Truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' và mối quan hệ thầy - trò

Truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' và mối quan hệ thầy - trò
3 giờ trướcBài gốc
Các giáo viên Trường THPT Gang Thép (TP. Thái Nguyên) gần gũi, tâm tình, động viên trò tích cực học tập, rèn luyện.
P.V: “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp nhân văn của văn hóa Việt Nam, cũng là đạo lý đúc rút từ ngàn đời. Theo ông, nét đẹp này thể hiện trong giai đoạn hiện nay thế nào?
Nhà giáo Nhân dân (NGND) Trịnh Trúc Lâm: Thầy - trò là một trong những mối quan hệ xã hội tồn tại từ lâu đời. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” dù ở thời điểm nào, chế độ nào vẫn không bao giờ thay đổi. Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy luôn tiêu biểu trong mọi tầng lớp của xã hội.
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”... là những câu thành ngữ khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội xưa và nay, cũng như đức tính hiếu học của nhân dân ta. Sự phát triển của giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữa cũng là thầy”. Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tâm trong sáng của mình.
Trong xã hội hiện đại, quan niệm về sự học và mối quan hệ thầy - trò đã có nhiều thay đổi, mang màu sắc mới trên nền tảng những giá trị truyền thống. Mối quan hệ này không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa, mà có phần giảm nhẹ, đơn giản hóa những quy định về lễ nghĩa. Khoảng cách giữa thầy và trò dần được rút ngắn. Từ đó, quan hệ thầy - trò mang đậm tính nhân văn, tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại.
Trước đây, người thầy truyền đạt kiến thức, tri thức cho người học với vai trò tối thượng của người thầy. Giáo dục hiện đại đang hướng đến mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”, trò chủ động lĩnh hội thi thức, rèn luyện kỹ năng và mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ hai chiều, quan hệ hợp tác, bổ trợ. Việc thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tương tác hai chiều, lấy người học làm trung tâm cùng trao đổi để hiểu và mở rộng vấn đề, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, thực hành sẽ khơi dậy khả năng sáng tạo của trò và làm cho mối quan hệ thầy - trò mềm dẻo hơn.
P.V: Bên cạnh truyền thống tốt đẹp và những điểm tích cực, xu thế hội nhập và sự phát triển của xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng trái chiều đến mối quan hệ thầy - trò. Quan điểm của ông về sự ảnh hưởng này thế nào?
NGND Trịnh Trúc Lâm: Mối quan hệ giữa thầy - trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực mà chủ yếu xuất phát từ triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của người thầy đều mang tính giáo dục đối với trò. Quá trình hội nhập, mối quan hệ này không tránh khỏi bị ảnh hưởng, sẽ có nhiều cái mới, lạ nhưng không phải cái mới nào cũng tốt và cái lạ nào cũng xấu.
Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, quan hệ thầy - trò đôi khi còn bị vật chất làm ảnh hưởng và nảy sinh những tiêu cực, như: Đánh giá người học vì vật chất, các hình thức trách phạt phản giáo dục, dạy thêm tràn lan để tăng thu nhập, bệnh thành tích, sự thiếu tôn trọng của người học đối với người thầy. Đâu đó vẫn còn vấn nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm...
Trong số trên 1,3 triệu cán bộ quản lý, giáo viên các cấp của cả nước và khoảng 26 nghìn cán bộ, giáo viên của tỉnh Thái Nguyên, cá biệt và đáng tiếc vẫn có thầy, cô giáo có biểu hiện tha hóa, biến chất, suy thoái đạo đức... Điều đó có những tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục và làm ảnh hưởng niềm tin, tâm lý của nhân dân, làm xấu đi hình tượng của người thầy và nghề dạy học.
Cá biệt còn học sinh có thái độ không đúng mực, ứng xử vô lễ, có lời nói, hành động thiếu suy nghĩ; hay một số trò còn biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, sa đà, trượt dốc, vướng vào thói hư, tật xấu, vượt khỏi tầm kiểm soát của thầy, cô và gia đình...
Nhà giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm.
P.V: Theo ông cần có những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế, tiêu cực; đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, mối quan hệ thầy - trò?
NGND Trịnh Trúc Lâm: Để giữ đúng tính nhân văn trong quan hệ giữa thầy và trò, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Tôn sư trọng đạo”. Xã hội muốn hưng thịnh, phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học. Mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng, mẫu mực, tích cực học tập, trau dồi kiến thức, nắm bắt kịp xu thế để truyền đạt cho trò những kiến thức....
Người thầy chân chính thường đánh thức tiềm năng, bồi dưỡng, phát huy sở trường của học sinh với tấm lòng nhẫn lại, bền bỉ, bằng cả cái tâm trong sáng của mình. Ở nơi nào người thầy có tâm huyết, yêu thương và tôn trọng trò, mang hết khả năng để giảng dạy và giáo dục học sinh, bản thân họ giữ được nhân cách trong sáng, có chuyên môn cao thì những người thầy đó luôn được nhân dân và học trò kính trọng.
Người thầy cần có thái độ nghiêm khắc, ứng xử, giao tiếp gần gũi với trò, mỗi lời nói, hành động của thầy phải thể hiện tính “mô phạm” để giáo dục trò. Trò cần phải hiểu biết lễ nghĩa, thưa gửi, tôn trọng khi giao tiếp với thầy cô, người lớn và bạn bè.
Các nhà trường cần phát động và tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, khắc phục “căn bệnh” thành tích rong giáo dục; thiết lập mối quan hệ thầy - trò trong sáng, vô tư, thuần khiết. Đồng thời, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, an toàn, không có bạo lực học đường, tạo sân chơi lành mạnh để cuốn hút trò tham gia. Đồng thời, chú trọng giáo dục dục đạo đức, nhân cách đối với trò, để mỗi học trò được giáo dục toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học trò. Bởi khi thầy, cô giáo và các bậc cha mẹ thực sự hiểu nhau, khi nhà trường thu hút, cởi mở, chào đón phụ huynh tham gia vào quá trình xã hội hóa giáo dục sẽ nắm bắt nguyện vọng, diễn biến, tâm tư của trò để uôn nắn kịp thời.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thảo Nguyên (thực hiện)
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/giao-duc/202411/truyen-thong-ton-su-trong-dao-va-moi-quan-he-thay-tro-cd4331f/