Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội TP Huế
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cùng với việc tán thành chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất đối với TP Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập, chẳng hạn như, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Huế; vấn đề thu, chi ngân sách và đầu tư công; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chủ nhiệm Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.
Tiếp thu ý kiến, sau khi TP Huế trực thuộc Trung ương được thành lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP Huế.
Về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến góp ý một số nội dung liên quan đến việc chuyển tiếp cơ chế, chính sách đặc thù; việc kiện toàn tổ chức bộ máy cấp huyện để bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo hướng: Khẳng định thành lập TP Huế là TP trực thuộc Trung ương để làm rõ tên gọi, loại hình và tính chất của đơn vị hành chính.
"Tên gọi TP Huế đã hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, đã trở nên thân thương, quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước và được đông đảo cử tri và nhân dân địa phương đồng thuận với tỷ lệ tán thành rất cao (98,67%)", ông nêu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi TP Huế kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, nghị quyết được thông qua cũng khẳng định các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn TP Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền... Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng thực hiện chính thức từ 1/7/2026
Liên quan dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tham khảo quy định tại Nghị định số 84 ngày 10/7/2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP Hồ Chí Minh, UBTVQH đã chỉnh lý quy định của dự thảo nghị quyết theo hướng HĐND TP Hải Phòng được điều chỉnh thủ tục hành chính quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại nghị quyết này, theo nguyên tắc những nội dung phân cấp đã có quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
ĐBQH biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Những nội dung phân cấp chưa có quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do HĐND TP quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính và chuyển nội dung này sang quy định tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, Phó Chủ tịch UBND phường (Điều 4 và Điều 7), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo hướng quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND tại các quận, phường căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính để bảo đảm tương đồng với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng như đã thể hiện tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 7 của dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
Về hiệu lực thi hành (khoản 1 Điều 9), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 để địa phương có đủ thời gian chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc triển khai thực hiện nghị quyết và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của TP. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng theo mô hình quy định tại nghị quyết này sẽ được thực hiện chính thức từ ngày 1/7/2026 để tương ứng với nhiệm kỳ 2026 - 2031 của HĐND, UBND các cấp như đối với các địa phương khác.
Quỳnh Vinh