Trong một buổi sáng sớm, hơn chục hộ dân của 3 ấp: Phước Phong, Phước An và Phước Thuận đã có mặt đông đủ tại UBND xã Phú Tân để bốc thăm và nhận bò giống từ Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Thạch Liên thuộc diện hộ cận nghèo ấp Phước Thuận được hỗ trợ 2 con bò giống và 8 bao thức ăn phấn khởi chia sẻ: "Nhận được cặp bò giống từ chương trình, tôi mừng lắm. Đây là cơ hội để gia đình tôi cải thiện thu nhập. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc để đàn bò phát triển, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống".
Ông Thạch Liên, ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: THẠCH PÍCH
Nhiều năm qua, gia đình ông Lâm Lươl, ấp Phước Thuận cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo do không có vốn để đầu tư sản xuất chăn nuôi, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào ngày công lao động. Năm 2024, sau khi rà soát bình bầu từ cơ sở, chính quyền địa phương xét chọn hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản và 8 bao thức ăn từ Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho gia đình ông. Điều này thắp lên hy vọng vào ngày mai tươi sáng của các thành viên trong gia đình. Khi nhận cặp bò về nuôi, ông xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Đến nay, cặp bò đang phát triển tốt.
Ông Lươl chia sẻ: “Ngày nào đi làm về, tôi cũng phải tranh thủ cắt cỏ ở bờ kênh, bờ ruộng để cho bò ăn. Giờ thấy con bò khỏe mạnh, tôi mừng lắm”. Đứng cạnh chồng, bà Thạch Thị Sà Khét tiếp lời: “Có cỏ, tôi ở nhà lo phần cho ăn, chăm sóc, quét dọn, vệ sinh chuồng trại. Chúng tôi hy vọng có mô hình tốt, chúng tôi sẽ không còn nghèo khó nữa”.
“Những con bò giống được hỗ trợ đều là giống bò lai khỏe mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và dễ chăm sóc. Với sự hỗ trợ mỗi cặp bò giống, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong ấp đều được tập huấn kỹ thuật nuôi bò, xây chuồng trại, chọn thức ăn, phòng bệnh. Điều này giúp các hộ dân không chỉ sở hữu tài sản mà còn biết cách phát triển lâu dài”, ông Lý Thanh Tuấn - Trưởng Ban nhân dân ấp Phước Thuận chia sẻ.
Cũng như các hộ trên, năm 2023, gia đình chị Kim Thị Sà Riêng, ấp Phước Thuận được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản và vài bao thức ăn từ dự án chăn nuôi bò. Dẫn chúng tôi đến xem con bò trong chuồng, chị Sà Riêng chia sẻ: “Khi nhận được bò giống, gia đình tôi mừng lắm. Hằng ngày, vợ chồng tôi cũng tranh thủ thời gian chăm sóc, đi cắt cỏ cho bò ăn. Sau hơn 1 năm, bò mẹ đã sinh được một con bê. Hiện bê con được 4 tháng tuổi, nó khỏe mạnh, mau lớn, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc con bò thật tốt để sau này nhân đàn, hy vọng cuộc sống sẽ tươi sáng hơn”.
Chị Kim Thị Sà Riêng, ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vui mừng khi bò mẹ đã sinh được một con bê khỏe mạnh. Ảnh: THẠCH PÍCH
Để thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo, xã Phú Tân đã xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đảm bảo trung thực, khách quan, xác định chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo, không trùng lắp, không bỏ sót. Cùng với đó, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Năm 2023 và 2024, dự án thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho 29 hộ, tổng kinh phí trên 680 triệu đồng.
Đồng chí Dương Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: “Để triển khai dự án hiệu quả, chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch; rà soát, tổng hợp, khảo sát từng hộ ở các ấp. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được địa phương đảm bảo đúng đối tượng, quy định, công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ tham gia; tổ chức thực hiện lồng ghép, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống. Từ đó, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Qua các hoạt động của dự án đã giúp các hộ thụ hưởng có điều kiện để sản xuất chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thấy được lợi ích của mô hình chăn nuôi bò sinh sản trong dự án ít rủi ro, kỹ thuật không phức tạp, có thể tận dụng nguồn lực lao động, ít tốn công nhưng cho thu nhập”.
Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang tiếp sức cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Phú Tân có thêm sinh kế. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự quyết tâm của người dân, những con bò sinh sản nhỏ bé đang ngày ngày gieo mầm hy vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
THẠCH PÍCH