Từ 1/7/2025: Nới lỏng ngưỡng nộp thuế cho hộ cá nhân kinh doanh

Từ 1/7/2025: Nới lỏng ngưỡng nộp thuế cho hộ cá nhân kinh doanh
2 giờ trướcBài gốc
Còn theo luật hiện hành mức doanh thu không chịu thuế VAT là 100 triệu đồng/năm... Những thay đổi này sẽ có tác động thế nào?
Nâng ngưỡng miễn thuế VAT lên 200 triệu đồng/năm
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
Ảnh minh họa
Thực tế nhiều năm qua, việc buôn bán của nhiều hộ kinh doanh không được thuận lợi như trước. Mỗi tháng, các hộ hộ kinh doanh ở quận Ba Đình, Hà Nội đang phải đóng hơn 300 nghìn đồng tiền thuế cho mức doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Theo quy định có trong Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) 2024, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế VAT.
Chia sẻ của một số chủ hộ kinh doanh:
"Bây giờ thời buổi làm ăn khó khăn. Nhà nước mà tăng lên mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm trên 300 nghìn thì những hộ kinh doanh nhỏ lẻ của chúng tôi rất hoan nghênh";
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này vì sẽ giảm bớt gánh nặng cho người dân".
Trước đây, cơ quan soạn thảo từng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế, từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm song nhiều ý kiến cho rằng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.
Sau khi tiếp thu, xem xét các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, con số này được nâng lên mức 200 triệu đồng/năm trở xuống.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc Quốc hội đã thông qua việc nâng ngưỡng chịu thuế cho các hộ và cá nhân kinh doanh 100 triệu hiện nay lên 200 triệu là việc làm cần thiết và kịp thời với yêu cầu thực tiễn: "Thực ra mức 100 triệu chúng ta áp dụng rất nhiều năm nay rồi và cũng đã có nhiều lần các chuyên gia cũng như các tổ chức có mong muốn được điều chỉnh ngưỡng chịu thuế GTGT ở mức tăng cao hơn. Đến nay điều này đã được hiện thực hóa trong việc sửa đổi luật thuế GTGT lần này.
Rõ ràng việc nâng ngưỡng từ 100 triệu lên 200 triệu có thể chưa đáp ứng được mong muốn của các hộ kinh doanh. Tuy nhiên đây cũng là một mức điều chỉnh rất lớn chưa từng có tiền lệ mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra"
Miễn thuế VAT cho hộ kinh doanh: Giảm gánh nặng, thúc đẩy kinh tế
Ngưỡng doanh thu chịu thuế của các hộ kinh doanh lần đầu tiên được quyết định vào năm 2013, được áp dụng vào năm 2014. Tại thời điểm đó, GDP bình quân đầu người là 2.000 USD, nhưng sau 10 năm đã tăng lên gấp đôi.
Do đó, theo PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, việc nâng ngưỡng chịu thuế là cần thiết: "Chúng ta tính theo mức độ thay đổi GDP bình quân đầu người của năm 2013 đến nay thì đâu đó xấp xỉ khoảng 2 lần. Như vậy để phù hợp với mức sống của người dân thì ngưỡng 200 triệu là phù hợp".
Ảnh minh họa
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì sẽ có khoảng trên 620 nghìn hộ kinh doanh sẽ không phải nộp thuế. Tương đương mỗi năm ngân sách giảm thu 2.630 tỷ đồng. Số hụt thu ngân sách tăng lên 6.383 tỷ đồng nếu nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 300 triệu đồng một năm.
Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.
Ngoài việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các cá nhân và hộ kinh doanh, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi cũng nêu trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Việc điều chỉnh mức ngưỡng chịu thuế này cũng cần được thực hiện phù hợp theo các yêu cầu về khả năng quản lý, năng lực, yêu cầu thực tiễn của thị trường. Tuy nhiên mức cụ thể là 20% thì chúng tôi cho rằng cần xem xét cho phù hợp. Vì quản lý mức độ lạm phát của chúng ta hiện nay tương đối ổn định và tốt nên việc chúng ta đưa ra một con số cụ thể cần thiết xem xét thích ứng"
Trong lúc kinh tế còn khó khăn như hiện nay, rất cần các chính sách khuyến khích để các hộ kinh doanh có thể làm ăn được, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công việc làm cho người dân. Từ đó, tích lũy rồi tiến tới hình thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, rồi doanh nghiệp nhỏ theo lộ trình.
Như Ngọc, Thùy Linh/VOVGT
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tu-172025-noi-long-nguong-nop-thue-cho-ho-ca-nhan-kinh-doanh-post1150884.vov