Truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ

Truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ
13 giờ trướcBài gốc
Vợ chồng bà Võ Thị Hường, ông Mai Văn Lớp hạnh phúc khi nhớ về những ngày tháng góp sức đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước - Ảnh: TÚ LINH
Tù nhân của chuyến trao trả cuối cùng
Kỷ niệm 50 năm ngày huyện Hải Lăng giải phóng và 50 năm đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, những ngày này, vợ chồng bà Hường, ông Lớp như sống lại tuổi thanh xuân của mình. Họ kể cho nhau nghe kỷ niệm về những ngày gan dạ cầm súng ra trận và hoạt động cách mạng bí mật trong lòng chế độ Sài Gòn cũng như tháng ngày lao tù bị tra tấn, đánh đập dã man.
Theo Hiệp định Paris năm 1973, chính quyền Sài Gòn phải trao trả nhiều chiến sĩ cách mạng cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sân bay Lộc Ninh ở tỉnh Bình Phước là một trong những điểm được chọn để thực hiện. Chuyến trao trả cuối cùng vào cuối ngày 7/3/974 diễn ra ở sân bay Lộc Ninh, gồm những tù nhân đặc biệt từ Côn Đảo trở về có 24 nam, 29 nữ.
Trong đó có nhân vật nổi tiếng Võ Thị Thắng với nụ cười chiến thắng và câu nói dõng dạc, đanh thép trước Tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn vào năm 1968: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?” khi bà bị tuyên án 20 năm tù.
Sau này bà giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ít ai biết rằng trong 29 nữ trên chuyến bay trao trả cuối cùng này có một tù nhân nhỏ nhắn, xinh đẹp, người Quảng Trị, đó là bà Võ Thị Hường, tên hoạt động cách mạng là Võ Thị Sót. Bà bị tuyên án tù khổ sai sau khi quân đội chính quyền Sài Gòn bắt vào tháng 9/1968 tại Hải Lăng, Quảng Trị.
Trong 6 năm ròng rã, bà Hường bị giam cầm đọa đầy, tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác. Thời gian tù đày đó là trường học lớn đối với bà cũng như nhiều tù chính trị khác để rèn luyện ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng. Bà Hường nhớ lại, khi bị tuyên án, bà nghĩ thế là hết cả cuộc đời. Nhưng rồi niềm tin vào lý tưởng, vào đồng chí đã mau chóng xóa tan ý nghĩ ấy, dành chỗ cho sự can trường trong lao tù, tin vào chiến thắng. Niềm tin ấy đã giúp bà đi qua hết những khốc liệt của tháng ngày tù ngục.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Hường lắm gian truân. Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, mới 14 tuổi bà đã tham gia hoạt động bí mật ở thị xã Quảng Trị với nhiệm vụ nắm tình hình quân địch để thả truyền đơn vận động lính miền Nam bỏ hàng ngũ về với cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà đóng vai người giúp việc cho gia đình một người lính chế độ Sài Gòn cũ nên luôn thực hiện tốt công việc được giao.
Một năm sau, cơ sở đưa bà trở lại quê nhà làm giao liên, đưa bộ đội về nằm vùng chiến đấu, đưa thương binh lên về chiến khu chữa trị, rồi tham gia du kích. Làm việc ở vị trí nào bà cũng hoàn thành xuất sắc.
Một thời gian sau, bà được tổ chức giao nhiệm vụ quan trọng là Phó ban lương thực xã Hải Ba, hoạt động dưới sự chỉ đạo của trưởng ban Lê Đức Ty với nhiệm vụ chuẩn bị lương thực phục vụ bộ đội, du kích trên địa bàn sẵn sàng với cuộc chiến đấu lâu dài. Những ngày ấy, bà phải bí mật đến từng nhà vận động cơ sở đi mua lúa, gạo, đợi đêm về tổ chức chuyển lúa gạo lên rừng đào hầm chôn cẩn thận.
Nhờ được tổ chức bài bản nên bộ đội, du kích luôn được cung cấp lương thực kịp thời để bảo đảm sức khỏe phục vụ cho cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Chính quyền Sài Gòn nhiều lần nghi ngờ mạng lưới cung cấp lương thực hiệu quả cho cách mạng được xuất phát từng vùng đồng bằng Hải Ba nhưng không thể tìm ra đầu mối.
Vợ chồng bà Hường, ông Lớp với con trai hiện đang công tác tại Tây Nguyên và cháu nội - Ảnh: TÚ LINH
Nghi ngờ nhiều lần, vào tháng 9/1968, quân đội chính quyền Sài Gòn sử dụng nhiều lực lượng tổ chức các mũi càn quét vào xã Hải Ba, dùng súng bắn và xăm tìm hầm bí mật của cơ sở cách mạng. Căn hầm bà Hường cùng 2 đồng đội khác đang trú ẩn không may bị lộ.
Bà Hường nhớ lại, với khí tiết của người cách mạng, bà cùng anh em quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chấp nhận hy sinh để bảo vệ bí mật của Đảng. Lúc ấy trong căn hầm ngoài bà Hường còn có Trưởng Công an xã Hải Ba Lê Đức Giúp và một đồng chí khác. Nòng súng hướng về cửa hầm, lựu đạn cài vào thắt lưng quyết chiến đấu với địch. Địch ném vũ khí xuống, ba người dưới hầm ném vũ khí trở lại làm bị thương một binh lính. Lợi dụng đêm tối, một đồng chí trốn thoát được ra ngoài.
Quân đội chính quyền Sài Gòn càng bao vây, cày xới tung hầm hòng bắt sống những người bên trong. Đến khoảng hơn 10 giờ đêm đó, Trưởng Công an xã Hải Ba Lê Đức Giúp hy sinh ngay trong hầm, bà Hường bị địch bắt.
Rất may tất cả các tài liệu bí mật quan trọng đều được bà và hai đồng chí kịp thời tiêu hủy trước khi sa vào tay giặc, vì vậy các cơ sở còn lại của cách mạng vẫn được an toàn. Từ khi bị bắt, bà Hường lần lượt bị giam ở nhà lao Quảng Trị, Thừa Phủ ở Huế trước khi bị đưa vào giam tại nhà lao Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi được trao trả vào cuối ngày 7/3/1974, bà Hường được đưa ra Bắc điều dưỡng cho đến sau năm 1975 trở về quê hương. Duyên số khiến bà gặp ông Mai Văn Lớp, một người tù chung thân vừa trở về từ Phú Quốc rồi trở thành người bạn đời lý tưởng.
Luôn ngẩng cao đầu
Ông Mai Văn Lớp đã đi qua tuổi thơ dữ dội khi quê hương đầy bóng quân xâm lược. Gia đình, dòng họ ông Lớp có truyền thống cách mạng nổi tiếng. Không chấp nhận nỗi đau mất nước, năm 19 tuổi, ông tìm cách lên rừng theo cách mạng, xin được cầm súng bảo vệ quê hương, sau đó được bổ sung vào H99, bộ đội địa phương huyện Hải Lăng.
Ông Lớp nhớ như in ngày đầu tiên được phát vũ khí, ông theo đơn vị về đồng bằng xuất sắc thực hiện nhiệm vụ. Thời gian này chiến trường ngày càng khốc liệt, trên địa bàn Hải Lăng thường xuyên diễn ra nhiều trận đánh hết sức cam go giữa bộ đội ta và quân đội chính quyền Sài Gòn cùng sự yểm trợ của quân đội Mỹ. Năm 1969, trong một trận đánh không cân sức, ông bị thương nặng, khi tỉnh dậy biết mình đang nằm điều trị ở Hạm đội 7 của Mỹ. Điều trị lành vết thương, ông bị đưa về giam tại Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, bị kế t án tù chung thân rồi đưa ra nhà lao Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ông Mai Văn Lớp vinh dự được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng từ năm 2023- Ảnh: TÚ LINH
Tại đây, ông Lớp và các chiến sĩ đã coi thời gian bị tù đày gian khó là môi trường để rèn luyện, là nơi tập dượt của các hình thức, phương thức, khẩu hiệu đấu tranh với quân thù. Ông móc nối với tổ chức đảng trong nhà tù để nhận các nghị quyết, chủ trương của đảng bộ, chi bộ được bí mật gửi đến các chiến sĩ. Những trao đổi hoạt động với nhau hết sức ngắn gọn. Khi thì lấy que củi viết xuống đất rồi xóa đi, khi thì dùng tiếng lóng, tiếng địa phương để không bị lộ. Nhiệm vụ chính của ông là dạy văn hóa cho đảng viên, chiến sĩ trong tù.
Được một thời gian chúng phát hiện, đánh đập ông dã man. Với khí tiết của người đảng viên, ông đã tập hợp anh em, đoàn kết đấu tranh đòi quyền được học văn hóa, buộc chúng phải chấp nhận. Những ngày đó ông và các đồng chí cùng sẻ chia gian lao khổ cực, giữ vững khí tiết, chí khí cách mạng của mình cho đến lúc ra tù vẫn ngẩng cao đầu với tư thế của người chiến thắng.
Thi hành Hiệp định Paris, sáng 26/3/1973, ông Lớp cùng nhiều bạn tù được chính quyền Sài Gòn cho lên máy bay C130 từ Phú Quốc đến sân bay Phú Bài, Huế, sau đó trung chuyển ra điểm tập kết bờ Nam sông Thạch Hãn rồi dùng ca nô chở sang bờ Bắc trao trả cho cách mạng. Sáng hôm sau ông Lớp theo đoàn ra miền Bắc điều dưỡng cho đến sau tháng 4/1975 trở về quê hương và may mắn gặp được bà Hường.
Vĩ thanh
Bà Hường sau ngày đất nước thống nhất mới 25 tuổi, ông Lớp 30 tuổi. Từ quý mến, đồng cảm cùng hoàn cảnh cựu tù, hai người yêu thương nhau rồi thành vợ chồng. Tiệc cưới đơn sơ của ông bà được tổ chức ở quê nhà vào cuối năm 1976 có đầy đủ đồng đội và bà con đến dự. Ông bà chia sẻ, hành trình hoạt động cách mạng, bị giam cầm trong chốn lao tù, cùng khát khao bảo vệ lý tưởng; phấn đấu góp sức xây dựng quê hương Hải Lăng sau ngày giải phóng.
Hành trình này cũng chứa đựng bao nhọc nhằn, có nước mắt nhưng cũng không ít nụ cười của sự tự tin, bản lĩnh. Hai người thương binh nặng (bà Hường hạng 2/4, ông Lớp hạng 1⁄4) phải gồng mình lao động, lo toan cuộc sống để lần lượt dạy dỗ, nuôi dưỡng 3 người con ăn học và một người con gái bị nhiễm chất độc da cam.
Thời gian này, vợ chồng ông Lớp gặp rất nhiều khó khăn, tưởng như không vượt qua được. Ông là Bí thư Chi bộ Hợp tác xã mua bán xã Hải Ba từ năm 1976, đến sau năm 1980 đảm trách chức vụ Phó Bí thư Chi bộ thôn Phương Lang cho đến năm 1997. Nhiều khi ông tự động viên mình để vượt qua nghịch cảnh. Thời chiến tranh, cái chết kề bên mình vẫn tự tin tìm ra lối thoát, nay thời bình dẫu khó mấy cũng phải tìm cách giải quyết.
“Mình là Phó bí thư chi bộ nên càng phải gương mẫu hơn”, ông Lớp bày tỏ. Là những người đã từng đi qua trong lửa đạn của chiến tranh, từng chịu đau thương mất mát, lao tù nên ông bà thấu cảm được cuộc sống mới và càng khát vọng hòa bình hơn. Hai người chưa khi nào thiếu vắng sự chia sẻ.
Ông bà luôn động viên nhau tuổi trẻ dốc hết sức lực cho cách mạng, đấu tranh góp sức giải phóng quê hương, đất nước, nay được sống trong hòa bình phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội, tiếp bước truyền thống gia đình. Các con của ông bà giờ đã trở thành những kỹ sư dầu khí, kỹ sư điện lực, thầy giáo trung học phổ thông.
Sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung, đó là phương châm của vợ chồng ông Lớp. Vì thế, không chỉ đón bà con lối xóm, ngôi nhà của vợ chồng ông bà thi thoảng lại đón những vị khách là bạn tù đến từ mọi miền đất nước về thăm.
Trong câu chuyện của mình, những người chiến sĩ năm nào vui mừng vì đã cùng nhau đi qua bao gian lao, vất vả của quê hương; được chứng kiến đất nước ngày càng đổi mới. Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hải Lăng Nguyễn Thị Quật vẫn thường đến thăm hỏi, động viên tặng quà vợ chồng bà Hường, ông Lớp nhân các ngày lễ trọng của đất nước.
Bà Quật chia sẻ, trên địa bàn huyện có nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nổi tiếng, trong đó có vợ chồng ông Lớp. “Câu chuyện về cuộc đời họ trở thành biểu tượng cho một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho đất nước, cho cách mạng. Tri ân sự đóng góp đó, Đảng và Nhà nước đã giành tặng cho ông bà nhiều huân chương, huy hiệu.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông bà kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”, bà Quật cho biết .
Tú Linh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/truyen-nhiet-huyet-cho-the-he-tre-191850.htm