Từ 1-1-2025, xe ô tô từ 8 chỗ chở khách phải có camera ghi hình tài xế

Từ 1-1-2025, xe ô tô từ 8 chỗ chở khách phải có camera ghi hình tài xế
3 giờ trướcBài gốc
Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên kinh doanh vận tải (KDVT), xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương và cứu hộ giao thông phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Quản chặt thời gian lái xe liên tục của tài xế
Theo quy định hiện hành, xe KDVT phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và camera hành trình, tùy vào loại phương tiện. Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) KDVT, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Để triển khai quy định trên, Bộ Công an đề xuất các thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu là lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và các thông tin, dữ liệu khác về hệ thống quản lý dữ liệu giám sát hành trình của Cục CSGT.
Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng bất kỳ biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị để can thiệp làm sai lệch dữ liệu.
Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.
Hình ảnh camera ghi hình tài xế sẽ được truyền đến Cục CSGT. Ảnh: V.LONG
Tương tự, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe phải đảm bảo suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.
Hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 lần/giờ đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 phút/lần đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị KDVT và được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất. Cấm hành vi chỉnh sửa hoặc làm sai lệch hình ảnh trước, trong và sau khi truyền.
Hoạt động xe tự lái phải xin phép
Đáng chú ý trong dự thảo nghị định này, Bộ Công an đưa vào quy định phương tiện giao thông thông minh như xe tự lái phải được cấp phép hoạt động. Theo đó, các tổ chức, cá nhân cần gửi hồ sơ đến Cục CSGT, Bộ Công an cấp phép hoạt động đối với phương tiện giao thông này.
Về nội dung trên, Bộ Tư pháp cho rằng đây là loại phương tiện mới, nên cơ quan soạn thảo cần phân định các mức tự động hóa (một phần hoặc toàn bộ). Trên cơ sở đó xác định những loại phương tiện phải cấp phép hoạt động tương ứng với hồ sơ, tài liệu và quy trình thực hiện thủ tục đối với từng loại phương tiện.
Tuy nhiên, Bộ Công an, cho rằng hiện nay trên thế giới chưa có một khái niệm, phân loại thống nhất liên quan đến xe cơ giới có tính năng tự động hóa hoạt động điều khiển phương tiện.
Theo Liên hợp quốc về châu Âu liên quan đến việc hài hòa các quy định về phương tiện (WP.29), việc phân cấp độ (level) tự động hóa của xe được căn cứ trên nền tảng phân loại của Hiệp hội kỹ sư ô tô Hoa Kỳ (SAE).
Theo phân loại này thì ngoài cấp độ 0 (xe không tự động hóa hoạt động điều khiển), có 5 cấp độ tự động hóa hoạt động điều khiển phương tiện. Trong đó, cấp độ từ 1 đến 3 vẫn yêu cầu phải có người lái xe (tự động hóa một phần); cấp 4, 5 không cần có người lái xe (tự động hóa toàn phần).
Thực tế trên thế giới hiện nay, tính năng tự động hóa một phần hoạt động điều khiển xe đã được tích hợp vào nhiều mẫu xe trung cấp đạt tới cấp độ 2, một số mẫu xe cao cấp đã đạt gần tới ngưỡng cấp độ 3 và được đưa ra thị trường mà không phải cấp phép hoạt động.
Nhà sản xuất xe thường căn cứ vào điều kiện giao thông của từng quốc gia để có thể tích hợp tính năng này trên xe, đồng thời phải khuyến cáo cho người sử dụng cũng như tích hợp thêm các chức năng cảnh báo cho lái xe khi sử dụng sai tính năng này.
Riêng đối với xe đạt cấp độ 4 trở lên, hiện nay trên thế giới rất ít quốc gia cấp phép cho loại xe này hoạt động, do còn nhiều vướng mắc, bất cập, tranh cãi chưa được giải quyết. Chẳng hạn như đạo đức trong thiết kế phần mềm, khả năng kết nối giữa xe và hệ thống điều khiển giao thông, giữa các xe tự lái với nhau, khả năng nhận biết môi trường xung quanh để tránh vật cản...
Theo đó, Bộ Công an cho biết hiện chỉ có một vài trường hợp đạt tương đương cấp độ 4 được cấp phép hoạt động nhưng cũng chỉ trong phạm vi hạn chế và trong điều kiện nhất định. Cụ thể như dịch vụ taxi không người lái tại TP Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Riêng tại Việt Nam, loại xe ô tô có tích hợp tính năng tự động hóa hoạt động điều khiển xe tương đương cấp độ 2 được đưa ra thị trường trong vài năm trở lại đây. Thực tế tính năng này giúp nhiều lợi ích cho người lái xe nếu sử dụng đúng cách.
“Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định phân loại phương tiện giao thông thông minh thành hai nhóm, gồm: xe cơ giới cho phép tự động hóa một phần được miễn cấp phép và xe cơ giới cho phép tự động hóa toàn phần phải được cấp phép hoạt động là phù hợp…”- Bộ Công an lý giải.
Quy định màu sơn của xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh
Xe ô tô KDVT chuyên chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Còn xe ô tô KDVT kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-1-1-2025-xe-o-to-tu-8-cho-cho-khach-phai-co-camera-ghi-hinh-tai-xe-post818736.html