Từ câu chuyện trồng 40 tỷ cây xanh đến chuyển đổi khí hậu bền vững tại Ethiopia

Từ câu chuyện trồng 40 tỷ cây xanh đến chuyển đổi khí hậu bền vững tại Ethiopia
một ngày trướcBài gốc
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới nước chủ nhà Việt Nam vì đã đăng cai sự kiện quan trọng này. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo nổi bật của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy các đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali
Thủ tướng Ethiopia nhận định: “Dù thế giới đã nói nhiều về những thách thức từ biến đổi khí hậu và tình trạng kém phát triển, song tiến bộ thực chất trong việc xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vẫn còn hạn chế”.
Trước tình hình này, ông Abiy Ahmed Ali nhấn mạnh sự cần thiết của việc lựa chọn một hướng đi mang tính thực tiễn và bao trùm, hướng đến giải quyết những nhu cầu cấp thiết của nhóm dễ bị tổn thương nhất - những người đang phải hứng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng Abiy Ahmed Ali, đồng hành cùng các mục tiêu toàn cầu trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Chương trình Nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, Ethiopia đã vạch ra lộ trình đầy tham vọng nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 và xây dựng nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2050. Những định hướng này đã được cụ thể hóa trong các kế hoạch phát triển quốc gia và triển khai thực tế thông qua chiến lược tăng trưởng xanh cùng nhiều sáng kiến khác.
Một ví dụ tiêu biểu là chương trình “Di sản Xanh” (Green Legacy) – chiến dịch trồng 40 tỷ cây xanh từ năm 2019, huy động hơn 20 triệu công dân tham gia mỗi năm. Đây là chương trình trồng rừng quy mô lớn nhất thế giới, không chỉ nhằm mở rộng diện tích rừng mà còn cải thiện an ninh lương thực – dinh dưỡng qua việc trồng cây ăn quả, phục hồi hệ sinh thái suy thoái và thúc đẩy bảo tồn đất, nước. Từ năm 2019 đến 2023, diện tích che phủ rừng của Ethiopia đã tăng thêm 6,4%.
Song song với đó, Ethiopia đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng và đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, 98% điện năng tại Ethiopia đến từ thủy điện, gió và năng lượng mặt trời. Đập Đại Phục Hưng Ethiopia là biểu tượng cho cam kết phát triển bền vững, mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường cho cả quốc gia lẫn khu vực.
Để biến chính sách thành hành động trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, Ethiopia cũng đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông – bao gồm lệnh cấm nhập khẩu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, cùng các sáng kiến khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện. Chiến lược phát triển đô thị được điều chỉnh theo hướng xây dựng các thành phố xanh, thông minh – thể hiện rõ trong chương trình Phát triển Hành lang Quốc gia, với mục tiêu chuyển đổi các khu đô thị và nông thôn thành không gian sống bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện thành công Thỏa thuận Paris, Thủ tướng Ethiopia kêu gọi một cách tiếp cận mới trong hợp tác toàn cầu.
“Hơn bao giờ hết, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cần đi đôi với hỗ trợ cụ thể, có trọng tâm cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất”, ông Abiy Ahmed Ali khẳng định.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ethiopia đưa ra ba điểm hành động then chốt:
Đảm bảo nguồn tài chính bền vững: Cần nguồn lực tài chính đủ, ổn định và có thể dự đoán trước – là nền tảng cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Ethiopia nhắc lại lời kêu gọi của châu Phi về việc huy động 1.300 tỷ USD theo mục tiêu tài chính khí hậu mới, trong bối cảnh nhu cầu của các nước đang phát triển ước tính lên tới gần 6.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tăng đầu tư vào năng lượng: Châu Phi hiện chỉ nhận 2% trong tổng số 60 tỷ USD đầu tư năng lượng toàn cầu – một con số cần được nâng lên 20% vào năm 2030. Thủ tướng Ethiopia kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng chung tay cung cấp nguồn tài chính và công nghệ cần thiết nhằm hỗ trợ các dự án năng lượng trong khuôn khổ chương trình phát triển của châu Phi đến năm 2030.
Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học: Cần đẩy lùi suy thoái đất, nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học. Các nỗ lực bảo tồn địa phương và bản địa như chương trình “Di sản Xanh” cần được hỗ trợ tài chính đầy đủ, cùng với các cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và các chương trình sinh kế thay thế, giúp tăng năng suất nông nghiệp.
Thủ tướng Ethiopia cũng tái khẳng định cam kết chung tay hành động vì khí hậu và phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi các thành viên P4G tăng cường phối hợp liên khu vực, khắc phục các khoảng trống trong vai trò lãnh đạo toàn cầu về khí hậu, hướng tới Hội nghị COP30 tại Brazil với những mục tiêu đầy tham vọng. Ethiopia sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ năm vào năm 2027.
PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/tu-cau-chuyen-trong-40-ty-cay-xanh-den-chuyen-doi-khi-hau-ben-vung-tai-ethiopia-post1192535.vov