TS Nguyễn Quân chỉ ra lý do các giải pháp công nghệ AI, IoT ở Việt Nam chưa có kết nối và đồng bộ

TS Nguyễn Quân chỉ ra lý do các giải pháp công nghệ AI, IoT ở Việt Nam chưa có kết nối và đồng bộ
một ngày trướcBài gốc
Tại phiên thảo luận Diễn đàn thành phố thông minh Châu Á tổ chức tại TP.HCM ngày 7/5, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho rằng, hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp phát triển các giải pháp ứng dụng AI, IoT… theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Ông đánh giá việc này có thể phục vụ tốt cho nội bộ doanh nghiệp phát triển công nghệ và cho một thành phố. Tuy nhiên, khi đưa những giải pháp này kết nối với sản phẩm khác thì không thực hiện được do không cùng quy chuẩn kỹ thuật.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn thành phố thông minh Châu Á tại Việt Nam. Ảnh: Hà An.
TS Quân nhìn nhận, vấn đề này giải thích cho việc giải pháp công nghệ của thành phố thông minh này không thể kết nối với thành phố thông minh khác hay công nghệ một lĩnh vực này ứng dụng tốt nhưng giao tiếp với lĩnh vực khác lại không được. “Điều này do chúng ta chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu”, TS Quân nhìn nhận.
Ông cho rằng cần thiết cần xây dựng một quy chuẩn quốc gia về dữ liệu, và đã từng kiến nghị nhiều lần từ 4 - 5 năm trước tại nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, TS Quân lưu ý, ngoài việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu cần mở nhiều cánh cửa khác để các doanh nghiệp làm tiêu chuẩn cơ sở để không hạn chế sự phát triển xã hội. Vì nếu chỉ dùng một quy chuẩn sẽ không có sự đa dạng về công nghệ, hạn chế sự phát triển công nghệ của quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, một thành phố thông minh thực ra chỉ cần một số loại tiêu chuẩn kỹ thuật để các hệ thống thông minh có thể giao tiếp được với nhau.
Nếu không xây dựng được tiêu chuẩn dữ liệu, sẽ gây ra tình trạng “sai lô” với những đô thị thông minh có giải pháp công nghệ hiện đại nhưng không thể kết nối với nhau, không có hệ thống thông tin giao tiếp được với nhau. Riêng về công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ gặp tình trạng “sai lô” khi nhiều hệ thống AI khác nhau nhưng không kết nối được với nhau để tạo ra hệ thống tổng thể thông minh.
Ông Thắng cho rằng, hiện ngành công an là cơ quan thực hiện rất bài bản trong việc xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu quốc gia trong quản lý dân cư.
Ông Đoàn Văn Khải, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Viện tiêu chuẩn Vương Quốc Anh (BSI) Việt Nam, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu khoa học dữ liệu cho rằng, hiện Việt Nam có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, với các trường dữ liệu quản lý công dân, phục vụ đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Bộ Y tế có dữ liệu người dân phục vụ công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe. Bộ Giáo dục và Đào tạo có dữ liệu phục vụ mục đích phát triển nhân lực…. Ông cho rằng, các cơ quan cần xây dựng quy trình cung cấp, chia sẻ dữ liệu theo chiến lược phát triển quốc gia.
Ông Đoàn Văn Khải, Viện tiêu chuẩn Vương Quốc Anh (BSI) Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hà An.
Nêu thực tế trong ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, ông Khải đánh giá, hiệu suất của hệ thống AI phụ thuộc việc nó giải quyết nhiều bài toán mới, phức tạp. Tuy nhiên hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp đang phát triển dùng cho một mục đích duy nhất. Khi đưa mô hình AI này sang xử lý một công việc khác thì không đáp ứng, giảm hiệu suất.
Đại diện BSI Việt Nam nhìn nhận, dữ liệu rất quan trọng, được cho là mạch máu của các giải pháp công nghệ. Tổ chức nào sở hữu dữ liệu sẽ có được tài sản vô giá như Google, Meta… đang sở hữu với việc cung cấp dữ liệu miễn phí liên tục từ người dùng.
Hà An
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/ts-nguyen-quan-chi-ra-ly-do-cac-giai-phap-cong-nghe-ai-iot-o-viet-nam-chua-co-ket-noi-va-dong-bo-post185321.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat