhưng cũng phá tan bầu không khí nhợt nhạt khói nhang: “Việc tang bố thế là xong. Số tiền mọi người đi lễ viếng trừ vào chi phí tang lễ, còn lại bao nhiêu thì chia đều”.
Năm Thành nổi khùng: “Chia đều là thế nào? Đây là tiền mọi người đi cúng cho bố chứ có đi cúng cho các anh đâu mà đòi hưởng. Vậy lúc bố còn sống các anh có nuôi bố lấy một ngày không? Thế này! Trừ chi phí tang lễ, số tiền còn lại tôi ở trong nhà này tôi giữ để còn lo xây lăng, lo trả ơn lối xóm, lo giỗ bố nữa”.
Ba Nhất gằn giọng: “Còn căn nhà và mảnh đất này của bố để lại tính sao?”. Năm Thành tức giận đập bàn: “Căn nhà đất đai tôi đang ở bố đã làm giấy Di chúc cho tôi rồi”. Năm Thành bê chiếc hòm gỗ bố đã niêm phong ra giữa nhà, lấy búa đập mạnh ổ khóa. Chiếc hòm bật nắp. Mọi người nín thở, im lặng chờ đợi. Không có số đỏ.
Những cặp mắt ngơ ngác. Chỉ có quyến sổ ghi nhật kí những ngày cuối đời của bố. Tư Định giật lấy quyển sổ và đọc cho cả nhà cùng nghe. Mấy trang đầu ông viết những suy nghĩ về cuộc đời ông.
Trang giữa ông viết về người vợ đã quá cố, những lời viết tuy mộc mạc nhưng thấm thía một nỗi buồn; tình thương yêu muộn mằn với người vợ đã khuất; những nỗi day dứt của cõi lòng ông.
Tư Định lật qua trang sau. Đây rồi lời Di chúc cuối cùng của bố: “Các con của bố! Bố biết rằng bố chẳng còn sống trên cõi đời này được bao nhiêu nữa. Bố gửi lại mấy dòng coi như là Di chúc. Cả đời bố đã chịu thương chịu khổ, chịu thiệt thòi hi sinh để nuôi các con, cho các con nghề nghiệp làm ăn.
Nay các con đã trưởng thành, làm ăn khấm khá, bố mừng lắm. Nhưng các con cần phải học thêm chữ hiếu – nghĩa nhiều hơn nữa để sống làm người có ý nghĩa. Giàu có của cải cũng chưa đủ mà phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, làm gương cho con cháu trong nhà.
Bố ra đi chẳng để lại gì cho các con vì bố biết tiền của các con quá dư đủ. Căn nhà năm gian xây kiên cố này và hơn hai sào đất vườn bố đã làm giấy chuyển nhượng cho thôn làm Nhà văn hóa.
Dù sao thôn ta cũng đang khó khăn vất vả, chưa có nơi để sinh hoạt. Bố qua đời, nhà không dùng cũng lãng phí, hơn nữa nhờ thôn xóm mà bố mới ăn nên, làm ra rồi vui sống đến hôm nay…”.
Năm Thành đứng bật dậy: “Bố làm chết tôi rồi. Vậy tôi sống chỗ nào chứ, con cháu chúng tôi rúc vào đâu? Không được, tôi không đồng ý”. Hai Kết nhỏ nhẹ: “Chú nghe đọc nốt đã. Chưa chi mà loạn lên”.
Tư Định hắng giọng đọc tiếp: “Còn xưởng gạch bố giao lại cho Út Công quản lý, cùng với Năm Thành làm ăn. Và các con chuyển đổi công nghệ gạch đun thành gạch không “khói” để khỏi ảnh hưởng môi trường và phá hoại đất đai, thế là bố mãn nguyện ra đi”.
Cả nhà lặng im. Trên khuôn mặt mỗi người toát lên những nỗi suy tư. Phá tan không khí im lặng, Út Công lên tiếng: “Những lời bố viết đã rõ rồi. Thật cặn kẽ, hợp lý không có gì bàn cãi. Anh em chúng mình cố sống tốt như lời bố căn dặn. Lâu nay đã làm khổ người sống rồi nay đừng làm đau lòng người đã khuất. Hãy thật sự “Đoàn, Kết, Nhất, Định, Thành, Công như bố mẹ hằng mong ước”.
Ngọn gió chiều thoảng qua, cơn mưa chuyển mùa ào tới làm dịu mát không khí oi nồng. Con mực ngoắt đuôi mừng rỡ, sủa lên mấy tiếng rồi chạy đến nằm bên bậu cửa, nơi chỗ ông Thìn thường ngồi hút thuốc và vuốt ve lên lưng nó.
Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-di-nguyen-cua-bo-post712051.html