Đây là bước chuyển quan trọng nhằm siết chặt trách nhiệm của người bán hàng và các sàn giao dịch điện tử, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết quy định mới là một trong những nội dung quan trọng của Luật sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2026.
Luật này được xây dựng theo hướng cải cách toàn diện, đặt nền móng cho phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện đại, minh bạch và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Một trong những điểm đột phá của luật mới là thay đổi mô hình quản lý chất lượng từ phân loại hành chính sang phân loại theo mức độ rủi ro.
Cụ thể, sản phẩm và hàng hóa sẽ được chia thành ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Việc chuyển đổi này giúp cơ quan quản lý tập trung nguồn lực vào giám sát hiệu quả hơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.
Với nhóm hàng hóa có mức rủi ro thấp, doanh nghiệp được quyền tự công bố tiêu chuẩn áp dụng. Đối với nhóm rủi ro trung bình, doanh nghiệp cần thực hiện tự đánh giá sự phù hợp hoặc thông qua tổ chức chứng nhận được công nhận. Riêng nhóm có rủi ro cao, bắt buộc phải được đánh giá, chứng nhận bởi tổ chức độc lập nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng tuyệt đối.
Luật cũng bổ sung các quy định nhằm giảm thiểu rào cản hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, đối với hàng hóa thuộc nhóm rủi ro trung bình, doanh nghiệp được phép công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá hoặc chứng nhận từ tổ chức được công nhận, mà không cần công bố lại cho từng lô hàng cùng loại.
Ngoại lệ chỉ áp dụng nếu có thay đổi về quy chuẩn kỹ thuật, đặc tính sản phẩm hoặc xuất hiện cảnh báo từ cơ quan quản lý có thẩm quyền. Quy định này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thông quan, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu chất lượng.
Lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật, khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được xác lập như một hệ sinh thái gồm các yếu tố nền tảng: tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, kiểm tra và chính sách hỗ trợ.
Hệ thống này sẽ được xây dựng trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý chất lượng, hải quan, hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ chế tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng và hệ thống cảnh báo quốc tế.
Đáng chú ý, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vốn trước đây chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, nay đã chính thức được luật hóa. Đối với các mặt hàng có mức độ rủi ro cao, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ trở thành bắt buộc, góp phần nâng cao tính minh bạch và truy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Một nội dung mới khác là việc xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở cấp độ quốc gia. Hệ thống này có chức năng kết nối và đồng bộ dữ liệu từ các cơ quan quản lý, thu thập và phân tích các phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phục vụ công tác hậu kiểm, cảnh báo và xử lý rủi ro về chất lượng.
Đây là công cụ hỗ trợ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tạo điều kiện để người tiêu dùng tham gia giám sát thị trường một cách chủ động và hiệu quả.
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, Luật đã bổ sung điều khoản riêng liên quan đến việc quản lý chất lượng hàng hóa trong môi trường giao dịch số.
Theo quy định, người bán hàng phải minh bạch, trung thực trong công bố thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, chủ thể quản lý các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả các sàn giao dịch và nền tảng trung gian có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm tra, xử lý đối với các sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng.
Ngoài ra, các nền tảng này phải thiết lập và vận hành hệ thống tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hóa.
Ông Hà Minh Hiệp khẳng định, những quy định mới sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp trong việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng có giá trị lớn như thiết bị điện tử, gia dụng, mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng.
Nếu trước đây, các sàn thương mại điện tử cho phép các cá nhân và hộ kinh doanh tự do đăng bán sản phẩm mà không cần kiểm chứng, thì kể từ năm 2026, mọi hàng hóa buộc phải đi kèm chứng nhận tiêu chuẩn rõ ràng, có thể kiểm tra và truy xuất.
Luật sửa đổi lần này không chỉ đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lập pháp, từ quản lý hành chính sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài, từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời kiến tạo một môi trường thương mại lành mạnh, minh bạch và bền vững trong thời đại số.
Hùng Nguyễn