Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2025 được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 25-6. Luật bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới nổi bật.
Không phải tất cả trường hợp sử dụng ma túy đều phạm tội
Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2025 đã bổ sung tội danh mới là tội sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 256a.
Theo đó, người nào sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong bốn trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 3 năm: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và (4) đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế.
Trường hợp tái phạm về tội này thì bị phạt tù từ 3 năm đến 5 năm.
Công an bắt quả tang một nhóm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong nhà nghỉ. Ảnh: CA
Luật sư Lê Viết Kỳ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết BLHS năm 1999 đã từng có quy định về tội danh này. Cụ thể, người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trường hợp tái phạm, bị phạt tù 2-5 năm.
Nhưng từ thời điểm năm 2009 khi ban hành Luật sửa đổi BLHS 1999 thì tội danh này đã bị lược bỏ và cho đến BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), trong chương các tội phạm về ma túy chỉ có các tội như: sản xuất, tàng trữ, chứa chấp sử dụng... mà không có tội sử dụng trái phép chất ma túy.
Nay trong Luật sửa đổi, tội danh này được bổ sung trở lại là cần thiết vì theo quy định hiện nay người sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng). Chế tài này chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái nghiện, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội như mất an ninh trật tự, các tội phạm khác phát sinh từ ma túy (trộm cắp, cướp giật, bạo lực...). Cạnh đó, nếu không quản lý tốt, chế tài đủ sức răn đe để kéo giảm người nghiện ma túy thì rất dễ "lây lan" nghiện cho những người khác.
Một nguyên thẩm phán ở TP.HCM cũng cho biết với quy định mới này không phải tất cả mọi hành vi sử dụng ma túy đều bị xử lý về tội sử dụng trái phép chất ma túy theo định tại Điều 256a. Tội danh danh này chỉ áp dụng một trong bốn trường hợp như đã nêu ở trên chủ yếu nhắm vào đối tượng đang cai nghiện ma túy, hoặc sau cai nghiện mà còn sử dụng. Còn đối với trường hợp một người mua ma túy về cất giấu để sử dụng thì lại bị xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Bổ sung thêm trường hợp không thi hành án tử hình
Ngoài bổ sung tội danh mới thì Luật sửa đổi cũng có những điểm mới khác như: Nâng mức hình phạt tiền, hình phạt tù đối với các tội liên quan đến hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy...
Các tội được sửa đổi để nâng mức hình phạt như: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317)...
Ví dụ tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) được sửa đổi cấu thành tội phạm cơ bản ở khoản 1 có khung hình phạt tù 3-5 năm (trước 1-7 quy định phạt tù từ 1-5 năm). Hay như tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) sửa đổi khung hình phạt ở khoản 1 là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2-3 (trước 1-7 quy định phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm).
Cạnh đó, Điều 40 BLHS hiện hành cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối (bổ sung mới).
8 tội danh bỏ hình phạt tử hình
Điều 109: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Điều 114: Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 194: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
Điều 250: Vận chuyển trái phép chất ma túy.
Điều 421: Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Điều 110: Gián điệp.
Điều 353: Tham ô tài sản.
Điều 354 Nhận hối lộ.
Đối với hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ khi bị kết án chung thân (bỏ án tử hình) chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
HỮU ĐĂNG