Nhận định trên là của Giáo sư Reena Marwah (Đại học Delhi, Ấn Độ) trong bài viết “Vietnam leads Global Dialogue on Green Growth” (tạm dịch: Việt Nam dẫn dắt đối thoại toàn cầu về tăng trưởng xanh), đăng tải trên The Times of India ngày 16/4.
Ảnh chụp màn hình bài viết.
Kim chỉ nam dẫn lối
Bài viết đánh giá P4G là sáng kiến ý nghĩa với Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tập trung vào những giải pháp thị trường nhằm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực hành động vì khí hậu, hệ thống lương thực, nước, năng lượng và kinh tế tuần hoàn.
Riêng đối với Việt Nam, chuyên gia Reena Marwah cho rằng đây là cơ hội thu hút nguồn lực thiết yếu về tài chính, công nghệ và chuyên môn, phục vụ cho lộ trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia thành viên P4G (như Đan Mạch, Hàn Quốc, Colombia, Ethiopia, Kenya, Indonesia, Mexico, Hà Lan, Nam Phi, Bangladesh) cùng mạng lưới các đối tác tổ chức toàn cầu.
Tác giả cũng nhận định, hiện nay nhiều cam kết tài chính khí hậu từ các quốc gia phát triển đang rơi vào tình trạng đình trệ hoặc sụt giảm về giá trị thực tế. Khoảng trống này có thể gây ra khủng hoảng lòng tin, bởi những tuyên bố hùng hồn về vai trò lãnh đạo khí hậu đang xa vời so với sự hỗ trợ thực chất dành cho các quốc gia đang phát triển, những nước ở tuyến đầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, mô hình hợp tác công - tư mà P4G thúc đẩy đang nổi lên như một hướng đi khả thi nhằm huy động vốn và đổi mới sáng tạo, khi các kênh hỗ trợ truyền thống như ODA hay tài chính khí hậu vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng về quy mô.
Tác giả Reena Marwah cho rằng chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 phản ánh sâu sắc triết lý phát triển của Việt Nam. (Ảnh: Việt Hoàng)
Theo Giáo sư Reena, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không thể chỉ dựa vào áp lực thị trường hay động cơ công nghệ, mà cần bảo đảm sự công bằng, bao trùm và cải thiện đời sống người dân.
Những chuyển dịch trong năng lượng, nông nghiệp hay công nghiệp đều tác động trực tiếp tới việc làm, sinh kế và cộng đồng. Bằng cách đặt con người vào vị trí trung tâm, Việt Nam đang thúc đẩy cách tiếp cận chuyển đổi công bằng, chia sẻ rộng rãi lợi ích của phát triển bền vững, đồng thời những nhóm yếu thế không bị bỏ lại phía sau.
Học giả Ấn Độ khẳng định, khi các quốc gia đang phát triển đóng vai trò ngày càng lớn trong định hình nghị trình khí hậu toàn cầu, những sáng kiến như P4G mang lại giá trị thiết thực, từ việc huy động được 90 triệu USD đầu tư, hỗ trợ hơn 75 đối tác, cắt giảm 10 triệu tấn CO₂ đến cải thiện cuộc sống của 1,6 triệu người.
Tuyên bố Hà Nội - chuẩn mực mới cho hợp tác khí hậu toàn cầu
Bài viết chỉ ra rằng Hội nghị lần này là dịp để Việt Nam cùng các đối tác kêu gọi xây dựng những hình thức hợp tác bình đẳng và sâu sắc hơn. Các đối tác chủ chốt như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Ấn Độ, với thế mạnh công nghệ và năng lực đầu tư, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình xanh của Việt Nam. Do vậy, P4G là không gian lý tưởng để khẳng định về tiềm năng đầu tư vào nền kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, từ hạ tầng năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững đến giao thông điện và các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, bà Reena Marwah đánh giá cao Tuyên bố Hà Nội, cho rằng kết quả tích cực này của Hội nghị P4G hoàn toàn có thể tái định hình cho hợp tác khí hậu quốc tế. Việt Nam theo đuổi một mô hình hợp tác dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm và cam kết thực chất thay vì chỉ bị chi phối bởi quy mô GDP. Trong cách tiếp cận này, tác giả nhấn mạnh giá trị đóng góp của mỗi đối tác không nằm ở tiềm lực kinh tế, mà ở sự chân thành và quyết tâm hành động vì khí hậu. Từ Hà Nội, một tầm nhìn hợp tác khí hậu bao trùm, công bằng và đa phương có thể lan tỏa như một giải pháp thay thế đầy triển vọng cho trật tự hiện hữu.
Giáo sư Reena Marwah tái khẳng định việc Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 là minh chứng cho tầm nhìn và cam kết hành động vì tương lai bền vững cả trong nước và trên trường quốc tế. Vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, đây là chiến lược khôn ngoan nhằm tận dụng sức mạnh hợp tác toàn cầu để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung của nhân loại trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bằng việc đề cao cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và kêu gọi các hình thức hợp tác bình đẳng hơn, Việt Nam không đơn thuần tổ chức một hội nghị mà đang khởi xướng một cuộc đối thoại thiết yếu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và hợp tác quốc tế, dựa trên cơ sở hợp tác đa phương, tham vọng và niềm tin vào hành động chung, điều mà thế giới không thể làm ngơ.
Có thể nói, Việt Nam đang từng bước thể hiện vai trò trung tâm trong việc định hình phát triển xanh và bền vững toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Hà Nội trong 3 ngày vừa qua là minh chứng cho một tầm nhìn phát triển gắn với hành động khí hậu cụ thể, cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác công bằng, toàn diện và lấy con người làm trọng tâm cho tương lai bền vững.
Tác giả, Giáo sư Reena Marwah là Tổng thư ký Hiệp hội các học giả châu Á, đồng thời là tác giả cuốn “Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam: Động lực phát triển và định hướng chiến lược” (Palgrave Macmillan, 2022).
P4G là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Việt Hoàng