TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn Ảnh: Quỳnh Lâm
Diện mạo mới, kỳ tích mới
KTSG: Trong một bài phỏng vấn vào năm 2021, ông đã chia sẻ, từng làm quy hoạch cho Phố Đông Thượng Hải, nhìn lại Thủ Thiêm, ông thấy tiếc. Tới thời điểm này, cảm xúc của ông đã thay đổi chưa và vì sao? Sau 50 năm phát triển ở một vị thế mới, nhìn từ góc độ quy hoạch, ông thấy TPHCM đã làm được gì và cần khắc phục điều gì?
- TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đô thị TPHCM đã tiến triển rất nhanh sau 50 năm qua. Vào năm 1975, khi hòa bình lập lại, trên toàn TPHCM (khi đó là Sài Gòn), tòa nhà cao nhất thành phố là Imexco ở số 8 đường Nguyễn Huệ, cao 12 tầng. Hiện giờ, sau 50 năm, toàn thành phố có khoảng 1.500 cao ốc trên 10 tầng, trong đó, có tòa nhà từng ở vị trí cao nhất Đông Nam Á như tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng.
Tuy nhiên, nhìn từ bình diện quốc tế, sự phát triển của đô thị TPHCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ví dụ, nếu so sánh với hai dự án khu trung tâm đô thị mới, có điều kiện tương đồng, tại TPHCM và Thượng Hải, thì rõ ràng, Thủ Thiêm của chúng ta đã phát triển quá chậm so với Phố Đông Thượng Hải.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Berkeley (Mỹ), tôi cùng với nhóm tư vấn thiết kế của kiến trúc sư John Kriken tại Công ty SOM, có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), nghiên cứu quy hoạch khu trung tâm Thượng Hải (Trung Quốc) hai bên bờ sông, lúc Phố Đông bên kia bờ sông Hoàng Phố vừa được giải tỏa trắng. Từ bản quy hoạch này, Khu trung tâm tài chính quốc tế hiện đại ở Phố Đông Thượng Hải chỉ mất chưa tới 20 năm để thành hình, với nhiều tòa nhà cao hàng đầu thế giới.
Khi còn đang ở Mỹ, tôi được chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mời về làm cố vấn cho dự án Thủ Thiêm. TPHCM cũng giải tỏa trắng khu Thủ Thiêm và tổ chức một cuộc thi quốc tế vào năm 2003, để chọn phương án quy hoạch cho Thủ Thiêm. Khu Thủ Thiêm của TPHCM có nhiều điều kiện phát triển tương đồng, dù nhỏ hơn Phố Đông nhiều lần. Tuy nhiên, dù có quy hoạch, nhưng tới nay, sau hơn 20 năm, Thủ Thiêm chỉ mới phát triển được một ít công trình quy mô nhỏ. Một trong những lý do chính là TPHCM thiếu một chiến lược hiệu quả để thu hút đầu tư về bờ Đông thay vì để cho các nhóm nhà cao tầng tiếp tục tập trung ở bờ Tây, và do cách tư duy theo địa giới hành chính, quy hoạch Thủ Thiêm vẫn chỉ tập trung bên bờ Đông, nhưng lại thiếu quy hoạch kết nối thuận tiện và trực tiếp hơn với khu trung tâm hiện hữu bờ Tây bên kia sông, vốn là yếu tố rất quan trọng về mặt thu hút đầu tư.
KTSG: Sắp tới, TPHCM sẽ bao gồm cả tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông nhận định như thế nào về không gian phát triển mới của TPHCM mới, những ưu thế của thành phố sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính là gì?
- Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có tầm nhìn rộng ra thế giới.
Thứ nhất, bước qua thế kỷ 21, sự cạnh tranh trên thế giới không còn là giữa các đô thị đơn lẻ mà là giữa các vùng đô thị, chẳng hạn, vùng đô thị Hồng Kông - Thẩm Quyến, vùng đô thị Thượng Hải (Trung Quốc), vùng đô thị Singapore (Singapore), vùng đô thị Manila (Philippines)...
Thứ hai, tuy vùng đô thị TPHCM hiện nay (gồm TPHCM và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là một vùng kinh tế quan trọng của đất nước, và có quy hoạch vùng, nhưng thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, bởi lẽ các tỉnh vẫn mạnh ai nấy làm, thiếu những kế hoạch liên kết, hợp tác nội vùng.
Thứ ba, trong vùng đô thị TPHCM (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) có khu tứ giác kinh tế rất nhiều tiềm năng, vì bao gồm bốn địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trên cơ sở đó, việc sáp nhập giữa TPHCM và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có ý nghĩa rất lớn về cơ hội mới để phát triển TPHCM mới trên thế mạnh liên kết vùng đô thị. TPHCM mới sẽ có nhiều hạ tầng trọng điểm cấp vùng hơn, gồm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ga xe lửa Sóng Thần (Bình Dương) lớn nhất Việt Nam, và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ hàng đầu Việt Nam. Nếu kênh đào Kra (Thái Lan) được xây dựng, cụm cảng này có thể đạt đến vị thế tương đương cụm cảng Singapore.
Nhìn từ góc độ liên kết vùng, khi siêu đô thị TPHCM hợp tác với Đồng Nai, kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, thì tiềm năng kinh tế sẽ càng được phát huy mạnh mẽ hơn nữa!
KTSG: Thưa ông, chúng ta vẫn phải lường trước những thách thức phải không ạ? Chẳng hạn, quản lý vùng đô thị TPHCM sẽ khác nhiều với quản lý riêng TPHCM...
- Thách thức là có, nhưng sẽ luôn đi kèm với cơ hội. Một siêu đô thị với diện tích lớn, dân số đông, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, sẽ là thách thức cho việc quản lý.
Sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ có ba cực động lực: Cực đô thị công nghiệp Bình Dương phía Bắc, là nơi nền đất cao, thuận tiện cho việc phát triển đô thị mà ít phải lo ngại về nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Cực đô thị trung tâm gồm nội thành TPHCM và thành phố Thủ Đức, với thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, sáng tạo công nghệ cao, và hội nhập quốc tế.
Cực đô thị biển Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu với thế mạnh đô thị cảng biển quốc tế xung quanh cụm cảng Thị Vải - Cái Mép - Cần Giờ, và chuỗi đô thị du lịch biển Vũng Tàu - Cần Giờ.
Một hệ thống hạ tầng chiến lược đa phương tiện (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) cần được hình thành để liên kết ba cực này với nhau, liên kết với Đồng Nai, đặc biệt là liên kết các đầu mối hạ tầng trọng điểm với các khu công nghiệp và với những đơn vị kinh tế khác trong vùng.
Tầm nhìn 100 năm
KTSG: Nhiều người đã hình dung về một siêu đô thị mới của châu Á, sau khi TPHCM và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập. Từ góc độ quy hoạch - kiến trúc, TPHCM cần cân nhắc các định hướng quy hoạch như thế nào, để phát triển thành một siêu đô thị quốc tế và hạn chế tối đa những mặt trái mà các siêu đô thị khác đang phải đối diện?
- Nếu nhìn từ các nguyên lý phát triển đô thị, theo tôi, sau khi sáp nhập, TPHCM mới cần phát huy hơn 10 vấn đề chiến lược phát triển bền vững:
Thứ nhất, cần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh làm nền tảng, giúp cho quản lý đô thị và quản lý hợp tác vùng hiệu quả, thông suốt. Trên thực tế, TPHCM và các tỉnh thành cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng hiệu quả vẫn còn kém so với nhu cầu phát triển và còn khoảng cách rất xa so với mức độ hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh tại các đô thị tiên tiến trên thế giới.
Thứ hai, cần phải tổ chức lại bộ máy sở ngành theo hướng đa ngành, thay cho hoạt động còn mang nặng tính đơn ngành hiện nay. Yêu cầu sáp nhập các sở, ngành của Trung ương sẽ mở ra các cơ hội hợp tác đa ngành tốt hơn.
Thứ ba, cần có cơ chế để toàn xã hội cùng tham gia trong các công trình, dự án trọng điểm. Ví dụ, để phát triển TOD (Transit Oriented Development), các sở ngành của vùng đô thị sẽ lo quy hoạch TOD, các nhà đầu tư tư nhân lo xây dựng các công trình TOD, doanh nghiệp tham gia khai thác, vận hành, người dân hỗ trợ thông qua việc ủng hộ - sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn để Nhà nước đỡ phải bù lỗ...
Thứ tư, phải cân bằng hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, phải hạn chế việc lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp xâm hại lợi ích cộng đồng.
Thứ năm, phát triển phải có định hướng, quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách khả thi. Nghĩa là, khi lập quy hoạch đã phải tính ngay đến nguồn vốn đầu tư, tiến trình thực hiện, các phương án khai thác..., chuẩn bị tốt việc ứng phó với khó khăn, vướng mắc, làm chậm tiến độ, đội vốn...
Thứ sáu, phát triển đô thị phải đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến môi trường sống của các dự án, có thể gây nên kẹt xe, ngập lụt...
Thứ bảy, phải phát triển song hành với công tác bảo tồn di sản đô thị, là điều đặc biệt quan trọng để giữ gìn giá trị bản sắc lịch sử trên 300 năm của TPHCM.
Thứ tám, phát triển đô thị phải đặt trong tương quan hợp tác và hội nhập quốc tế, không chỉ tận dụng được các bài học kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quy hoạch - kiến trúc, mà cả về hiệu quả huy động nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Thứ chín là phát triển vùng đô thị TPHCM với tầm nhìn xa đến cả trăm năm, để con cháu chúng ta không phải trả giá đắt cho những sai lầm trong quy hoạch hiện tại.
Vấn đề cuối cùng đã được đề cập ở trên, việc phát triển vùng đô thị TPHCM cần đặt trong sự liên kết, hợp tác vùng, và việc sáp nhập ba tỉnh/thành đem lại nhiều thuận lợi cho việc thúc đẩy định hướng này.
KTSG: Câu hỏi cuối cùng, để mô tả về đặc trưng của đô thị TPHCM từ khi hình thành tới thời điểm này, ông sẽ nói như thế nào? Và ông có những kỳ vọng gì từ những nền tảng ấy? Một TPHCM mới sẽ tận dụng được nhiều lợi thế hơn để vươn mình tạo nên những giá trị mới cho thế hệ tương lai, sau nhiều thập niên nữa?
- Con người của Sài Gòn xưa - TPHCM ngày nay vốn rất năng động. Trong suốt lịch sử hơn 300 năm, nơi đây luôn là nơi thu hút nhân tài từ khắp các tỉnh/thành trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện khởi nghiệp và thực thi những phát kiến mới, thử nghiệm những chính sách mới, từ đó, có thể áp dụng cho toàn quốc.
Sau khi sáp nhập, TPHCM mới sẽ là siêu đô thị hàng đầu cả nước với nhiều cơ hội phát triển mới mang tầm chiến lược quốc gia. Siêu đô thị này có thể thúc đẩy các mô hình mới như đô thị TOD, đô thị liên hợp công nghiệp, đô thị cảng biển, đô thị du lịch biển..., kết nối liên kết vùng với nhau, và nếu thành công, sẽ không những giúp TPHCM mới tăng trưởng nhanh hơn, mà còn giúp nhân rộng ứng dụng ra các vùng đô thị khác trên cả nước như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng ĐBSCL...
Thành công trong các mô hình này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, bền vững.
Tôi cho rằng, những kỳ vọng nói trên hoàn toàn khả thi. Trung Quốc đổi mới chính sách kinh tế trước Việt Nam chừng tám năm và trong vài thập niên tới, họ có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu Việt Nam tiếp tục đổi mới về mọi mặt, nghiên cứu sâu các bài học thành công của Trung Quốc và các quốc gia đi trước, để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có thể sớm hiện thực hóa khát vọng về một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, và trở thành một trong các nước phát triển hàng đầu tại châu Á!
Hoàng Hạnh