Truyền thông tốt cho nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV và tuân thủ điều trị dự phòng

Truyền thông tốt cho nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV và tuân thủ điều trị dự phòng
3 giờ trướcBài gốc
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, HIV là căn bệnh do nhiễm virus làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người. Bệnh HIV diễn biến qua nhiều giai đoạn, ở giai đoạn đầu chưa xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, đến khi xuất hiện bất thường như: Gầy sút, sốt, ho kéo dài, viêm phổi, da…thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ở giai đoạn này việc điều trị bằng thuốc gặp nhiều khó khăn.
Tại Khánh Hòa, riêng từ đầu năm 2024 đến tháng tháng 8/2024 đã phát hiện 99 người nhiễm HIV mới thông qua xét nghiệm. Hiện tổng số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống và được quản lý tốt ở Khánh Hòa khoảng 1.500 người.
Người có nguy cơ cao với HIV nên nhận thuốc điều trị dự phòng
Hiện nay, nhóm quan hệ tình dục đồng giới là những người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV ở Khánh Hòa. Vậy nên, công tác truyền thông, trang bị kiến thức phòng bệnh HIV cho nhóm này ở Khánh Hòa rất được chú trọng.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, nhờ sự linh hoạt tiếp cận, ân cần hướng của nhân viên y tế dự phòng, đến nay, nhiều người có quan hệ đồng giới ở Khánh Hòa đã tuân thủ điều trị dự phòng với bệnh HIV.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cũng mới chính thức triển khai kế hoạch tổ chức hàng loạt hoạt động truyền thông có trọng điểm trong 3 tháng cuối năm cho những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trên địa bàn Nha Trang. Đây là một trong những hoạt động bổ ích nhằm đưa chương trình PrEP (thuộc điều trị dự phòng với HIV) giúp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa hiệu quả sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Các buổi truyền thông sẽ cung cấp kiến thức tổng quan về PrEP cho những người đồng giới. Các bác sĩ, chuyên gia tại các buổi truyền thông còn phân tích kỹ một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc điều trị dự phòng và những việc cần tuân thủ tốt để đảm bảo hiệu quả cao trong quá trình dùng thuốc. Tất cả thắc mắc về căn bệnh HIV, cách dùng thuốc…cũng sẽ được giải đáp cặn kẽ, dễ hiểu trong các buổi truyền thông.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều người quan hệ đồng giới ở Khánh Hòa đã hiểu PrEP là thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV. PrEP hiện nay được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm…PrEP nếu uống hàng ngày giúp trên 90% người có quan hệ đồng giới chưa nhiễm HIV có thể đề phòng được căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao.
Một người có quan hệ đồng giới ở Cam Ranh (Khánh Hòa) chia sẻ, hiểu rõ về bệnh HIV nên thực hiện điều trị dự phòng một cách nghiêm túc. Thuốc hiện nay được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu. Bác sĩ và nhân viên y tế hướng dẫn tận tình nên an tâm. Đồng thời nắm bắt đầy đủ các kiến thức về phòng, chống để tuyên truyền thêm cho những đối tượng nguy cơ khác kịp thời tránh hoặc đi xét nghiệm sớm để được điều trị hiệu quả.
Cùng với việc phát thuốc điều trị dự phòng, nhân viên y tế dự phòng ở Khánh Hòa còn nỗ lực truyền thông đến những người có nguy cơ cao hãy sử dụng bao cao su. Đến nay, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục vẫn là biện pháp hiệu quả. Biện pháp này không chỉ dự phòng lây truyền HIV mà còn phòng được các bệnh lây qua đường tình dục khác, bảo vệ an toàn cho người quan hệ.
Truyền thông về căn bệnh HIV cho người có nguy cơ cao với HIV ở Khánh Hòa.
Không chỉ truyền thông mạnh về hiệu quả công tác điều trị dự phòng, vấn đề xét nghiệm cho người có nguy cơ cao cũng được nhân viên y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai mạnh mẽ.
Giữa một ngày đầu tháng 9/2024, người phụ nữ dáng vẻ đầy lo âu, bần thần khi đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa. Đó là H. từ Ninh Hòa (Khánh Hòa), H. phát hiện ra mình có các dấu hiệu đã nhiễm HIV.
Tự ngẫm lại quá trình tiếp xúc, quan hệ của bản thân thì trước đó H. từng yêu và có quan hệ với một người đàn ông và người đó đã phát hiện nhiễm bệnh HIV. Sau khi khai thác các dấu hiệu, H. được tư vấn làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Nắm bắt vững tâm lý của những bệnh nhân đang thấp thỏm chờ kết quả, các nhân viên y tế đã trấn an kịp thời, cung cấp đầy đủ các thông tin về căn bệnh. Nếu không may mắc phải thì vẫn có thuốc ARV để điều trị hàng tháng. Nếu tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ thì người mắc bệnh vẫn duy trì sức khỏe và lao động bình thường. Dù đã được tư vấn kỹ từ trước nhưng khi cầm kết quả mình đã dương tính với HIV, chị H. vẫn bồn chồn nhiều ngày. Nhưng rồi qua quá trình sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, thấy thể trạng ổn định nên H. lấy lại sự tự tin như người bình thường.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, các đối tượng có nguy cơ cao với HIV như: Quan hệ tình dục với người đã nhiễm HIV; nhiều bạn tình; quan hệ tình dục bừa bãi không có biện pháp bảo vệ an toàn; mại dâm, quan hệ đồng giới…thì nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Xét nghiệm kịp thời phát hiện xem mình có bị nhiễm hay không để có biện pháp tránh lây lan cho người khác đồng thời được tư vấn, điều trị cho chính bản thân mình.
Đông Hưng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/truyen-thong-tot-cho-nhom-nguy-co-cao-hieu-ve-hiv-va-tuan-thu-dieu-tri-du-phong-169241017155021226.htm