Hiện nay, ngoài những loại quả như táo, lựu, lê… trên thị trường Việt Nam xuất hiện thêm nhiều loại hoa quả mới nhập khẩu từ Trung Quốc như: táo cherry, nho sữa, hồng táo, đào tuyết Lệ Giang… Trong đó, nho được nhập khẩu với số lượng lớn nhất. Không chỉ 1 loại mà có đến gần chục loại nho Trung Quốc được bày bán khắp các chợ, cửa hàng, siêu thị hay các sạp hàng rong, gánh hàng rong trên các ngõ phố.
Gần đây, nho “quý tộc” hay còn gọi là nho sữa, xuất xứ Trung Quốc là loại trái cây được nhiều gia đình Việt ưa chuộng. Trên thị trường, loại nho này được bán phổ biến với giá 50.000-80.000 đồng/kg. Thậm chí, có loại giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi hay tin cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện nho sữa Trung Quốc có “chất cấm” và nhiều dư lượng hóa chất có hại vượt ngưỡng cho phép, không ít người tiêu dùng lo lắng vấn đề an toàn, bởi mặt hàng này đang bán tràn ngập chợ Việt. Nhiều người cảm thấy “choáng váng” khi biết nho nhập khẩu được chào bán ở các chợ đầu mối.
Nho sữa, loại trái cây được nhiều gia đình ưa chuộng, được bán với giá 50.000 đồng/kg
Chị Đoàn Thu Minh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước đây, nho sữa là một trong những loại trái cây đắt tiền, giá dao động 500.000-600.000 đồng/kg, có loại có giá trên 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nho sữa được bày bán khắp nơi, hình thức bóng, căng và đẹp mắt nhưng giá rẻ như rau ngoài chợ, chị cảm thấy hoang mang về xuất xứ và chất lượng của loại quả này.
“Các thành viên trong gia đình tôi rất thích nho sữa, để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, tôi thường mua nho tại các cửa hàng hoa quả sạch. Trước kia loại nho này chỉ xuất hiện tại các cửa hàng hoa quả xuất khẩu nhưng bây giờ tại bất cứ quầy hàng nào cũng có bán nho sữa với giá siêu rẻ. Tôi thực sự băn khoăn không biết nên mua nho ở đâu cho yên tâm, bảo đảm”, chị Minh nói.
Cũng lo ngại như chị Minh, chị Trần Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, không chỉ có nho sữa được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay mà các loại hoa quả khác như táo, lê, lựu có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bán khắp nơi. Đáng nói, những loại hoa quả này được các tiểu thương nhập về từ chợ đầu mối và đến tay người mua giá cũng rất rẻ, chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Điều khiến chị Hương lo ngại nhất đó là chất lượng và độ an toàn của hoa quả, vì có lần chị mua táo, để quên 1 quả bên ngoài, không bảo quản bằng tủ lạnh, khoảng 10 ngày sau cầm lên thì quả táo vẫn tươi, cứng, không có dấu hiệu “xuống mã” như các loại “táo sạch” khác.
Nho ruby được quảng cáo ngon, giòn, ngọt, bán với giá 49.000 đồng/kg
Các chuyên gia cho rằng, so với hoa quả nhập khẩu chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ về kiểm định chất lượng, thì hoa quả không rõ nguồn gốc rất có thể được bảo quản bằng hóa chất có hại cho sức khỏe con người. Việc sử dụng hóa chất sẽ khiến quá trình “lão hóa” của trái cây chậm lại, giúp trái cây tươi lâu, giữ nguyên vẻ ngoài bóng bẩy, “hút” mắt người mua hàng.
Hiện nay, người mua hàng đang thiệt đủ đường khi mua phải trái cây không rõ nguồn gốc gắn mác trái cây nhập khẩu, khi chất lượng không được đảm bảo mà họ lại phải trả tiền cao hơn gấp nhiều lần. Trước “ma trận” trái cây nhập khẩu không chính ngạch và trái cây “nhái” mác Mỹ, Hàn, người mua hãy thận trọng, tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc, xuất xứ của trái cây trước khi mua hoặc tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy để mua.
Người tiêu dùng phải tự biết bảo vệ mình
Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trước thực trạng hoa quả nhập khẩu không có xuất xứ rõ ràng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa, tổ chức nhiều cuộc đi kiểm tra, cần phối hợp cùng cơ quan công an để ngăn chặn tình trạng này; Cần làm quyết liệt để quyền lợi chính đáng người tiêu dùng được đảm bảo.
Về phía người tiêu dùng, để bảo vệ bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, hiểu đúng về sản phẩm, nguồn gốc của sản phẩm; lựa chọn nhà cung ứng sản phẩm uy tín để mua. Đây chính là bí quyết cho người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước ma trận hoa quả được bán tràn lan như hiện nay. Người tiêu dùng cũng cần tẩy chay những sản phẩm không an toàn, không nên vì ham giá rẻ mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đồng thời tiếp tay cho hàng rẻ, hàng kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa.
Theo quy định về ghi nhãn hàng hóa thì trái cây nhập khẩu cũng cần phải bắt buộc có tem chính và tem phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm. Trường hợp cần thiết, người mua hàng cũng có thể yêu cầu chủ cửa hàng cho xem các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hoa quả nhập khẩu.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội
Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo vệ từ cái nhỏ nhất như mớ rau, con cá. Việt Nam có thị trường rất lớn với hàng trăm triệu dân, doanh số bán lẻ hàng trăm tỷ USD, giao dịch điện tử khoảng 15 tỷ USD, do đó không tránh khỏi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta có trách nhiệm phải giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người tiêu dùng.
Giao dịch trên thị trường hiện nay phần lớn là giao dịch mua đứt bán đoạn, không chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, hàng hóa của mình, nguyên nhân một phần vì chúng ta chưa có sàn giao dịch minh bạch, công khai, phủ rộng như các nước.
Hay như chuyện dân chủ trong giao dịch mua bán. Ví dụ, một hộp chứa thức ăn bán trong siêu thị đã được bịt kín, dán mã vạch đúng tiêu chuẩn. Người tiêu dùng mua xong, mang về nhà mở ra thì phát hiện thịt đã hỏng. Như vậy, cơ quan chức năng sẽ phân định như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai là rất khó xác định. Theo tôi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phải bảo vệ từ cái nhỏ nhất, từ mớ rau con cá chứ chưa nói đến cái ô tô, xe máy …
“Kiến thức về thực phẩm, lương thực, hàng hóa của người tiêu dùng còn thấp. Thứ hai, hàng giả bây giờ đôi khi còn đẹp hơn hàng thật, trong khi nhiều người tiêu dùng còn ham rẻ. Ngoài ra, các kiến thức về tự bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa am hiểu nên mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng khó đạt hiệu quả là đúng. Nhưng mặt khác, ở góc độ trách nhiệm của cơ quan chức năng thì bên cạnh việc nói người tiêu dùng phải thông thái, chính các cơ quan quản lý cũng phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Có một thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngại khiếu nại, khiếu kiện, ngại lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Nguyên nhân do các kiến thức về bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa thông suốt nên việc khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng khó có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nguyên nhân thứ hai là quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện còn phức tạp. Ở nước ta, chúng ta rất ít dùng đến trọng tài kinh tế, tòa án kinh tế. Người tiêu dùng có tâm lý e ngại việc “được vạ thì má đã xưng", chạy 10 quãng đồng để khiếu nại 10 gói bim bim kém chất lượng thì không ai muốn.
Để đẩy lùi thực trạng hàng kém chất lượng, cả xã hội phải nhận thức đúng vai trò của an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của mọi gia đình. Từ nhận thức đó chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ người tiêu dùng bằng hành động thiết thực cụ thể, chắc chắn vấn nạn này sẽ dần được đẩy lùi và đem lại sự an toàn, sức khỏe cho mọi người dân.
Chung Thủy/VOV.VN