Tạ Tiểu Ngọc Trâm hiện đang là sinh viên Học viện Ngoại giao.
Mình từng rất “sợ” Hà Nội
Hà Nội mà trước đây mình biết thật chật chội, ồn ào, đông đúc trái ngược hoàn toàn với Buôn Mê, nhẹ nhàng và yên bình. Khi phải đứng trước ngưỡng cửa đại học, mình thật sự lạc lối. Mình yêu Ngoại giao nhưng mình lại sợ Hà Nội. Mình muốn phát triển ở một môi trường phù hợp với bản thân nhưng lại không muốn phải quá xa gia đình và bạn bè.
Giống như những người bạn đồng trang lứa, Trâm Tạ cũng từng rất đắn đo trước ngưỡng cửa đại học.
Hàng tá những lời khuyên, lời căn dặn bủa vây mình khiến mình thực sự cảm thấy “sợ”: “Hà Nội có xa quá không con?”, “Ở ngoài đấy đắt đỏ, khó sống lắm con ạ”... Mình sợ tất cả những gì mọi người nói đều là sự thật, nếu vậy thì làm sao một đứa nhóc 18 tuổi như mình, một thân một mình ở một nơi xa xôi như thế có thể cáng đáng được.
Lúc ấy, sự tin tưởng của bố mẹ chính là chỗ dựa vững chắc cho mình đưa ra quyết định ngày hôm nay. Mình nhớ như in câu mà ba đã nói với mình trước ngày điền nguyện vọng trên hệ thống của Bộ: “Cuộc đời sau này là của con, mọi thứ dù tốt đẹp hay tồi tệ đều sẽ do con gánh vác. Ba mẹ tin rằng con có đủ bản lĩnh để quyết định cuộc đời mình, nên dù gia đình mình không khá giả nhưng ba mẹ vẫn sẽ cố gắng để con có thể sống với chính ước mơ của mình”. Chính câu nói ấy đã khiến mình nhận ra rằng để mà có được những giá trị thực sự của trải nghiệm sống, đầu tiên đó là dám sống với những gì muốn, sống cho những gì mình mơ.
Vượt qua nỗi sợ, cô gái ấy đã dũng cảm theo đuổi ước mơ của bản thân.
Mình đánh cược một lần, một mình một vali bay hơn 1300km đến Hà Nội, đến Ngoại giao. Và có lẽ, ván cược này mình thắng đậm rồi!
Từng bước, những cơ hội, những thành công nho nhỏ đầu tiên của tuổi trẻ dần mở ra với mình. Mình đã đi được một đoạn xa mà một Trâm Tạ 17 tuổi không thể ngờ một Trâm Tạ năm 18 có thể làm được. Chính những cơ hội này đã cho mình gặp gỡ những người anh, người chị, những người bạn đồng hành mới thật đáng trân trọng. Và mình nhận ra, Hà Nội và Ngoại giao đang nhẹ nhàng che chở mình.
Tạ Tiểu Ngọc Trâm xuất sắc trở thành một trong 25 Gương mặt Sinh viên Học viện Ngoại giao năm 2025.
Những trải nghiệm đáng quý của Trâm tại Hà Nội.
Ở cái lưng chừng tuổi trẻ này, mình tin rằng đã không ít lần bạn cố gắng hình dung ra dáng vẻ của bản thân trong 5 hay 10 năm sau. Nhưng với mình, tuổi trẻ còn dài, mình còn thời gian, còn sức khỏe thì chỉ cần một lòng nhiệt thành với mục tiêu và luôn hạnh phúc trong từng bước đi, thành công chắc chắn sẽ không bỏ rơi chúng ta.
Cô gái đầy nghị lực trên hành trình từng bước lan tỏa những giá trị tích cực.
Mình có đọc được một lý thuyết khá thú vị đó chính là Google Maps Theory. Google Maps lúc nào cũng sẽ hướng dẫn cho chúng ta con đường ngắn nhất để đến điểm đến, nhưng là khi bạn đi nhầm đường, Google Maps sẽ không bảo bạn rằng “Dừng lại đi, mày đi nhầm đường rồi” mà Google Maps vẫn sẽ dựa trên con đường bạn đang đi và hướng dẫn bạn đến điểm cần đến dù xa và mất thời gian hơn. Vậy nên, thay vì phải luôn vội vàng và cảm thấy áp lực với những người xung quanh, hãy dành thời gian đó để tìm hiểu làm sao để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Một số thành tích cá nhân tiêu biểu của Tạ Tiểu Ngọc Trâm:
Đại biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, Nhiệm kỳ 2024-2029;
Chứng nhận cá nhân tham gia tích cực trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Tình nguyện quốc gia VVC cấp;
Á khoa đầu vào khối Chuyên Pháp trường THPT Chuyên Nguyễn Du;
Thủ khoa - Giải Nhất kì thi HSG cấp Tỉnh môn Tiếng Pháp;
Huy chương Bạc kỳ thi Olympic truyền thống 10/3 môn Tiếng Pháp tỉnh Đắk Lắk;
Top 05 Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại DAV’s Leaders 2025;
Chủ nhiệm CLB Cộng Đồng (CLB thiện nguyện do học sinh thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trực thuộc Mạng lưới tình nguyện Quốc Gia (VVC) và đã có 4 năm liên tiếp nhận giải thưởng tình nguyện từ Trung ương).
(Ảnh: NVCC)
Thu Nga (Ghi)