Ảnh minh họa
Cứ sáng sáng, má quẩy gánh ra chợ. Gần mười giờ, má lại lóc cóc đi về. Trên gánh hàng, chỉ có một bọc cá khô, mấy mụn thịt ba chỉ, được cô bán hàng thân quen vón vén từ mấy khúc thịt của người ta cho má. Má mang về, đoạn nào ăn được thì má rửa sạch sẽ, kho kĩ, mềm nhũn ra, chắt lấy nước cho con vàng. Người với chó, ăn chung một nồi. Mấy hôm trở về nhà, thấy nồi thịt kho chung với cá, thằng Thiên biểu má ăn chỗ nào, con vàng ăn chỗ nào. Má cười hiền hậu:
- Người ta biểu "khôn ăn cái, dại ăn nước", má ăn cái, lấy thìa múc cho nó mấy miếng nước kho thôi con. Hôm nào hết đồ ăn, má cũng múc nước kho chan với cơm.
Thằng Thiên đứng như trời trồng giữa căn nhà trống huơ trống hoác, nước mắt chảy dài, đau đến quặn ruột. Đâu phải má thiếu thốn gì cho đặng, anh hai, chị ba gửi tiền về cho má hoài. Má làm một cái hũ, giấu nhẹm đi chỗ nào không ai hay, tới Tết, má lại lụi cụi mang ra, dấm dúi cho mấy đứa cháu. Thiên là con út trong nhà, nó cũng được má cho ăn học tử tế, công việc ổn định. Nó chỉ chờ có một cô bồ, rước về nhà, má gật đầu cái rụp là nó kêu má cùng anh em bà con qua nhà rước người ta về làm dâu.
***
Mấy nay công ty ít việc, nó xin nghỉ phép về nhà mấy hôm. Con vàng nằm lim dim mắt trước cửa. Chắc giờ này má đang ngoài chợ. Thiên đẩy cổng bước vào, ngôi nhà ẩm ướt xộc lên mũi nó mùi của kí ức. Lâu lắm rồi, nó mới một mình đi chân trần trên nền gạch lạnh, cảm nhận bao nhiêu ngày tháng ấu thơ ùa về. Chỗ này hồi xưa anh hai hay chẻ củi cho ba nấu bánh tét bán chợ sớm, chỗ kia chị ba ngồi chơi bán đồ hàng với mấy đứa hàng xóm. Thiên ngồi bên cạnh má, coi má buộc mấy dây lạt vào bánh để ba cho vào nồi. Bộ bàn ghế đá, có ô vuông cờ tướng, thỉnh thoảng ba ngồi với chú Mạnh hàng xóm, gõ cành cạch, mày tao chí tớ liên miên.
Vậy là đã năm mùa trăng ba theo gót nội về với cõi Phật. Thỉnh thoảng Thiên thấy má đứng một mình, dõi ánh nhìn hoang hoải về phía bàn cờ, chờ đợi một bóng dáng quen thuộc. Màu sơn trắng cũ mờ theo năm tháng, bao lâu rồi những con cờ đã không được tung tẩy trên những ngón tay gầy xương xẩu của ba. Thỉnh thoảng chú Mạnh ghé nhà, lắc đầu nhìn về phía bếp củi hiu hắt, lại nhắc chuyện cũ mèm "hồi nớ anh Tư ngồi chỗ ni, em ngồi chỗ ni, uýnh cờ và cãi nhau om sòm, chị Ba chỉ cười không nói". Đợi chú Mạnh về, má ôm mặt khóc rưng rức, nỗi nhớ người đầu ấp tay gối cào cấu trong tâm can.
***
Má đòi lên phố, một quyết định được coi là "táo bạo" khi anh em trong nhà chưa có ai nghĩ đến. Mấy lâu nay, anh hai biểu má lên trông coi nhà cửa, tiện thể chăm mấy bụi kiểng trong nhà dùm anh, nhưng má nào có chịu. Vẫn ruộng rẫy vườn tược, chăm bón rau cỏ bòn mót tiền bỏ ống heo. Nay má nói lên, anh em nhìn nhau, lắc đầu không hiểu. Má lại cười hiền hậu, nụ cười ánh lên những suy tư day dứt mà bao năm Thiên định nghĩa về nó hoài không thôi. Má biểu:
- Quê giờ này bán buôn khó lắm con, má lên phố chạy chợ, bán dọc lề đường, coi bộ người ta mua nhiều hơn. Biết đâu trời thương, má tậu hẳn căn nhà ở phố thì sao?
Đám con cười xòa, chuẩn bị nón áo cho má lên phố. Biết có cản cũng không được, thôi đành chiều má, biết đâu lên trên đó, má thấy nhà cửa anh hai bộn bề, má lại ở trong nhà, lo cơm nước cho gia đình anh hai. Lâu lâu có chị ba qua, rồi Thiên tạt ngang, cả gia đình quây quần cuối tuần, má bớt cô đơn. Nhưng má nói thì má làm thiệt. Những ngày đầu lạ lẫm trên phố, má lân la hỏi mấy cô chú bán vé số, rồi mấy gánh hàng lề đường. Được mấy hôm, dường như rút được kinh nghiệm, má về nhà anh hai, lúi húi làm giá đỗ, món ăn tuổi thơ mà suốt thời gian đi học, mỗi lần má bán ế, anh em Thiên lại được ăn no đẫy.
Thiên nhớ những buổi sáng được nghỉ học, cậu phải ngồi ở quán cóc chợ làng, xin ké cái mông, rồi ôm nồi giá đỗ, bán dùm cho má. Buổi chiều Thiên đi học, anh hai hoặc chị ba ra bán phụ, sáng một nồi, chiều một nồi, bán được hết mới dám về nhà. Má ủ giá đỗ quanh năm, một loạt nồi trong nhà, má mang ra tận dụng hết. Ba làm đồng về, ghé mâm cơm đã thấy giá xào măng hay giá nấu canh chua cá lóc, giá xào khổ qua... đủ hết. Chú Mạnh qua gạ ba đánh cờ, cười tủm tỉm:
- Chu choa, chị Ba chăm anh Tư dữ hen, toàn thấy ăn giá đỗ.
Ba quạu chú Mạnh:
- Rồi muốn ăn ké không, vô đây. Tui ăn muốn lòi cái bản họng ra đây rồi nè.
Má đứng ngoài hàng hiên cười cười. Tay thoăn thoắt chà mớ đỗ xanh, chuẩn bị làm nồi giá mới. Cũng từ những nồi giá đỗ, từ miếng rau, ngọn cỏ trong vườn ấy, 3 anh em Thiên được ăn học tử tế, có công việc ở trên phố.
***
Má thành con buôn xì phố, lại quay về với nghề cũ bao năm. Nhưng được mấy tháng, khách hàng ổn định thì gia đình anh hai gặp chuyện. Công ty anh đang làm giám đốc có biến, dù chỉ là một đơn vị kinh doanh nhỏ, nhưng anh cũng quản lý trên dưới 50 nhân công. Hai năm ròng dịch dã, anh đã gần như kiệt sức khi đầu ra sản phẩm không có, một số nhân công đã xin nghỉ về quê. Tưởng trụ được thêm một thời gian nữa, đợi kinh tế khấm khá hơn, anh mới xin phép đón má lên, cho má có cuộc sống quây quần cùng anh em trên phố. Nhưng linh tính người mẹ đã mách bảo cho má từ hôm anh hai về quê đột ngột. Anh hai xin mượn má cuốn sổ đỏ ba để lại, duy trì công việc kinh doanh. Má hỏi thêm nhiều thứ, nhưng anh hai một mực không nói.
Bây giờ Thiên mới hiểu, vì sao má đột ngột quyết định lên phố. Rồi má biểu 3 anh em về quê, về để má nói chuyện. Má kêu dâu rể về hết, con cháu nội ngoại của má, má cũng biểu về. Tưởng má bệnh nặng, trăn trối điều gì, anh hai tức tốc điều xe về. Chị ba bỏ dở việc, cũng vội vội vàng vàng đưa chồng con về.
Trong căn nhà ngói cũ kĩ, má chậm rãi đi từ trong buồng ra, căn buồng mà suốt những năm tháng gia đình ấm êm, ba má tối lửa tắt đèn có nhau. Má mang một chiếc hũ bự ra bàn, lôi từng thứ trong đó. Nào vàng, nào tiền, mệnh giá đủ loại, áng chừng đếm được tiền tỷ. Cả mấy anh em há hốc mồm. Thì ra, mấy lâu nay má tằn tiện, ki cóp, cũng chỉ để cuối cùng dành hết lại cho con, cho cháu. Má biểu:
- Lúc này anh hai là người khó nhất, thôi thì má xin phép dâu rể, cho anh hai mượn trước. Sau này má về với tổ tiên, với ba, thì má chia 3 ra, đứa nào cũng có phần như nhau. Bao năm má chỉ góp được nhiêu đó, anh hai coi đỡ được phần nào cho công việc kinh doanh thì làm. Mấy đứa con, đừng tỵ nạnh với anh con nghe?
Lời má đắng đót, rót vào tai từng đứa con. Mấy đứa cháu ngơ ngác nhìn bà. Anh hai quỳ thụp dưới chân má, khóc không thành tiếng. Vậy mà bao năm nay, mấy anh em đều không biết báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của ba má. Đến khi má lụi cụi tuổi già, vẫn phải gồng gánh những dại khờ của xã hội đẩy đưa.
***
Chiều quê lành lạnh hơi sương, hôm nay má về lại nhà, thăm con vàng bao ngày vắng bóng chủ. Anh hai sắp xếp ổn thỏa công việc của công ty, theo má về quê tịnh dưỡng. Trong bóng chiều hoàng hôn kéo xuống, hai má con ngồi tần ngần bên nhau. Má kéo đầu anh hai, nheo nheo đôi mắt, mắng yêu:
- Tổ cha mậy, có cọng tóc bạc rồi nè hai.
Má lấy hạt thóc, ghé sát chân tóc nhổ cho anh hai. Cảm nhận những thô ráp từ bàn tay năm tháng sương gió tảo tần, cựa quậy nhẹ trên đầu mình, bao nhiêu thương cảm dồn lên mắt. Anh hai khe khẽ tiếng thân thương bao năm chưa thổ lộ với má:
- Má ơi, con thương má lắm nè!
Gió thổi vi vút qua cánh đồng, đậu trên cây bắp má vừa gieo hôm trước, con vàng lúi húi ngoài bụi cau, đào bới thứ gì đó. Má không nói gì, lặng lẽ ôm anh hai thật chặt, cái ôm của thuở ban sơ ngày nào, ấm áp đến vô cùng.
Ngô Nữ Thùy Linh