Truyền thông Bỉ: Tài sản bị đóng băng không thuộc về Nga

Truyền thông Bỉ: Tài sản bị đóng băng không thuộc về Nga
một ngày trướcBài gốc
Trụ sở Euroclear tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Wikipedia
Đây là tiết lộ của tờ De Tijd (Bỉ) ngày 20/2. Phát hiện này đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và công bằng của các biện pháp trừng phạt hiện nay.
Ai thực sự sở hữu số tài sản đóng băng này?
Phần lớn số tài sản bị đóng băng này được giữ tại Euroclear, một tổ chức hạ tầng thị trường tài chính toàn cầu có trụ sở tại Brussels. Công ty này đóng vai trò quan trọng trong giao dịch và lưu ký chứng khoán.
Tờ De Tijd nhận định: "Sự thật không mấy dễ chịu là phần lớn số tiền này thực ra không thuộc về những cá nhân và công ty trong danh sách trừng phạt".
Cụ thể: 193 tỷ euro là các giao dịch bị chặn liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, trong đó có khoản tiền đáng kể của các tổ chức tài chính phương Tây, bao gồm JPMorgan (Mỹ). Ngân hàng này đã cố gắng thu hồi 2,25 tỷ euro nhưng không thành công. Nhiều ngân hàng châu Âu cũng rơi vào tình trạng tương tự nhưng không công khai thông tin để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng.
Số tiền còn lại 65 tỷ euro là các tài sản bị đóng băng theo kiểu truyền thống: 55 tỷ euro liên quan đến chứng khoán được giao dịch qua Kho lưu ký thanh toán Quốc gia của Nga (NSD). 10 tỷ euro thuộc về các ngân hàng Nga bị trừng phạt như Sberbank.
Tuy nhiên, đáng chú ý là nhiều tài sản trong số này thực ra thuộc về các khách hàng không nằm trong danh sách trừng phạt, bao gồm cả những công dân bình thường không có liên hệ với cuộc xung đột tại Ukraine.
Hệ thống quản lý lệnh trừng phạt ở Bỉ gặp khó
Bộ Tài chính Bỉ, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các lệnh trừng phạt, đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Ban đầu, cơ quan này chỉ có hai nhân viên xử lý các lệnh trừng phạt Nga khi chiến sự nổ ra. Hiện tại, con số đã tăng lên 15 người, nhưng chỉ có 5 người chuyên xử lý đơn xin giải phóng tài sản.
Năm ngoái, Bỉ nhận được 1.214 đơn yêu cầu hoàn tiền, nhưng chỉ xử lý được chưa đến một nửa, với 232 trường hợp được chấp thuận, chủ yếu là các khoản nhỏ từ những người có quốc tịch kép Liên minh châu Âu (EU)-Nga.
Hệ thống chậm trễ này đã khiến hơn 200 vụ kiện được đệ trình lên Hội đồng Nhà nước Bỉ, phản đối việc tài sản bị đóng băng mà không có lý do hợp lý.
Tài sản đóng băng khác với tài sản phong tỏa
Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tờ De Tijd cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt quốc tế hiện nay áp dụng một cơ chế mới gọi là “đóng băng tài sản”, khác biệt đáng kể so với việc “phong tỏa tài sản” theo cách truyền thống.
Tài sản đóng băng có thể được giải phóng nếu có yêu cầu hợp lệ. Trong khi đó, tài sản bị phong tỏa chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn và chỉ có thể được giải phóng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn khi việc giữ lại số tiền này gây nguy cơ nghiêm trọng cho sự ổn định tài chính của EU.
Các chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng nếu không xử lý đúng cách, nhà nước Bỉ có thể phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường thiệt hại đáng kể. Theo ước tính, hơn 80% số tiền bị chặn thực chất thuộc về những người không hề vi phạm lệnh trừng phạt.
Ngoài những thách thức pháp lý, chính quyền Bỉ còn nghi ngờ rằng Nga đang “cố tình làm quá tải hệ thống” bằng cách gửi một lượng lớn đơn yêu cầu giải phóng tài sản.
Nhân viên xử lý lệnh trừng phạt cũng đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm các cuộc gọi đáng ngờ vào số điện thoại cá nhân. Một số hoạt động nghiên cứu trực tuyến của họ cũng bị phá hoại, khiến họ không thể truy cập thông tin về các thực thể bị trừng phạt.
Trong khi đó, Euroclear đang bị cuốn vào hơn 100 vụ kiện tại Nga, chủ yếu do các quỹ quản lý tài sản và cá nhân không bị trừng phạt tìm cách lấy lại tài sản của mình. Công ty này đã phải tăng gấp ba đội ngũ chuyên trách lệnh trừng phạt, với hơn 100 nhân viên chuyên kiểm tra giao dịch và giám sát những khu vực có nguy cơ cao, như đảo Síp, để ngăn chặn hành vi lách luật trừng phạt.
Tiền đóng băng có thể được dùng để tái thiết Ukraine không?
Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sử dụng số tài sản Nga bị đóng băng để phục vụ tái thiết đất nước. Một số chính trị gia châu Âu cũng đang cân nhắc điều này.
Ngày 19/2, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gợi ý rằng số tiền này nên được dùng để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này vẫn còn nhiều trở ngại pháp lý, đặc biệt khi phần lớn số tiền thực ra không thuộc về chính phủ hay doanh nghiệp Nga bị trừng phạt.
Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc giữ lại hoặc sử dụng số tài sản này có thực sự phù hợp với tinh thần của các lệnh trừng phạt hay không?
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo brusselssignal)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/truyen-thong-bi-tai-san-bi-dong-bang-khong-thuoc-ve-nga-20250220164721594.htm