Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương
7 giờ trướcBài gốc
Minh họa/INT
Song, chẳng kiếm được gì, lão bật cười khanh khách chạy sang chỗ khác lục lọi tiếp.
Cứ thế lão chơi trò đó suốt cả ngày lẫn đêm, không biết chán. Đã trải qua bao mùa bấc trên đảo, Hoàng chỉ thở dài chứ không thèm trách lão nữa. Thôi kệ, chẳng thể tránh được thì đành đối mặt. Vậy là cả đơn vị lại phải cùng nhau dựng lều che sương muối cho đám rau xanh và đám hoa vạn thọ.
Người lính đảo bận bịu chẳng kém gì lão gió. Sắp Tết rồi, biết bao nhiêu là công việc cần hoàn thiện. Ngay từ đầu tháng 11, Ban chỉ huy đã chỉ đạo phải tăng cường hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, trang trí đón Tết. Mùa Tết là mùa cao điểm du lịch nơi đảo này. Kể từ hồi du lịch phát triển, đời sống người dân đỡ vất vả hơn nhiều lắm.
Nhớ hồi mười năm trước, khi mới ra đảo, nhìn đâu cũng thấy một màu ảm đạm. Đảo lơ thơ dăm hàng quán, vài nhà nghỉ nhỏ, có tiền muốn tìm cái khách sạn cho nó sang sang, tiện nghi một chút cũng đành chịu. Vậy mà chỉ dăm năm nay thôi, khi tàu cao tốc được khánh thành, hàng quán, khách sạn mọc lên như nấm. Đời sống nhân dân vì thế được cải thiện rất nhiều.
Vậy là mừng. Đời người lính, chỉ cần thấy cuộc sống của dân sung túc hơn, trẻ em được học hành đàng hoàng là mừng dữ lắm. Lực lượng vũ trang trên đảo bao giờ cũng sẵn sàng tinh thần chiến đấu và hỗ trợ nhân dân. Đảo giữa biển khơi muôn trùng, là cầu nối giữa quần đảo Trường Sa với đất liền nên có vị trí chiến lược quan trọng, vì vậy người lính đảo phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng: Chiến đấu và cứu hộ.
Cả tháng nay, đơn vị ra quân giúp dân dọn dẹp, sửa chữa đường sá, trang trí bờ kè quanh đảo, đổi mới bộ mặt của cù lao xinh đẹp này. Lính mà, đâu có ngại nắng, đâu có ngại khó. Thường ngày chẳng biết cầm cọ vẽ vời, thế mà được giao việc là nhanh nhẹn, mỗi người một tay, không biết thì làm rồi sẽ biết.
Ai vẽ khéo thì vẽ, ai tô màu thì tô. Thế là sau hai ngày, con đường bờ kè bao quanh đảo khoác lên mình một khuôn mặt mới, rực rỡ sắc màu. Ngắm nhìn thành quả của cả đội sau mấy ngày làm việc vất vả, gương mặt ai cũng ánh lên niềm tự hào.
Thế là người check in đầu tiên của tuyến đường màu sắc chính là những anh bộ đội áo xanh. Mặt ai cũng nhuộm màu nắng, chỉ có nụ cười thật tươi khoe hàng răng trắng sáng là nổi bật nhất.
Minh họa/INT.
Xong công việc giúp dân, những người lính đảo lại tất bật về đơn vị, nhổ cỏ, tưới rau, cẩn thận che chắn phòng sương muối. Mùa bấc nổi trồng rau như chiến đấu với trời vậy. Chưa tới nửa đêm sương đã rơi dày, mang theo hơi muối mặn, thêm gió bấc quần đảo, rau cằn hoài chẳng lớn nổi.
Sống được đã là mừng rồi, chỉ sợ trúng sương muối thì thôi coi như công cốc, chẳng mấy chốc héo lá rũ hết. Sự sống trên đảo này, dù là nhỏ nhất, cũng phải vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách chứ chẳng chơi.
Từ khi tới đảo Hoàng trở nên trân trọng cuộc sống hơn. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn hơn đất liền đã giúp anh rèn cho mình lối sống kỷ luật, tiết kiệm. Sáng sáng dậy sớm tập thể dục, học chính trị, ra thao trường tập hoặc đi tuần tra. Công việc buổi chiều thường kết thúc muộn vì cả đơn vị phải chăm sóc vườn rau xanh, đám heo, gà, vịt để cải thiện bữa ăn.
Rau xanh trên đảo quý lắm, vì ở đây nước ngọt hiếm. Nhất là mùa nắng, nước ngầm có hạn, nên phải tiết kiệm. Hoa trở thành thứ hàng xa xỉ trên đảo. Đảo không bán hoa tươi, trừ dịp Tết. Tết thì trồng hoa là chủ yếu, hoa từ đất liền chỉ nhập ra một lượng rất ít. Vạn thọ vàng, cam, đỏ. Thứ hoa dễ trồng dễ chăm được lựa chọn. Thêm hoa giấy. Loài hoa này ít tốn nước và công chăm sóc lại cho hoa bền đẹp.
Xa xỉ hơn chút nữa thì trồng cúc nhật. Giống này đòi hỏi đủ nước đủ phân. Phân thì có sẵn phân chuồng từ việc chăn nuôi, còn nước thì phải tiết kiệm. Đến nước rửa rau cũng được tận dụng lại dùng để tưới cây.
Mấy bồn cúc nhật được chăm sóc còn hơn công chúa nhỏ. Chập tối là được che tránh sương, sáng lại được tháo ra để đón nắng. Chúng lớn nhanh, cây nào cây nấy xòe những lá thon dài xanh mát mắt. Trồng thưa một chút, tỉa đọt kích nảy nhánh, khi cây lớn mỗi cây cho bao nhiêu là hoa rực rỡ.
Minh họa/INT.
Cứ mỗi lần nhìn hàng cúc nhật trổ hoa đủ màu xen kẽ, như tấm thảm hoa màu sắc, Hoàng lại thấy nhớ vợ vô cùng. Vợ anh giờ này ở nhà chắc cũng đương chăm mấy hàng cúc trước sân. Giống cúc trồng trên đảo này được anh lấy từ nhà ra.
Hằng yêu hoa lắm. Bận rộn công việc trên trường, bận rộn chăm hai đứa con nhỏ, cô vẫn dành thời gian trồng và chăm hoa. Khoảnh sân bé tí trước nhà vì thế lúc nào cũng có sắc hoa, trông thật sinh động.
Bao giờ về phép, việc đầu tiên anh làm cũng là bế bổng vợ lên xoay vài vòng mặc cho nàng la chí chóe thả em xuống coi. Hai đứa con xếp hàng chờ được bố ẵm thấy mẹ la hét thì cười nắc nẻ. Chúng thích chơi trò máy bay này lắm. Có lần vợ hỏi lí do sao mỗi lần về anh đều xốc em lên xoay vòng thế, con càng ngày càng lớn, làm thế kì lắm. Anh bật cười:
- Có gì đâu, lâu ngày mới gặp, anh xem em có lên kí không ấy mà. Dạo này tăng kí quá đấy, anh sắp bế không nổi nữa rồi.
Hằng giận dỗi đánh vào người anh:
- Anh mong em xấu đi để tìm cô khác chứ gì. Chắc ngoài đảo nhiều cô xinh hơn em.
Anh bật cười kéo vợ vào lòng, vuốt mái tóc dài mượt mà:
- Có nhiều cô xinh chứ, nhất là khách du lịch, nhưng với anh vợ vẫn là xinh số 1.
Quả nhiên Hằng hết giận. Phụ nữ dễ dỗ vậy đó, một câu khen của chồng là đủ cảm thấy hạnh phúc dạt dào. Hoàng thương vợ thật lòng. Với anh, vợ là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Vừa đi dạy, vừa chăm con nhưng chưa bao giờ quên chăm sóc cho bố mẹ chồng.
Hai nhà cách nhau một cánh đồng, chiều nào đi dạy về cô cũng ghé sang nhà bố mẹ trước, đưa mớ đồ ăn mới mua từ chợ hối mẹ nấu cơm rồi mới đèo hai đứa nhỏ về nhà tắm rửa, cơm nước. Khi con đã ngủ, cô mới ngồi vào bàn soạn giáo án. Ngày nào cũng như ngày đó, lặp đi lặp lại những công việc không tên. Vậy mà chẳng bao giờ nghe cô than vãn.
Mỗi lần gọi điện cho chồng lúc nào cũng động viên bố ráng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để được thưởng phép lâu lâu về thăm nhà nhé. Có khi thì cô khoe thằng Sóc mọc được thêm hai cái răng sữa nữa, còn chị Mon thì đã cao thêm hai cm rồi. Chỉ những thông tin thường nhật ấy thôi mà Hoàng vui lắm. Bọn nhóc mau lớn quá chừng, mỗi lần về là mỗi lần thấy khác. Nhất là cách đối xử với bố, bám như sam.
Bố mẹ lần nào cũng dặn Hoàng “mày lấy được con Hằng là phước ba đời đấy, ráng mà giữ nó. May có nó bố mẹ mới đỡ vất vả. Nó cứ năn nỉ bố mẹ về bên đó ở cho tiện chăm sóc, sợ ông bà già rồi bệnh đau không có ai chăm. Mà nhà tự, phải có người ra vào hương khói. Chúng mày về bên này thì về chứ bố mẹ chẳng đi đâu được cả”.
Chuyện này mỗi lần nghe bố mẹ nhắc là Hoàng lại đau đầu. Bởi anh là con út, nhà tự chỉ truyền cho con cả. Hồi đầu quyết định mua đất xây nhà, bố mẹ anh cũng bảo thôi hay khỏi xây, cứ ở nhà tự với bố mẹ, anh mày ở thành phố cũng có về ở đâu mà phải xây chi cho tốn kém. Thế nhưng không xây thì không được, hai vợ chồng thì ở được, còn con cái thì sao.
Minh họa/INT.
Càng ngày chúng càng lớn, chúng phải có không gian để chơi đùa, chạy nhảy. Nhà tự thì nhỏ thôi, chủ yếu để thờ cúng, ba mẹ ở thì vừa, chứ thêm gia đình Hoàng nữa thì thành chật. Hơn thế, trước sau gì nhà tự cũng giao cho anh cả, đến lúc đó thì lại phải đi mua đất, xây nhà. Chật vật lắm. Thôi, thà xây trước khi giá cả còn rẻ, vừa có không gian rộng rãi để ở, vừa tiết kiệm khoản chi phí phát sinh.
Thế nên hai vợ chồng quyết xây nhà ở riêng. Giờ thì lại rắc rối vì ông bà càng ngày sức khỏe càng yếu, nhất là ông. Bà phải chăm ông cả ngày, đến đi chợ cũng ít đi, toàn con dâu mua mang sang cho thôi. Chuyện ăn uống thì dễ, nhưng ốm đau thì rắc rối. Có khi nửa đêm, ông lên cơn đau bụng, sốt. Hằng phải khóa cửa nhốt hai đứa con đang ngủ say, chạy sang chở bố mẹ đi viện cấp cứu.
Một mình tất tả chạy ngược xuôi, lo cơm nước cho ông bà, lo nhà cửa. Chẳng là mẹ nuôi cả bầy heo, đi viện thì chẳng ai chăm, chỉ chờ vào mình Hằng. Cũng may cô nhanh nhẹn, bao nhiêu việc vẫn giải quyết chu toàn. Bởi vậy, chẳng phải riêng anh, bố mẹ cũng rất quý cô. Hễ mở miệng là một con dâu, hai cũng con dâu.
Đôi lần anh hỏi vợ có hối hận khi lấy anh không. Hằng chỉ cười:
- Vợ chồng là duyên nợ kiếp trước, em hối hận thì có ích gì.
- Em nghĩ được thế thì tốt đấy. Nợ nhiều lắm, còn phải trả nợ anh vài trăm kiếp nữa đấy nhé.
Vợ lại đấm thùm thụp vào lưng Hoàng vì câu nói đùa đấy. Vợ vẫn giữ cách giận dỗi đáng yêu ấy từ hồi quen nhau đến giờ. Lần nào cũng khiến Hoàng bật cười khanh khách vì bộ dạng giận dỗi dễ thương đó.
Chính gia đình nhỏ này là động lực để Hoàng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một người lính bảo vệ đất nước. Anh luôn bảo với vợ “trong đất liền hòa bình đấy nhưng ngoài đảo thì không yên bình đâu”. Thật vậy, người lính đảo phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, không chỉ với các thế lực thù địch mà còn với các tệ nạn xã hội.
Ngày trước, đảo nhỏ bình yên biết bao nhưng từ hồi du lịch phát triển, ngày càng nhiều các tệ nạn xuất hiện. Trộm cắp rồi thì ma túy. Các đối tượng tội phạm lợi dụng địa hình cách biệt của đảo để tuồn ma túy từ nước ngoài về theo đường thủy. Rất khó để kiểm soát vì chúng mua chuộc ngư dân, hàng chẳng cần phải giao ở đất liền, chỉ cần giao trên tàu cá là được.
Minh họa/INT.
Vì vậy việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Song song với đó là đảm bảo trật tự an toàn cho khách du lịch, cho bà con trên đảo. Nhất là những mùa bão lũ. Lính ra đa thì phải canh giữ bầu trời Tổ quốc, vừa phải rà soát thông tin trên biển để kịp thời cứu hộ cứu nạn cho ngư dân hay tàu thuyền qua lại gặp nạn. Người lính đảo bao giờ cũng bận rộn như vậy đó.
Thành ra công việc gia đình đành nhờ hết vào một tay người vợ ở nhà. Một năm chỉ tranh thủ về thăm nhà hai ba kỳ phép, hôn vội bọn trẻ, sửa lại mái nhà đã dột cho ba hay hàn cái sào phơi đồ cho vợ rồi lại tranh thủ về đơn vị. Vậy mà chẳng bao giờ Hằng trách anh nửa lời.
Bao giờ cô cũng động viên anh mỗi người sinh ra là một nhiệm vụ rồi, may nhà mình gần, về phép còn ở được hai ngày, chứ nhà mấy anh kia ở xa, đi đi về về mất cả hai ngày thì mỗi lần phép chỉ ở nhà được mỗi một ngày, ăn vội bữa cơm vợ nấu lại lật đật về đơn vị. Mình là vẫn may mắn hơn nhiều người mà, anh đừng có sợ em tủi thân. Cứ sống vì lí tưởng của anh, việc nhà em lo thoáng cái là xong thôi.
Cũng vì câu nói của vợ mà anh hăng say làm việc hơn. Lính là thế, đã làm phải làm hết mình, đã bắt tay làm phải đến nơi đến chốn, nhanh nhẹn, chuẩn xác. Một tháng ra quân tình nguyện giúp người dân chuẩn bị Tết, đơn vị anh và các đơn vị bộ đội khác trên đảo đã làm được bao nhiêu việc có ích. Các tuyến đường được dọn dẹp rác sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, khắc phục những chỗ xuống cấp, trang trí lại tuyến đường ven biển,…
Mệt mà vui. Ai cũng bảo nhau như thế. Càng vui hơn nữa khi thủ trưởng thông báo năm nay đơn vị sẽ kết hợp với chính quyền tổ chức Tết sum vầy cho các chiến sĩ ở đảo. Vợ con sẽ được ra thăm, ăn Tết cùng chồng và các anh em ở đảo.
Quả là một tin rất vui, tối nay, thể nào anh cũng gọi điện thông báo cho Hằng và hai con. Thế nào hai đứa nhỏ cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng cho coi. Tưởng tượng ra nụ cười tỏa nắng của hai con, anh bất giác cười lớn. Sao nôn Tết dữ vậy ta ơi!
Trần Thị Kim (Giáo viên Trường THCS & THPT Lê Lợi, Phan Thiết, Bình Thuận)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-hau-phuong-yeu-thuong-post712770.html