Ảnh minh họa
Ông Sinh tỉnh dậy khi đồng hồ điểm bảy giờ sáng. Giờ này đã quá muộn so với mọi hôm. Không hiểu sao, hôm nay ông ngủ say như chết. Tiếng chuông cũng chẳng thấy kêu như mọi khi.
Tại sao lại kêu vào lúc bảy giờ như vậy? Ông uể oải vươn vai, với tay cầm chiếc đồng hồ để tắt chuông. Giờ này chắc các con đã đi làm hết, vợ ông không có trong nhà. Ông thò chân xuống giường, đặt đôi chân nặng nề, có chút sưng nhẹ, lên đôi dép mềm mại, cố đứng dậy.
Cảm giác nhức buốt dọc sống lưng. Ông định ngồi xuống cho bớt cơn đau rồi đứng dậy tiếp. Cháu gái từ đâu chạy đến, nó vội vàng đỡ lấy ông, giọng khẩn trương:
- Ôi ông ơi, từ từ, từ từ, có cháu ở đây rồi, ông cứ vịn vào vai cháu đi ạ!
Ông mỉm cười, nụ cười nhẹ nhõm trên gương mặt đầy những vết chân chim, chai sạn và đen.
Đã từ lâu, ngôi nhà rộng lớn này đối với ông chỉ như quán trọ. Không phải vì ông không gắn bó, mến yêu nó mà vì công việc thiện nguyện đã cuốn ông vào vòng xoáy. Bao nhiêu tiền bạc, lương thưởng, thậm chí cả những đồng tiền từ dãy nhà trọ cho thuê bên kia, ông đều cho hết vào công tác từ thiện của mình.
Hàng xóm vẫn thường bảo "ông ngu thôi, tiền bạc tích góp bao năm, đưa đi cho người dưng". Ông kệ, miễn sao mình thấy vui, cuộc sống cứ an nhiên như thế.
Ông luôn xem công việc đó như là sứ mệnh, gắn với cuộc đời mình. Nếu một ngày ông buông tay, những hoàn cảnh khó khăn kia, bao đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh kia, sẽ đi về đâu? Họ cũng sẽ theo tiếng gọi của ông bà tổ tiên mà đi về, khi chưa tròn năm, tròn tháng, oặt oẹo với tiếng khóc xé lòng vậy thôi, đủ để ông chùn bước.
***
- Tuần sau có lịch lên Lào Cai, anh sắp xếp đi cùng tụi em được không? Không có anh, tụi em chẳng biết phải làm thế nào. Ca này khó, cha của cháu bé rất cổ hủ, đang có ý định chôn sống nó đấy!
Tiếng Nhân - một thành viên trong đội thiện nguyện - báo gấp cho ông Sinh trong điện thoại. Ông giơ tay bịt loa, ngó quanh quất. Ngôi nhà vẫn im lìm, không thấy bóng dáng ai. Ông khẽ khàng:
- Được rồi, để anh thu xếp. Nhưng cũng phải để anh bó xong đợt thuốc này, chị nhà mới cho đi. Cái lưng anh dạo này không ổn rồi. Chú với mấy anh em tập làm quen dần đi. Nhỡ mai này không có anh nữa, các chú vẫn phải tiếp tục công việc và làm tốt chứ, không lẽ bỏ ngang.
Đầu dây bên kia ngưng bặt, chắc Nhân cũng đang bận với trăm ngàn mối lo. Tiền trong nguồn quỹ mổ tim sắp hết, công tác vận động không được nhiều do tình hình kinh tế khó khăn. Một vài thành viên đã chủ động rời nhóm, trong sự tiếc nuối.
Một là kinh tế gia đình không cho phép nữa. Hai là đeo đuổi công việc thiện nguyện này, ngoài những vinh dự, vinh danh, nhiều người biết đến, khen ngợi tấm gương thì họ chẳng có gì. Thậm chí, tiền lương hỗ trợ từng thành viên đều không có.
***
- Mày chết đi, hay là mày ôm đứa con tật nguyền này cùng nhau mà chết đi. Sống làm gì cho chật đất, nhà tao không có đất nuôi hai mẹ con mày đâu.
Tiếng của người chồng rít qua kẽ răng. Hắn trợn ngược mắt lên, tròng trắng như muốn lọt ra ngoài. Bàn tay đen đúa, to bè của một gã quanh năm đi rừng như muốn bóp nghẹt cổ họng người vợ.
Tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt đòi bú. Đêm khuya thanh vắng, người phụ nữ mới sinh được hai tháng ôm con quỳ dưới sàn đất lạnh băng của bệnh viện, nước mắt rơi đầy thương xót.
Như thước phim quay chậm, chị nhớ những ngày đầu về làm dâu nhà đó. Ngôi nhà sàn trống huơ trống hoác, gió lùa trước hụt sau. Chồng chị, người đàn ông miệng đầy mùi thuốc lá, lúc nào cũng nói giọng đạo lí, đã xô chị vào một góc tường, chỉ cho chị xó xỉnh nằm nghiêng của dâu mới về.
Hắn nhìn chị bằng ánh mắt khinh miệt, không phải là người đàn ông dịu dàng, giàu có như miệng hắn vẫn nói khi qua bản bên kia dốc để tán chị và mấy cô gái khác. Người mẹ chồng luôn miệng chửi bới, trong nhà bao nhiêu đồ ăn bà giấu nhẹm xuống dưới.
Đôi mắt sắc lẹm lúc nào cũng như muốn nhìn xuyên thấu tâm can chị. Những ngày chị cấn bầu, bà đổ một thứ nước gì đặc quánh, đen ngòm vào chiếc bát nhỏ, bắt chị uống cho bằng hết, bảo đó là thuốc dưỡng thai, uống đi cho cháu khỏe.
Chị nhắm mắt nhắm mũi uống. Thứ nước đắng ngắt, mùi lá rừng xộc lên mũi, sốc đến tận óc. Chị chỉ muốn nhổ toẹt ra ngoài, chạy thật nhanh trốn khỏi chốn này. Nhưng bao lần, gã chồng tai hại ấy lại nắm đầu chị trở về, tẩn cho chị hết đường chạy. Tám tháng, chị sinh non. Một em bé đỏ hỏn, quặt quẹo ra đời. Hậu quả của bao nhiêu hủ tục.
***
Ông Sinh nén tiếng thở dài khi nghe câu chuyện của cặp vợ chồng đó. Bao nhiêu trường hợp trước đây, khi gọi đến tổ chức thiện nguyện của ông, họ luôn có một khát khao cứu sống những đứa con tội nghiệp. Nhưng với gia đình này thì không, mặc cho cô vợ đang trong tâm trạng hoảng loạn và bất lực, cố níu giữ sự sống cho con thì người chồng lại phũ phàng rũ bỏ.
Anh ta nghĩ rằng mọi hậu quả hôm nay là do người vợ gây ra. Và đau lòng hơn, gia đình vợ cũng vậy. Họ nghĩ rằng trong thời gian mang thai, người vợ đã phạm phải điều cấm kị của Giàng nên bây giờ Giàng về phạt, trút hết lên người đứa bé.
Theo phong tục ở đây, họ sẽ chôn sống nó, làm một cái lễ tạ tội với Giàng, xin Giàng cho đứa con sau được khỏe mạnh.
- Sao cháu biết đến tôi mà gọi? - ông Sinh mở lời, cắt ngang tiếng ồn ào đang đôi co giữa bệnh viện.
- Cháu...cháu...thỉnh thoảng vẫn được xem tivi. Hôm đó, cháu thấy chú trên tivi, người ta nói về những việc thiện nguyện chú đã làm cho rất nhiều người nghèo khổ, nhất là những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Cháu đã nhớ mang máng số điện thoại nóng của hội mình trên đó. Nên cháu đã thử liên hệ, cầu mong cháu được gặp chú để có cơ hội cứu lấy con cháu.
Ông Sinh cầm lấy bàn tay xương xẩu, xanh nổi gân của người phụ nữ, giọng ân cần:
- Được rồi, cháu yên tâm nhé, bên chú sẽ cố gắng hết sức. Trước mắt vẫn là việc bồi bổ sức khỏe của cháu, để bé có thêm sữa bú.
***
- Ai là người nhà của bác Nguyễn Hữu Sinh, xin cho vào phòng trao đổi trực tiếp với bác sỹ?
Tiếng y tá vang lên. Hùng- con trai lớn của ông Sinh - vội vàng chạy đến. Có tiếng bước chân nhiều hơn. Là vợ ông, mấy đứa con và các cháu đều tụ họp về đây. Nghe tin ông bị xỉu trên đường đi thiện nguyện, cả gia đình đã rất lo lắng.
Đến thời điểm này, bác sỹ bảo trao đổi riêng thì chắc chắn sức khỏe ông đã có vấn đề. Vợ ông ào đến, cầu xin được vào trong.
- Nhưng bác phải thật sự bình tĩnh? - một bác sỹ khuyên can.
- Vâng...vâng, tôi bình tĩnh được, tôi bình tĩnh được... - bà nói, giọng run run.
- Bác Sinh đã bị thận ở giai đoạn cuối, nếu không có thận thay thế, thì tôi e... khó qua khỏi lắm.
Người phụ nữ bao phen cùng chồng ngược xuôi thiện nguyện ngã khuỵu xuống. Ngực đập liên hồi. Bao phen bà cùng ông đi rừng xuống biển, vào Nam, ra Bắc. Nhưng chưa bao giờ bà nghe một tin điếng người như thế.
***
- Đến bây giờ anh vẫn chưa biết ân nhân cho mình quả thận là ai? - Tiếng của biên tập viên hỏi, xóa tan bầu không khí đang trầm xuống. Có vẻ như câu chuyện đã quá dài, và những tâm sự thầm kín bao lâu nay của công việc thiện nguyện được ông Sinh trút bỏ.
Ông biết, bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để đóng góp cho mọi người, cho đất nước. Nhưng có lẽ công lao của ông bấy lâu nay đã được đền đáp xứng đáng.
- Tôi có hỏi phía bệnh viện, nhưng đây là bí mật nên đến bây giờ, các bác sỹ đều chưa cho tôi và người nhà tôi biết về người hiến thận ngày hôm đó. Tôi chỉ biết đã có tới mười hai người đến hiến thận, họ bảo biết đến tôi qua những lần tôi từ thiện. Họ sẵn sàng cho tôi một quả thận và phía gia đình tôi cũng không mất một đồng chi phí nào cả.
- Vậy là bây giờ trong người anh có tận hai người, đồng hành cùng anh trên mọi chặng đường thiện nguyện? Anh có những tâm sự gì với người đầu ấp tay gối với mình sau bao nhiêu gian nan vất vả, nhất là hành trình làm "ông Bụt" cứu người của mình không?
Ông Sinh mỉm cười, nói về người vợ tảo tần của mình bằng ánh mắt đầy bao dung, trìu mến. Không có bà ngồi bên cạnh nhưng bao nhiêu nỗi niềm, cảm phục, mến thương ông tâm sự một lần.
Có thể chặng đường thiện nguyện phía trước còn dài, tuổi của ông cũng không còn trẻ để xông pha nhiều nơi như ông đã từng. Nhưng những cống hiến của ông, thành quả hôm nay là minh chứng cho một hành trình đầy khó khăn, gian lao mà cũng đầy tự hào của cả gia đình.
***
Bữa cơm trưa bên ngôi nhà ấm cúng, quây quần con cháu và mọi người. Ánh mắt ông Sinh dõi ra phía xa xa, ở đó, những cây xanh đang từng ngày tươi tốt. Ông biết hành trình của mình chưa bao giờ dừng lại... và sẽ lại tiếp tục hồi sinh.
Ngô Nữ Thùy Linh