Truyện tranh kỹ thuật số 'hái ra tiền' ở Hàn Quốc

Truyện tranh kỹ thuật số 'hái ra tiền' ở Hàn Quốc
một ngày trướcBài gốc
Một họa sĩ truyện tranh kỹ thuật số (webtoon) đang sáng tác tại văn phòng công ty webtoon Kenaz ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: BLOOMBERG
Thu hút đông đảo độc giả nữ
Nhiều người dân Hàn Quốc thường kết thúc một ngày với webtoon (từ ghép giữa "website" và "cartoon", hiểu đơn giản là truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn nhiều thời gian hay tiền bạc. Trên những chuyến tàu đông đúc, hầu hết hành khách đều chăm chú nhìn màn hình điện thoại. Cả già lẫn trẻ tập trung vào các tranh vẽ màu, liên tục chuyển hết cảnh này đến cảnh khác. Họ đắm chìm trong thế giới hư cấu của webtoon.
Cổng xuất bản webtoon đầu tiên tại Hàn Quốc là Daum (năm 2003), tiếp theo là Naver (năm 2004). Năm 2013, Naver vượt qua Daum và hiện là nền tảng webtoon lớn nhất Hàn Quốc. Hơn một nửa trong số 82 triệu người dùng hàng tháng của Naver Webtoon là phụ nữ. Nền tảng này thu hút độc giả bằng những câu chuyện truyền thống về thiện và ác, xoay quanh những chủ đề mà thế hệ độc giả trẻ hiện nay có thể liên hệ trực tiếp.
Một khách tham quan trải nghiệm hoạt động vẽ truyện tranh tại Liên hoan Truyện tranh quốc tế 2024 ở Seoul (Hàn Quốc)
Truyện tranh trực tuyến đang trở thành nguồn phát triển của ngành công nghiệp giải trí của "xứ sở kim chi". Theo The Korea Times, trong 10 năm trở lại đây, có hơn 100 webtoon thành công ở nhiều mức độ khác nhau. Việc chuyển thể nhiều truyện tranh mạng thành phim cũng thúc đẩy lĩnh vực này ngày càng phát triển. Các công ty Hàn Quốc như Naver và Kakao đang dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số của ngành công nghiệp truyện tranh với các tựa truyện trực tuyến phổ biến trên thế giới, sau sự thành công ấn tượng của âm nhạc và điện ảnh của Hàn Quốc trên toàn cầu. Các phim truyền hình như Lovely Runner, Moving, Hellbound đều được xây dựng kịch bản dựa trên các truyện tranh trên mạng. Giới phân tích nhận định, nhiều dự án kiểu này có thể được thực hiện trong những năm tới.
"Gà đẻ trứng vàng"
- "Những người thuộc thế hệ trẻ đầu những năm 2010 phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, thường đồng cảm với webtoon có nội dung về những nhân vật bình thường nhưng cố gắng vươn lên. Yếu tố tiếp theo góp phần vào sự bùng nổ webtoon là truyền thông. Sự tương tác giữa tác giả và người xem rất dễ dàng, giúp truyện tranh số trở thành xu hướng văn hóa hàng đầu. Khả năng tiếp cận cũng là lý do khiến xu hướng webtoon lan rộng. Sự phát triển của điện thoại thông minh và máy tính bảng giúp mọi người truy cập các trang web để đọc webtoon một cách thuận tiện, ở mọi lúc mọi nơi".
Tiến sĩ về phim truyện hoạt hình Park Soo-in
- "Các câu chuyện trong webtoon rất thú vị, mới mẻ và chứa đựng những hình ảnh trực quan hấp dẫn, thậm chí chứa cả âm thanh, đã tạo cơ hội để chuyển thể chúng thành phim. Giấc mơ về văn hóa màn ảnh rộng của webtoon sẽ tiếp tục phát triển".
Ông Dal Yong Jin, giáo sư tại Đại học Simon Fraser (Canada) viết trong một nghiên cứu về đề tài này
Theo Tiffany Tam, chuyên viên phân tích tại Bloomberg Intelligence, webtoon đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ mọi người, đặc biệt là giới trẻ và giới truyền thông. Được thành lập vào năm 2005, đến nay, nền tảng truyện tranh Webtoon Entertainment có khoảng 170 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại hơn 150 quốc gia. Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho truyện tranh mạng Hàn Quốc với 40,3%, tiếp theo là Bắc Mỹ với 19,7% và Trung Quốc với 15,6%. Đông Nam Á đứng thứ 4 với 12,3% và châu Âu với 8,2%. Truyện tranh kỹ thuật số cũng đang có lượng độc giả ngày càng tăng và đa dạng, cung cấp nhiều lựa chọn nội dung cho cả nam, nữ và cộng đồng LGBT.
Không gian sáng tạo webtoon cho phép các họa sĩ truyện tranh tự do chia sẻ các tác phẩm của mình. Nhờ vậy, các họa sĩ có thể đạt được mức thu nhập cao chỉ bằng công việc sáng tạo trên nền tảng truyện tranh này. Dù không thể xác định chính xác thu nhập của các họa sĩ webtoon, một số ước tính gần đây cho thấy, những họa sĩ webtoon hàng đầu có thể kiếm được hơn 10 tỷ won/năm. Vì ít có sự kiểm soát hơn đối với những người sáng tạo nội dung trên nền tảng này, nên không gian sáng tạo webtoon cũng là nơi ươm mầm cho những tài năng mới xuất hiện. Webtoon sẵn sàng trả tiền cho một tác giả mà giữa họ không có hợp đồng nào. Điều họ cần chỉ là một tác phẩm thu hút lượt xem.
Theo báo cáo đầu năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, tổng doanh thu năm 2023 của webtoon đạt 2.189 tỷ won, tăng 19,7% so với một năm trước đó. Từ năm 2018, quỹ đạo tăng trưởng của ngành sáng tạo này luôn ổn định với doanh thu từ 379,9 tỷ won năm 2017, lên hơn 1.000 tỷ won năm 2020. Các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số thống trị nguồn thu từ ngành này, chiếm 64,4% tổng số doanh thu với 1.494 tỷ won, tăng 25% so với năm 2022.
Nguồn: New York Times, The Korea Times
Nhu Thụy
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/truyen-tranh-ky-thuat-so-hai-ra-tien-o-han-quoc-2025011013493661.htm