Trong gần ba thập niên phát triển liên tục, ngành xây dựng Việt Nam đã khẳng định được vị thế là nền tảng hạ tầng thiết yếu, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại cũng đặt ra thách thức khắc nghiệt chưa từng có, khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thuần Việt ngày càng bị bào mòn bởi ba áp lực đồng thời: thanh khoản tài chính suy giảm nghiêm trọng, thị trường nội địa thiếu động lực tăng trưởng ổn định và xu hướng các doanh nghiệp xây dựng quốc tế được chính phủ nước họ hậu thuẫn mạnh mẽ liên tục mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, câu chuyện thành công của Hyundai tại Hàn Quốc ba thập kỷ trước trở thành minh chứng đáng suy ngẫm về vai trò chủ động của Nhà nước trong việc lựa chọn, bảo vệ và đồng hành cùng các doanh nghiệp chiến lược nhằm kiến tạo năng lực cạnh tranh quốc gia lâu dài.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 từng đặt Hyundai vào ranh giới phá sản. Nhưng thay vì phó mặc quy luật tự điều tiết của thị trường, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc thành lập Quỹ Tái cấu trúc Doanh nghiệp để cấp tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, ưu tiên giao hàng loạt dự án hạ tầng quốc gia, bảo lãnh tín dụng quốc tế và tạo hành lang pháp lý cho Hyundai tái cơ cấu toàn diện.
Thành công của Hyundai sau đó không chỉ cứu sống một tập đoàn, mà còn đặt nền móng cho sự trỗi dậy của thương hiệu “Made in Korea” trên toàn cầu, biến một cuộc khủng hoảng thành cơ hội tái định hình chuỗi giá trị quốc gia.
Công trình Cảng hàng không Long Thành đang được khẩn trương thì công.
Đối với ngành xây dựng Việt Nam, sức ép cạnh tranh từ nhà thầu ngoại ngày càng khốc liệt. Nhiều tập đoàn FDI và tổng thầu quốc tế, được hậu thuẫn bởi nguồn vốn rẻ và chính sách bảo lãnh tín dụng từ chính phủ nước họ, hiện đang chiếm phần lớn các dự án ODA, FDI và hạ tầng trọng điểm.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại thường chỉ tham gia với vai trò thầu phụ hoặc thậm chí bị loại từ vòng sơ tuyển vì thiếu năng lực tài chính bảo chứng và thương hiệu quốc tế.
Sự mất cân bằng này không chỉ làm giảm giá trị nội địa hóa mà còn đặt ra rủi ro dài hạn: nếu không có một cơ chế chính sách chọn lọc và đồng hành đúng mức, doanh nghiệp Việt sẽ mất hẳn khả năng tích lũy kinh nghiệm tổng thầu, mất cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia ngay trên chính thị trường nội địa.
Những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp xây dựng thuần Việt trong vài năm qua, từ tái cấu trúc danh mục đầu tư, ứng dụng công nghệ BIM và AI, đến mở rộng thị trường xuất khẩu dịch vụ, đã giúp duy trì sức chống chịu nhất định.
Tuy nhiên, ba nút thắt lớn: thiếu thanh khoản trung dài hạn, thiếu ưu tiên chính sách và thiếu cơ chế bảo lãnh tín dụng quốc tế, đang là rào cản quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp dần mất động lực duy trì quy mô sản xuất và năng lực quản trị dự án. Trong khi đó, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn vẫn ưu tiên nhà thầu ngoại với điều kiện tài chính thuận lợi hơn, dẫn đến tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước suy giảm đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội bồi dưỡng các doanh nghiệp nội địa thành những “tổng thầu chiến lược” ngày càng thu hẹp.
Nhìn từ bài học Hàn Quốc, điểm mấu chốt không nằm ở việc hỗ trợ dàn trải, mà ở sự quyết đoán khi chọn lọc đúng doanh nghiệp có vai trò then chốt và đồng hành dài hạn bằng cơ chế rõ ràng. Trong bối cảnh thực thi Nghị quyết 66-NQ/TW và 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần khởi động một gói giải pháp đồng bộ, trước hết xác lập danh mục các doanh nghiệp xây dựng chiến lược quốc gia: những đơn vị đáp ứng các tiêu chí tối thiểu về năng lực vốn, thâm niên dự án, tỷ lệ nội địa hóa và cam kết phát triển thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp này xứng đáng được ưu tiên tiếp cận các cơ chế tài chính tái cấu trúc, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, và bảo lãnh tín dụng quốc tế để đủ sức tham gia đấu thầu những dự án quy mô lớn ở trong và ngoài nước.
Một đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Việc thành lập Quỹ Tái cấu trúc và Bảo lãnh tín dụng ngành xây dựng, với vốn điều lệ tối thiểu 10.000 tỷ đồng, có thể là bước đi đầu tiên. Quỹ này cần được thiết kế để đồng hành cùng các doanh nghiệp thuần Việt trong khoanh nợ, giãn nợ tối đa 10 năm cho các khoản vay phục vụ dự án trọng điểm, cung cấp tín dụng ưu đãi lãi suất dưới 5% và bảo lãnh tín dụng lên đến 50% giá trị hợp đồng EPC quốc tế.
Song song, các cơ chế ưu tiên đấu thầu cần được phân cấp linh hoạt theo quy mô dự án. Với các dự án dưới 1.500 tỷ đồng, doanh nghiệp nội địa nên được hưởng cơ chế tạm ứng tối thiểu 15% và miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao trong hai năm đầu. Với các dự án từ 1.500 đến 10.000 tỷ đồng, cần áp dụng bảo lãnh thanh toán phần vốn Nhà nước tối thiểu 50% và hỗ trợ lãi suất ba năm đầu triển khai.
Riêng các dự án siêu lớn trên 10.000 tỷ đồng, cần thiết lập tổ công tác liên ngành giám sát tiến độ, giải ngân kịp thời và bảo lãnh thanh toán trọn gói.
Về dài hạn, xây dựng thương hiệu quốc gia “Made in Vietnam” trong lĩnh vực xây dựng chỉ có thể duy trì bền vững nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực triển khai dự án quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ cần tăng cường ngoại giao kinh tế, kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại được thiết kế có trọng tâm, phù hợp từng thị trường. Việc hình thành Quỹ Bảo lãnh Đấu thầu Quốc tế ngành xây dựng cùng các chương trình xúc tiến thương hiệu Việt tại các châu lục và thị trường xuất khẩu trọng điểm sẽ trở thành nền tảng thiết yếu giúp doanh nghiệp Việt tự tin cạnh tranh công bằng trên sân chơi quốc tế.
Ngành xây dựng không chỉ tạo ra công trình, mà còn kiến tạo nội lực kinh tế, nâng cao uy tín quốc gia và bảo vệ quyền tự chủ phát triển hạ tầng. Đã đến lúc cần một chính sách đồng hành minh bạch, có chọn lọc và quyết liệt, để các doanh nghiệp thuần Việt không thua ngay trên sân nhà và đủ sức vươn tầm khu vực. Nếu thực thi được những giải pháp trên, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thế hệ “Chaebol Việt”, những thương hiệu tiên phong mang tầm vóc quốc gia, góp phần đưa vị thế kinh tế Việt Nam lên một chuẩn mực mới.
(*) Tiến sĩ Xây dựng, Đại học Queensland, Australia; Thạc sĩ Cơ học Xây dựng, Đại học Lìege, Bỉ; Cử nhân Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM; Kỹ sư Xây dựng, Đại học Bách Khoa TP.HCM. Hiện là Trưởng Ban Tái cấu trúc, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Đầu tư và Phát triển Thị trường Quốc tế, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình).
TS. Nguyễn Kinh Luân - Jerry Nguyen (*)