Nơi đảo xa. Ảnh minh họa: Xuân Chính
Ông Hải ngước nhìn đồng hồ, chốc chốc lại ngóng ra cửa. Để đỡ sốt ruột, ông lau đi lau lại các đồ vật trong phòng khách đến mức chúng sáng bóng lên. Bà Thu nhìn chồng, không nhịn nổi, phì cười:
- Ông làm gì mà cứ lau đi lau lại thế? Cái ấm pha trà khéo soi gương được rồi kia kìa. Con nó đưa bạn gái về ra mắt mà cứ như thể là ông đi ra mắt nhà bố mẹ vợ không bằng ấy.
Nghe vợ nói ông Hải mới chịu ngồi yên. Ông chống chế:
- Thì hồi hộp chứ sao không hồi hộp. Nó cứ đi biền biệt, tôi tưởng nó ế vợ đến nơi. Bà cứ chê tôi chứ khéo bà lại chả mừng thầm gấp mấy lần tôi.
Nhà ông Hải, bà Thu mấy hôm nay vui hơn cả Tết. Từ tháng trước, Long - con trai cả của ông bà - đã điện về báo hôm nay sẽ nghỉ phép đưa người yêu về ra mắt. Từ lúc Long gọi điện về, ông bà đã tính toán, lên phương án chuẩn bị đón tiếp sao cho vừa chu đáo, vừa để con dâu tương lai được tự nhiên, thoải mái. Ông Hải phấn khởi còn tính đến cả chuyện đặt tên cho cháu nội tương lai.
Không háo hức, mong chờ sao được khi bằng tuổi Long, bạn bè đồng trang lứa đã tay bồng, tay bế, đứa nào lấy vợ sớm con đã học cấp hai. Vẫn biết vì nhiệm vụ nhưng ông bà cũng sốt ruột. Long cứ đi biền biệt, có khi mấy năm không được về thăm nhà một lần.
Nơi Long công tác cũng chẳng có ai để tìm hiểu, hẹn hò nên ông bà lại càng lo. Lắm lúc, bà bàn với ông hay cứ nhắm sẵn cho con một đám, lúc nào nó về phép thì "đánh nhanh thắng nhanh luôn" nhưng chính Long gạt đi. Long bảo mẹ, chuyện yêu đương, kết hôn là cái duyên cái số, làm sao mà "đánh nhanh thắng nhanh được". Mà cũng chưa chắc có cô gái nào chịu phương án ấy.
Long vốn là một cậu bé ngoan ngoãn, học giỏi từ nhỏ. Ông Hải công tác xa nhà biền biệt nên Long trưởng thành sớm. Long biết tự lập, chăm sóc em, thể hiện mình là người lớn trong nhà thay phần bố để mẹ đỡ vất vả.
Với thành tích mười hai năm liền là học sinh giỏi toàn diện, Long có thể thi đỗ vào các trường đại học mơ ước với cơ hội việc làm lương cao sau khi ra trường. Nhưng cậu lại chọn Học viện Hải quân. Ngày con trai nộp hồ sơ thi, bà Thu khuyên nhủ tỉ tê để con chọn ngành học khác.
Là vợ của một bác sĩ quân y công tác nơi hải đảo, bà hiểu những khó khăn, nhọc nhằn không chỉ của người ở xa mà cả của những người chờ đợi nơi quê nhà. Nhưng Long giống hệt tính ông Hải, đã quyết tâm làm gì thì phải làm cho bằng được.
Để thuyết phục mẹ, Long tâm sự tình yêu của mình dành cho màu áo lính, cho biển trời Tổ quốc. Tình yêu ấy được chắp cánh và vun đắp mỗi ngày bằng những lá thư của bố, con ốc biển bố gửi làm quà, trái bàng vuông vượt ngàn hải lý bố gửi về quê nhà. Long muốn tiếp nối hành trình của bố, trở thành một người lính bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng của Long rộn ràng ngoài cổng. Ông Hải, bà Thu lật đật chạy ra. Bà Thu cứ chê ông hồi hộp, vậy mà vừa nhìn thấy con trai, bà cười mà nước mắt đã tràn ướt mi. Hải Khuê - người yêu của Long bẽn lẽn đứng phía sau khẽ cất tiếng chào, bà mới vội vàng lau nước mắt, cầm tay dắt cô gái vào nhà.
Những lời hỏi thăm ân cần, biết bao chuyện trong những ngày xa cách cứ nối tiếp nhau chẳng thể nào dứt ra được. Bà Thu vừa gặp Khuê đã có cảm tình ngay. Cô gái nền nã, chững chạc, dịu dàng và là một bác sĩ quân y. Ông Hải gật gù:
- Vậy là nhà ta có ba người lính, trong đó có hai người là lính quân y. Chắc cũng là ý trời tác hợp các con ạ.
Hải Khuê đỏ mặt, bà Thu khẽ nguýt chồng, chưa gì đã khiến con dâu tương lai phải ngại ngùng. Ánh mắt của Khuê bị thu hút bởi tấm hình treo trên tường phòng khách. Tấm hình chụp ông Hải lúc còn đang công tác ở đảo. Ông đang bế một đứa bé trên tay. Khuôn mặt Hải Khuê bỗng ngập tràn nỗi xúc động. Cô chỉ tay vào đứa bé trên tấm hình, giọng nghẹn đi:
- Bác, bác Hải. Đúng là bác Hải rồi. Con chính là cô bé con trong ảnh, người được bác đón chào đời trên đảo Trường Sa.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến ông Hải cũng lặng đi trong nỗi xúc động không thể nói thành lời. Ông vốn là bác sĩ của bệnh viện Quân y xung phong ra công tác tại bệnh xá của huyện đảo Trường Sa. Gặp lại cô bé chính tay mình giúp chào đời, bao nhiêu kỷ niệm của một thời đầy những khó khăn, vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào bỗng ùa về trong ông.
Ngày ấy, giữa muôn trùng sóng, ông cùng đồng đội, những bác sĩ - chiến sĩ đã khám, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và các ngư dân không may gặp nạn khi đánh bắt hải sản. Cứu người ở đất liền phải tranh thủ từng phút, từng giây thì ở đảo cũng vậy, lại trong hoàn cảnh thiếu thốn hơn nhiều so với đất liền.
Có những bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi vậy, dù là ngày hay đêm, nắng ráo hay mưa bão, các bác sĩ trên đảo cũng sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của một lương y khi có người bệnh cần cứu chữa.
Có người bị đau bụng, có người bị thương trong lúc đang lênh đênh trên biển khiến vết thương bị nhiễm trùng, chỉ chậm thêm chút nữa là hoại tử phải cắt bỏ bàn chân. Rồi bệnh nhân bị nhím biển, cầu gai chích, bị tổn thương do cá đuối, sứa gây nên.
Có ca bệnh nhân cần phải được dùng máy thở nhưng ở đảo không có, các bác sĩ đã phải thay phiên nhau bóp bóng thở cả đêm để bệnh nhân có đủ dưỡng khí, chờ trực thăng ra đưa bệnh nhân về đất liền chữa trị.
Lại có ca phẫu thuật, khi thành công, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều như được tái sinh. Bệnh nhân bị đau bụng, nghi là đau ruột thừa. Nhưng bác sĩ trên đảo không ai có chuyên môn về vấn đề này. Không thể chờ bác sĩ từ đất liền cử ra vì tình hình nguy cấp, bệnh nhân tha thiết xin được mổ và viết giấy chịu hết trách nhiệm dù kết quả ra sao.
Một cuộc phẫu thuật với sự chỉ dẫn qua điện đàm diễn ra. Sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt từng y, bác sĩ ở cả đất liền lẫn trên đảo. Ngày bình phục, bệnh nhân nhất định đòi kết nghĩa anh em với bác sĩ đã phẫu thuật cứu sống mình.
Thuốc men mang được ra đến đảo đều trở thành tài sản quý giá, bởi vậy, ông cùng đồng đội còn trồng thêm vườn thuốc nam để chữa trị một số căn bệnh thông thường. Thói quen trồng, chăm sóc những cây thuốc nam ông Hải vẫn giữ cho đến giờ.
Các cây thuốc nam ông trồng trong vườn nhà dành để chữa cảm cúm, viêm họng, đau bụng cho hàng xóm xung quanh. Các cháu nhỏ trong xóm vẫn chào ông là "ông bác sĩ bộ đội" mỗi lần gặp ông đi dạo trên đường.
Biết bao kỷ niệm về những năm tháng công tác nơi hải đảo luôn in đậm trong tâm trí ông. Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ rõ nhất là đêm đón Hải Khuê chào đời.
Bố mẹ Hải Khuê là một trong những người dân xung phong ra Trường Sa sinh sống theo chủ trương của Nhà nước. Bố Hải Khuê tham gia đội dân quân tự vệ biển, mẹ nấu cơm cho chiến sĩ. Lúc mang thai, mẹ của Hải Khuê sức khỏe yếu nên hạn chế đi lại.
Mọi người dự tính gần đến ngày sinh, Bệnh viện Đa khoa sẽ cử bác sĩ từ đất liền ra đỡ. Nhưng Hải Khuê lại đòi ra sớm hơn dự định. Thai phụ đã chuyển dạ mà bác sĩ được cử ra vẫn lênh đênh trên tàu vì tình hình thời tiết xấu, biển động, sóng lớn.
Các bác sĩ lại phát hiện thai ngang, nhau quấn cổ, thiếu ối. Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Hải mổ đỡ đẻ cho một sản phụ qua sự hướng dẫn từ xa của khoa sản bệnh viện.
Bên ngoài phòng mổ, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đảo chờ đợi để sẵn sàng hiến máu cho mẹ của Hải Khuê. Tiếng khóc chào đời của Hải Khuê vang lên, hòa với tiếng sóng biển và những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình, của quân và dân trên đảo.
Khi ấy, mặt trời cũng vừa ló rạng sau một đêm dài dằng dặc. Ông Hải trao đứa trẻ cho người bố mà xúc động như ngày nhận thư vợ báo đã sinh Long "mẹ tròn con vuông".
Hải Khuê ngắm bức ảnh, cô khẽ khàng:
- Bố mẹ con đặt tên con là Hải Khuê, vừa có tên của các chiến sĩ hải quân vừa có tên của bác và mong ước con sẽ là vì sao sáng của biển. Sau khi vào đất liền, bố con vừa làm kinh tế, vừa tiếp tục tham gia lực lượng dân quân tự vệ, còn mẹ con mở một tiệm cơm nhỏ. Bố mẹ con vẫn hỏi thăm tình hình của bác và có dự định ra thăm bác vào một ngày gần nhất mà chưa có dịp. Hôm nay…
Hải Khuê nghẹn ngào. Cuộc đời luôn có những mối duyên kỳ lạ. Long và Hải Khuê quen nhau khi Long không may bị thương phải vào đất liền chữa trị vào năm trước rồi yêu nhau. Long cảm mến cô bác sĩ nghiêm khắc mà dịu dàng, có đôi mắt lấp lánh hệt như hai vì sao. Còn Hải Khuê lại thương người chiến sĩ dạn dày nắng gió, lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời.
Chuyện bị thương, Long giấu bố mẹ, đến giờ ông Hải, bà Thu mới biết. Anh cười khi gặp ánh mắt lo lắng, trách móc của mẹ. Lính mà mẹ, bị thương nhẹ mà đã gọi về khóc với bố mẹ thì còn gì là lính nữa, anh em cười cho.
Ông Hải nhắc Hải Khuê gọi điện cho bố mẹ để ông ôn lại chuyện với những người quen cũ, giờ sắp thành thông gia. Cưới vợ phải cưới liền tay. Sẵn Long nghỉ phép, ông bà sẽ vào gặp mặt xin cho hai đứa chính thức thành vợ chồng rồi sớm cho ông bà được bế cháu.
Trong tiếng nói cười rộn ràng ở căn nhà nhỏ, dường như có cả lời sóng hát dạt dào.
Truyện ngắn của Cao Việt Cường