TS. Lê Duy Bình: Hoàn thiện pháp lý xử lý nợ xấu

TS. Lê Duy Bình: Hoàn thiện pháp lý xử lý nợ xấu
14 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Duy Bình dẫn chứng, với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện khoảng 16 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6 - 7% thì con số tuyệt đối lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng - tương đương gần 40 tỷ USD. Đây là nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả, trở thành vốn "chết".
Đáng nói hơn, theo ông Bình, tác hại không chỉ dừng lại ở con số khổng lồ đó. Không chỉ nguồn vốn bị "đóng băng", mà những tài sản thế chấp đi kèm cũng không được khai thác do vướng mắc pháp lý. Tức là đang chịu tác động kép, vừa mất đi nguồn tín dụng, vừa để tài sản "chết".
TS. Lê Duy Bình phát biểu tại Tọa đàm
Tỷ lệ nợ xấu 6% là con số rất cao nếu so với mức trung bình 2 - 3% của các nền kinh tế đang phát triển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tài sản (AQ) của hệ thống ngân hàng và tạo áp lực lớn trong việc trích lập dự phòng rủi ro - yếu tố đẩy lãi suất cho vay tăng cao.
Theo chuyên gia này, lãi suất cao hiện nay một phần là do các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng lớn. Chi phí này không thể cắt giảm dù ứng dụng công nghệ hay cải cách quy trình. Đây là hệ lụy kéo dài không chỉ với hệ thống tài chính mà với toàn bộ nền kinh tế.
Từ góc độ pháp lý, ông Bình cho rằng, ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản thế chấp là quyền đương nhiên, được pháp luật bảo vệ. Việc giao kết hợp đồng tín dụng đã bao hàm sự đồng thuận dân sự và nếu bên vay vi phạm, quyền thu giữ sẽ được thi hành nhanh chóng thông qua hệ thống tư pháp hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ.
Do đó, cần luật hóa rõ ràng quyền thu giữ tài sản để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngân hàng, cổ đông, người gửi tiền - những người thực chất đang góp vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống tín dụng. Việc các thủ tục như kê biên, thu giữ tài sản, quy trình xử lý rút gọn cần được quy định cụ thể, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận mang tính hình thức.
TS. Lê Duy Bình phát biểu tại Tọa đàm
Đáng lưu ý, ông Lê Duy Bình cũng cảnh báo về hệ quả xã hội nếu không xử lý dứt điểm nợ xấu. Đó là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực từ ngày 1.1.2024, tiến trình xử lý nợ xấu và thu hồi tài sản bảo đảm đang đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.
Cùng với đó là tâm lý chây ỳ, không chịu trả nợ có xu hướng trỗi dậy trở lại. Điều này không chỉ gây rủi ro cho ngân hàng mà còn làm xấu đi văn hóa kinh doanh, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp và người gửi tiền. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng khi vay vốn là đang sử dụng tiền của người gửi tiết kiệm, chứ không phải "tiền của ông chủ ngân hàng"; họ phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn.
Mặt khác, theo chuyên gia Bình, dù theo hướng sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hay ban hành một đạo luật riêng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, rõ ràng, hiệu quả, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan.
Bởi điều này, không chỉ phục vụ mục tiêu xử lý nợ xấu trước mắt mà còn thiết lập một trật tự kỷ cương bền vững trong quan hệ tín dụng - yếu tố sống còn của nền kinh tế hiện đại.
Dương Cầm
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ts-le-duy-binh-hoan-thien-phap-ly-xu-ly-no-xau-post410928.html