Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành. Ảnh: THẠCH PÍCH
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện?
Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ: Sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, tỉnh về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời, thực hiện Chương trình số 35-CTr/HU, ngày 9/11/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hằng năm UBND huyện đã ban hành văn bản triển khai thực hiện.
Hiện nay, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo đúng quy định.
Việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện có sự chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ của trưởng ban chỉ đạo; các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án và hoạt động của chương trình. Bảo đảm các dự án, tiểu dự án được triển khai thực hiện công khai, lấy ý kiến đề xuất từ cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hay và cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo; hướng dẫn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo.
Phóng viên: Sau những năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, đồng chí đánh giá hiệu quả của chương trình như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã triển khai xây dựng được 31 mô hình bao gồm: 1 mô hình chăn nuôi gà, 26 mô hình chăn nuôi bò sinh sản; 2 mô hình chăn nuôi heo thịt và 2 mô hình nuôi cá lóc trong vèo, với 368 hộ tham gia mô hình, trong đó có 338 hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ (117 hộ nghèo, 96 hộ cận nghèo, 125 hộ mới thoát nghèo) và 30 hộ thuộc đối tượng khác là người đại diện tổ, nhóm, người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi nhằm hỗ trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong quá trình thực hiện mô hình.
Bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH
Bên cạnh đó, về Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp; đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được 37 lớp, có 540 học viên tham gia. Các ngành nghề đào tạo như: may công nghiệp, may dân dụng, kỹ thuật xây dựng cơ bản và kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm... Qua đào tạo, các học viên được giới thiệu việc làm vào các doanh nghiệp, số còn lại đã tự tạo việc làm, ứng dụng các kiến thức đã được đào tạo vào trong hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống và có thu nhập ổn định, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn nhà ở trên địa bàn. Kết quả đã triển khai xây dựng mới 53 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng và sửa chữa 12 căn, với kính phí 230 triệu đồng. Tính đến nay, chương trình đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm rõ rệt, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,19%, riêng tỷ lệ hộ Khmer nghèo là 2%.
Phóng viên: Thưa đồng chí, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Châu Thành còn gặp những khó khăn nào trong việc triển khai thực hiện chương trình?
Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ: Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện dù đạt kết quả rất khả quan, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Hiện nay, đa số đối tượng thụ hưởng theo chương trình đều đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương và các đối tượng có mặt ở địa phương thì chủ yếu là hết tuổi và chưa đến tuổi lao động. Các đối tượng thụ hưởng trùng lặp khi tham gia các lớp đào tạo nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn Tiểu dự án 1, giảm nghèo về thông tin của Dự án 6 một số nội dung không thực hiện được, do phạm vi thực hiện trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, xã biên giới, hải đảo nên việc giải ngân hạn chế.
Phóng viên: Để khắc phục khó khăn và thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Châu Thành đề ra những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ: Huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân, tuyên truyền, vận động hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù lao động sản xuất, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện; tiếp tục nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho hộ nghèo vay vốn để đầu tư vào các mô hình, dự án, hướng đến thoát nghèo bền vững.
Phóng viên: Đồng chí có thông điệp nào muốn gửi tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các bên liên quan?
Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân đều ý thức được vai trò của mình trong việc thoát nghèo và làm giàu. Tôi cũng mong các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng một huyện phát triển bền vững, không còn hộ nghèo.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
THẠCH PÍCH (Thực hiện)