Truyền thông Thụy Sỹ: Việt Nam là một đối tác kinh tế hấp dẫn, một điểm đến chiến lược cho tương lai

Truyền thông Thụy Sỹ: Việt Nam là một đối tác kinh tế hấp dẫn, một điểm đến chiến lược cho tương lai
5 giờ trướcBài gốc
Truyền thông Thụy Sỹ đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Tác giả Adrien Benoit của bài viết cho rằng, Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ năm 2025 (diễn ra từ 20-23/1) là cơ hội lớn để khẳng định vị thế của Việt Nam.
Theo bài viết, Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu. Quốc gia Đông Nam Á giàu tiềm năng này đang ngày càng thu hút chú ý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Hội nghị WEF Davos năm nay có sự tham dự của hơn 50 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, được xem là cơ hội để cứu vãn chủ nghĩa đa phương trước những thách thức mới.
Tác giả bài viết cho rằng, Việt Nam, một trong những nền kinh tế bắc cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, đang đạt được một số thành tựu, trong đó có tiến bộ trong kim ngạch xuất nhập khẩu, trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thời gian qua, giống như nhiều nước trên thế giới thực hiện các biện pháp cải cách, Việt Nam đang thực hiện một số biện pháp quan trọng với hệ thống chính trị và hành chính. Đây là những thay đổi chưa từng có tại quốc gia vốn ưu tiên duy trì ổn định chính trị để phát triển.
Bài viết chỉ ra sự tham dự thường xuyên của Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos trong những năm gần đây cũng cho thấy đất nước đặt kỳ vọng lớn vào môi trường đa phương cho các mục tiêu phát triển. Đây là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự WEF. Sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sự nổi lên của đất nước như một cường quốc kinh tế toàn cầu. Theo đó, Việt Nam không chỉ là một đối tác kinh tế hấp dẫn, mà còn là một điểm đến chiến lược cho tương lai.
Bài viết đánh giá Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong hai thập kỷ qua. Năm 2024, GDP của đất nước tăng khoảng 7%, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu. Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam dựa trên những trụ cột như, dân số trẻ và năng động, đô thị hóa nhanh chóng và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng…
Việt Nam cũng đang là trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, dệt may và sản phẩm nông nghiệp. Các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Intel và Nike đã thành lập các cơ sở sản xuất lớn tại đây. Điều này có được là nhờ chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng hậu cần liên tục được cải thiện.
Tác giả Adrien Benoit nêu bật việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực khuyến khích đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các sáng kiến phát triển các công ty khởi nghiệp công nghệ, dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong các lĩnh vực chính đang tạo ra hệ sinh thái màu mỡ cho các công ty công nghệ.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng. Bằng cách áp dụng các chính sách tập trung vào năng lượng tái tạo và các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, đất nước đang thu hút các nhà đầu tư có ý thức về môi trường và các dự án xanh.
(theo TTXVN)
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/truyen-thong-thuy-sy-viet-nam-la-mot-doi-tac-kinh-te-hap-dan-mot-diem-den-chien-luoc-cho-tuong-lai-301852.html