LTS: Trong 2 bài viết trước, nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV tại khu vực ĐBSCL đã nêu rõ thực trạng khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi có dự án trọng điểm quốc gia đi qua. Thực tế cho thấy, trong triển khai vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi thiếu nguồn vật liệu san lấp; công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ và việc thí điểm sử dụng cát biển vẫn còn lúng túng.
Ở phần cuối của loạt bài “Kết nối hạ tầng giao thông, tạo thế và lực để Miền Tây bứt phá” chúng tôi sẽ đề cập những giải pháp chủ động trong triển khai các dự án theo phương châm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “hết mình, hết sức, tránh đùn đẩy, né tránh…”, tất cả vì sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Thiếu nguồn vật liệu san lấp đã kéo tiến độ các dự án chậm so với kế hoạch.
Khó khăn chồng khó khăn khi các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, nguồn cát san lấp cũng vì thế mà thiếu “trầm trọng”, buộc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án thành phần. Đến nay cơ bản nguồn vật liệu đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết, các dự án trọng điểm đang “tăng tốc” về đích theo kế hoạch phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Tại các công trình xây dựng ở ĐBSCL vào thời điểm cuối năm, nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bố trí tài chính, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để bù lại tiến độ đã chậm. Đại tá Lê Xuân Long, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giải quyết vướng mắc nguồn vật liệu san lấp, sự đồng thuận của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các dự án trọng điểm đang “tăng tốc” về đích theo kế hoạch phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, Đại tá Lê Xuân Long nêu rõ, trước những khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cần tính toán giải pháp lâu dài sử dụng cát biển hoặc cát nhập khẩu.
“Định hướng lâu dài cho ĐBSCL, định hướng lâu dài sử dụng cát biển, bản chất cát biển là cát sông trôi ra biển, công nghệ của chúng ta sẵn sàng rửa sạch được việc này, vấn đề là bổ sung giá rửa. Cái thứ hai phải rà soát, đánh giá một cách chắc chắn, chuẩn xác từng huyện, thị, tỉnh, thành về phạm vi sử dụng cát biển để làm sao đưa cát biển vào khai thác”, Đại tá Lê Xuân Long chia sẻ.
Thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc
Giao thông đi trước để mở đường, chính vì vậy nguồn lực đầu tư cho các dự án luôn được quan tâm, đảm bảo nguồn vốn để các công trình duy trì tiến độ, tăng tốc, bứt phá về đích. Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL”tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh về bố trí nguồn vốn năm 2024 cho Bộ GTVT và các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch.
“Tổng số vốn bố trí cho Bộ GTVT đến nay khoảng 72.000 tỷ, đảm bảo đủ theo đúng nhu cầu của Bộ GTVT đã rà soát cùng với các địa phương. Như vậy phần vốn kế hoạch 2024 đến nay cũng như báo cáo của Bộ GTVT, các địa phương cơ bản tính đủ kế hoạch 2024”, ông Đỗ Thành Trung thông tin.
Tổ chức thi công để bù lại tiến độ
Thiếu nguồn vật liệu san lấp đã kéo tiến độ các dự án chậm so với kế hoạch. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đang dồn lực bù tiến độ đã chậm thời gian qua. Tuy nhiên, việc bù tiến độ cần phải đảm bảo chất lượng công trình vì khu vực ĐBSCL nền đất yếu, cần có thời gian để chờ gia tải từ 10 – 12 tháng, như vậy mới đảm bảo chất lượng của các dự án. Về việc thí điểm cát biển đắp nền đường Bộ xây dựng đã có hướng dẫn cụ thể.
“Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng với Bộ Giao thông các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, thí điểm sử dụng cát biển để thi công nền đường, trên cơ sở đó thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu để làm cơ sở thông tin, dữ liệu về biện pháp thi công cũng như là dây chuyền để mà chúng ta tập hợp làm cơ sở chúng ta xây dựng định mức để đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật sau này”, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm.
Để đưa cát biển vào sử dụng cho một số đoạn của tuyến cao tốc ở vùng ĐBSCL, Bộ KHCN, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng, dựa vào đánh giá Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo đến các địa phương là có thể sử dụng cát biển để đắp nền giao thông cũng như là các công trình xây dựng, giảm áp lực đối với nguồn cát sông trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Tại các công trình xây dựng ở ĐBSCL vào thời điểm cuối năm, nhà thầu đang tăng cường nhân lực
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét, hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu trong nước để nghiên cứu, tìm ra cái giải pháp sử dụng cát mặn làm vật liệu xây dựng trong các cái hoạt động như xử lý, sử dụng cát mặn thay thế cát tự nhiên trong san lấp mặt bằng xây dựng, giao thông, xây dựng công trình dân dụng. Xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng giao thông thay thế cho nguồn vật liệu tự nhiên.
“Việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng cho san lấp mặt bằng, hạ tầng giao thông và xây dựng là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi về tác động đối với môi trường, đối với cây trồng, vật nuôi trước khi mà triển khai một cách đại trà”, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, Bộ đã thí điểm, phân tích, đưa cát biển vào sử dụng trong điều kiện cát sông khan hiếm. Qua thí điểm cát biển từ Sóc Trăng cho thấy độ mặn thấp hơn 5‰, các tiêu chuẩn đều đáp ứng được tiêu chuẩn vật liệu xây dựng.
Khi dự án cao tốc được hoàn thành sẽ kết nối hạ tầng giao thông
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ đã có văn bản gửi cho các địa phương để hướng dẫn, báo cáo kết quả thí điểm và cách thức tổ chức thực hiện, kèm theo tiêu chuẩn, quy trình. Giờ đây các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế của các dự án để chỉ đạo các đơn vị tư vấn cân nhắc, đánh giá sử dụng cát biển làm sao cho đảm bảo kinh tế kỹ thuật và quy trình kiểm soát thi công, kiểm soát độ mặn.
Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện nay thì Bộ Giao thông vận tải thi công bình thường theo những cái chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và vẫn theo dõi rất là chặt chẽ cái ảnh hưởng của môi trường ra ở bên ngoài. Hiện nay, vẫn đang kiểm soát và cái môi trường bên ngoài nó không bị ảnh hưởng gì khi đưa cát biển ở trong nền đường”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin.
Trước nhiệm kỳ, toàn vùng ĐBSCL chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL".
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL đang dần định hình
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL đang dần định hình, tạo sức lan tỏa, mở ra không gian phát triển mới cho vùng và giải tỏa “cơn khát cao tốc” của gần 20 triệu dân của ĐBSCL đang mong chờ ngày chính thức thông tuyến cao tốc từ TP. HCM đến Cà Mau. Chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông giúp các địa phương trong vùng tạo ra không gian, động lực phát triển mới để thực hiện hóa “khát vọng” đưa vùng đất “Chín rồng” ngang tầm quốc tế.
Phạm Hải, Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL