Từ căn phòng đầy ký ức ở 'Thành phố của gió' đến biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan

Từ căn phòng đầy ký ức ở 'Thành phố của gió' đến biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan
20 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan Phòng lưu niệm.
Chỉ trong 7 ngày làm việc gấp rút, khẩn trương cả ngày lẫn đêm, tôi cùng anh Nguyễn Văn Ban - Văn phòng Tập đoàn và Cục Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy cô Nhà trường đã hoàn thiện không gian lưu niệm này. Từ việc khảo sát, lên ý tưởng thiết kế, chọn lọc ảnh tư liệu, in ấn, vận chuyển tượng Bác Hồ và các vật phẩm trưng bày từ Việt Nam sang Azerbaijan, mọi công đoạn đều diễn ra thần tốc, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, ý nghĩa lịch sử và chuẩn mực ngoại giao.
Căn phòng được gấp rút thi công với nỗ lực cao nhất và hoàn thiện trong thời gian kỷ lục.
Trong quá trình hoàn thiện không gian lưu niệm, tôi còn được biết địa điểm đặt Phòng Lưu niệm từng là phòng làm việc của Viện sĩ Azat Khalilovich Mirzajanzade, một người bạn thân của cố Tổng thống Heidar Aliyev, một học giả rất yêu mến Việt Nam và là thầy của nhiều thế hệ lãnh đạo Petrovietnam như ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam), ông Phan Ngọc Trung (nguyên Thành viên HĐTV Petrovietnam).
Viện sĩ Azat Khalilovich Mirzajanzade sang thăm các học trò tại Việt Nam năm 1997.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Võ Đồng Minh (tên thật là Nguyễn Văn Lắm) sáng tác và Bảo tàng Hồ Chí Minh chế tác (cao 3,74m, rộng 1,45m) được đặt trang trọng giữa hai quốc kỳ Việt Nam và Azerbaijan, phía sau là câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Các công việc do chúng tôi chuẩn bị được hoàn thiện rất nhanh.
Chuyến công tác lần này cũng mang đến một câu chuyện bất ngờ và xúc động. Trước buổi lễ khánh thành, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Azerbaijan - ông Đặng Minh Khôi - chia sẻ với tôi: “Ngày mai, chúng ta sẽ gặp một nhân vật rất đặc biệt”.
Và quả thật, một khoảnh khắc lịch sử đã diễn ra. Bà Nigar Akhundova năm nay đã 75 tuổi - nguyên nghệ sĩ, hiện là Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc tế Azerbaijan dưới sự bảo trợ của UNESCO đã đến dự và trân trọng trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959. Khi bà mới có 6 tuổi, bà vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm gia đình tại Baku và bức ảnh chụp chung ấy đã được bà lưu giữ suốt 66 năm qua.
Bà Nigar Akhundova trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm bức ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1959.
Bức ảnh đó, chưa từng công bố, quả thật là một tư liệu quý giá không chỉ với Petrovietnam, mà còn với Bảo tàng Hồ Chí Minh và những người làm công tác lịch sử. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi trước lúc ra về, bà Akhundova cho biết bà vẫn còn một vài bức ảnh khác và sẵn lòng phối hợp với phía Việt Nam để chia sẻ tư liệu. Đó là món quà vô giá, là sự trở về đầy xúc cảm của lịch sử, đúng dịp trọng đại kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoảnh khắc ấy khiến những người có mặt, đặc biệt như tôi - một cán bộ làm công tác văn hóa doanh nghiệp tại Petrovietnam lặng người xúc động, như thể thấy hình ảnh Bác hiện diện trở lại giữa trưa nắng đầy gió ở Baku, bằng một cách rất đỗi nhân văn và đặc biệt gần gũi.
Bức ảnh kỷ niệm của gia đình Bà Nigar Akhundova với Bác Hồ năm 1959
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Phòng lưu niệm không chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Azerbaijan, mà còn là cầu nối văn hóa, tri thức, phản ánh chiều sâu của mối quan hệ hợp tác lâu dài, chân thành giữa hai dân tộc. Không gian này là sự kết tinh của những giá trị lịch sử, văn hóa, là nơi nhắc nhở mỗi người Petrovietnam hôm nay về sứ mệnh tiếp nối lý tưởng cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng cách đây 66 năm trước”.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại buổi Khánh thành phòng lưu niệm.
Phòng lưu niệm không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, mà còn là cột mốc thiêng liêng trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan. Từ chuyến thăm lịch sử của Bác Hồ năm 1959, đến các thế hệ sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Baku, tất cả đã tạo nên chiều sâu gắn bó giữa hai đất nước. Ông Mustafa Babanli, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu mỏ và Công nghiệp Quốc gia Azerbaijan từng xúc động nói: “Chúng tôi vẫn còn giữ bảng điểm của những sinh viên Việt Nam. Đó là niềm tự hào và cảm hứng cho các thế hệ sinh viên nước ngoài hôm nay”.
Đối với riêng tôi, may mắn được trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, tôi càng thêm tự hào khi Petrovietnam, sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, với nền tảng vững chắc, giờ trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam đang tiên phong trong đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử quý báu. Với ba trụ cột chiến lược: Công nghiệp - Năng lượng - Dịch vụ, Petrovietnam đang vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bằng mốc son mới, khát vọng mới đúng như ý nguyện và tầm nhìn vượt thời gian của Bác Hồ kính yêu.
Đại diện Petrovietnam, Cục Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cùng các giáo viên Nhà trường vui mừng chụp bức ảnh kỷ niệm sau khi hoàn thiện không gian lưu niệm.
Phòng Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Baku hôm nay là minh chứng sống động cho mong ước của Bác Hồ và tình hữu nghị thủy chung của nhân dân Azerbaijan và nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người lao động Petrovietnam.
Nếu có dịp trở lại Baku, tôi nhất định sẽ quay lại nơi này - nơi lưu giữ một phần ký ức thiêng liêng, tự hào của Petrovietnam và tình bạn hai nước Việt Nam - Azerbaijan.
Phan Sỹ Linh
Trưởng phòng Văn hóa Doanh nghiệp, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/tu-can-phong-day-ky-uc-o-thanh-pho-cua-gio-den-bieu-tuong-huu-nghi-viet-nam-azerbaijan-727322.html