Sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại nhân sâm nổi tiếng trên thế giới. Cả 5 loại sâm này là sâm Ngọc Linh (Việt Nam), sâm Hàn Quốc, sâm Nga, sâm Canada và sâm Mỹ đều có hàm lượng dưỡng chất cao, rất tốt cho sức khỏe. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thể đạt giá trị thương mại hàng tỷ USD/năm trong thời gian tới. Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia.
Nơi từng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước giờ mọc lên nhiều làng tỷ phú.
Tháng 6/2023, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ bảo tồn nguồn gen sâm ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng và phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000 héc ta vào năm 2030; 100% diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Việt Nam cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước? Tìm hiểu vấn đề này, Nhóm phóng viên Đài TNVN thực hiện loạt phóng sự “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam”.
Nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên trên đỉnh Ngọc Linh.
Ông Hồ Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhớ lại: "Ngày xưa ở vùng này bà con rất khó khăn, rất đói nghèo. Năm nào cũng làm lúa, bắp, nương rẫy, mất mùa cả năm. Ăn không được ba tháng, rất khổ".
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kể lại chuyến đi thực tế ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My vào năm 2014, thời điểm này ông Bửu đang là Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: "Cái chòi chưa tới 12 m2 mà có tới 40 em học sinh ngồi học trong đó. Một gia đình mà cần 50 ngàn đồng thì phải bán cả một con heo".
Đó là câu chuyện của hơn 10 năm về trước: Nghèo đói, thiếu ăn, không được học hành, cuộc sống khó khăn đeo bám bà con dân tộc Xê - Đăng ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Từ một xã khó khăn nhất của một huyện nghèo nhất cả nước, đến nay, Trà Linh chuyển mình, trở thành xã của rất nhiều tỷ phú giữa đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết: "Cách đây khoảng 10 năm mà ao ước làm ra được 100 triệu đồng cũng đã rất khó. Nhưng hiện nay thì có hàng trăm hộ dân thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm".
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My hồ hởi khi chứng kiến sự đổi đời của vùng đất này: "Người ta làm cái nhà 5 tỷ đến 10 tỷ là câu chuyện có thực vì nhiều người thoát nghèo, họ làm giàu. Có nhiều đại gia có vài trăm tỷ là bình thường, như anh Lượng có vài ngàn tỷ là bình thường".
Những căn nhà mới của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.
Núi Ngọc Linh nằm trong dãy Trường Sơn là dãy núi cao hùng vĩ trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai. Với độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển, đây được xem là nóc nhà của Tây Nguyên và khu vực Đông Dương.
Từ thành phố Tam Kỳ, theo Quốc lộ 40B đi lên huyện Tiên Phước qua huyện Bắc Trà My là đến huyện Nam Trà My. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ đi ô tô, Trà Linh – thủ phủ trồng sâm Ngọc Linh hiện ra trước mắt chúng tôi. Hai bên đường là những căn biệt thự 2 đến 3 tầng của đồng bào các dân tộc Xê - Đăng, Mơ - Nông, Ca - Dong khang trang, hiện đại.
Chúng tôi thực sự choáng ngợp với vườn sâm rộng hàng chục héc ta trên đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao 1.900 mét so với mực nước biển của ông Nguyễn Văn Lượng; già làng Hồ Văn Du, người dân tộc Xê - Đăng và ông Bùi Như Chương. Đây là những ông chủ các vườn sâm lớn nhất ở xã Trà Linh. Con đường bê tông có độ dốc 30 độ đến 45 độ, được đầu tư hàng tỷ đồng dẫn lên tận vườn sâm Ngọc Linh. Dưới những tán rừng già thân to từ 4 người đến 5 người ôm là tầng cây thấp lá, dưới nữa là hàng nghìn nhà lưới, diện tích chừng 25 m2 đến 32 m2 trồng sâm Ngọc Linh đủ mọi lứa tuổi.
Ông Hồ Văn Lượng được xem là "ông vua sâm" trên đỉnh Ngọc Linh.
Ông Hồ Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh được ví von là “ông vua sâm” trên đỉnh Ngọc Linh với vườn sâm hơn 30 héc ta. Ít ai biết, cách đây hơn 30 năm, gia đình Hồ Văn Lượng là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Năm 1995, Hồ Văn Lượng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để đầu tư vườn sâm quy mô lớn. Ông dùng hết số vốn này mua cây sâm giống, dây thép gai dựng hàng rào bảo vệ, thuê nhân công,… mở rộng diện tích trồng sâm. Chỉ mất khoảng 5 năm, ông Lượng bán sâm thu về vài trăm triệu đồng mỗi năm, giúp ông hoàn trả vốn vay Ngân hàng.
Ông Hồ Văn Lượng nhớ lại: “Một năm tôi gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 5 tỷ đồng. Hiện, tôi đã đầu tư vào vườn sâm Ngọc Linh của mình khoảng vài trăm tỷ đồng. Lao động cũng 300 người, cao điểm lên 500 người. Ngoài trả tiền lương thì đối với hộ gia đình khó khăn quá chưa có sâm để trồng thì mình sẽ trả ngày công cho họ bằng sâm để góp phần giúp họ thoát nghèo. Chỗ nào không có cây mình trồng cây, ở đây độ ẩm cao, tự nhiên. Mình không cần tưới nước. Mình lấy đất, mùn trên mặt đất, lấy lá bỏ vào chăm sâm là sâm sinh trưởng và phát triển”.
Sâm Ngọc Linh được xem là "báu vật", rất tốt cho sức khỏe con người.
Sâm Ngọc Linh là loại cây thuốc quý đối với đồng bào Xê – Đăng. Từ xa xưa, bà con tự bảo nhau phải “giấu” để dùng khi bị ốm đau nên sâm Ngọc Linh được người Xê – Đăng nơi đây gọi là “cây thuốc giấu”. Cây sâm “báu vật” Ngọc Linh có từ bao đời nay, mọc trong rừng già, được người dân nơi đây gìn giữ từ đời này sang đời khác. Già làng Hồ Văn Du ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, khi Đảng, Nhà nước quan tâm, cử nhà khoa học về tìm ra công dụng của sâm quý Ngọc Linh, các nhà nghiên cứu xác định đây là một trong những loại sâm quý nhất trên thế giới. Cũng từ đó, giá trị sâm Ngọc Linh tăng cao, nhu cầu mua bán rất nhiều. Năm 2010, 1kg sâm Ngọc Linh có giá chỉ 20 triệu đồng thì đến năm 2015 đã lên tới 100 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Du (bên phải) và ông Bùi Như Chương luôn gắn bó với cây sâm Ngọc Linh.
Già làng Hồ Văn Du cho rằng, nhờ cây sâm mà nhiều gia đình đã xây nhà to, mua ô tô đi lại: “Bà con nhờ phát triển cây thuốc quý mà xóa đói giảm nghèo, cây sâm có giá cao hơn với các cây nông nghiệp. Nhiều nhà cũng mua sắm nào là ô tô, nhà cửa, kinh tế phát triển. Hồi xưa thấy rừng già ở đâu thì vào trồng sâm ở đó, bữa nay bảo tồn mình trồng thêm cây, không phát rẫy nữa, bảo vệ rừng, để trồng sâm. Rừng này 4 năm đến 5 năm trồng cây thêm 10 năm là trồng sâm được rồi biến thành rừng già”.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (thứ 2 từ phải sang), ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (ngoài cùng bên phải) khảo sát thực tế trồng sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhớ lại quãng thời gian mới được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: “Ngày xưa khi tôi đi bộ lên thì khu vực này bị đốt sạch. Ngay chỗ ông Hồ Văn Du từng bị người dân đốt làm rẫy, nhưng sau này ông Du lại trồng thành rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Nên bây giờ đi ô tô lên Trà Linh thì thấy những cánh rừng xanh thẳm. Mình thấy lợi ích của việc trồng sâm, thứ nhất là phát triển kinh tế, thứ hai là trồng sâm giữ rừng, thứ ba là rất tốt cho sức khỏe con người. Từ đó mình nghĩ phải thương mại hóa sâm Ngọc Linh”.
Trăn trở trước thực tế: Tại sao người dân chịu cảnh nghèo đói, lạc hậu trong khi đang sở hữu “mỏ vàng” sâm Ngọc Linh?. Và ý tưởng phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được hiện thực hóa, quyết tâm đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm thương mại, mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: “Đề án đầu tiên là Đề án sâm Ngọc Linh của tỉnh, tất nhiên có báo cáo Trung ương, Trung ương đồng ý việc này. Sau đó tỉnh ký Đề án sâm Ngọc Linh. Từ Đề án này có các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân huyện hỗ trợ người dân, từ đó nảy ra ý tưởng tổ chức phiên chợ sâm, lễ hội sâm và có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về sâm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển cây sâm”.
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh.
Trên đỉnh Ngọc Linh đã có nhiều cuộc đổi đời ngoạn mục đến khó tin. Những hộ khó khăn sau khi được ông Hồ Văn Du giúp đỡ, tặng giống sâm, hướng dẫn cách trồng, vài năm sau thoát nghèo, có hộ sở hữu vườn sâm trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Bùi Như Chương, quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách đây hơn 40 năm có dịp ghé xã Trà Linh, gặp người Xê - Đăng trồng sâm Ngọc Linh liền bị cuốn hút bởi công việc này. Được sự giúp đỡ hết mình của già làng Hồ Văn Du, ông Chương bắt đầu gầy dựng vườn sâm Ngọc Linh cho riêng mình. Đến nay, vườn sâm của ông Bùi Như Chương có đến hàng chục ngàn gốc sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Bùi Như Chương giúp đỡ người trồng sâm xử lý loại bệnh ở cây sâm Ngọc Linh.
“Hồi đó tôi cơ may gặp được anh Du là Trạm trưởng Trạm dược liệu Trà Linh. Anh Hồ Văn Du thương tôi nên rủ tôi cùng trồng chung sâm Ngọc Linh tại vườn riêng của ảnh. Sau này thấy tôi phát triển, anh Du lại động viên tôi ra trồng vườn riêng để có thu nhập. Tôi và anh Du mỗi người trồng một khu. Chúng tôi thuê dịch vụ môi trường rừng năm 2014 để trồng sâm. Người dân Xê - Đăng ở xã Trà Linh này họ sống quá tình cảm, họ sống quá tuyệt vời. Tôi được như bây giờ cũng nhờ sự cưu mang của anh Hồ Văn Du. Giờ tôi có điều kiện tôi giúp lại người dân ở đây cùng trồng sâm”- Ông Bùi Như Chương chia sẻ.
Sâm Ngọc Linh ra hoa.
Ông Bùi Như Chương cùng nhiều người trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh từng được ông Hồ Văn Du giúp đỡ, giờ đây lại hỗ trợ kỹ thuật trồng, tặng cây sâm giống, giúp các hộ khác trồng sâm để thoát nghèo. Từ “cây thuốc giấu” được người dân Xê - Đăng giữ kín trong mỗi gia đình, sâm Ngọc Linh đã trở thành “cây tỷ phú” trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho hàng ngàn gia đình trên vùng núi cao.
Từ thực tế này, tỉnh Quảng Nam đã có những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ hơn, đưa cây sâm thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương. Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài 2 của loạt phóng sự “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam”.
- Năm 2014 chỉ có khoảng 100 hộ dân ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My trồng sâm Ngọc Linh với diện tích vài chục héc ta. Hiện nay, vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch với diện tích 15.000 héc tại 7/10 xã của huyện này.
- Từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My tăng gấp 9 lần so với giai đoạn trước, gần 1.650 hộ tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000 héc ta, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn, trị giá khoảng 420 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng/năm.
- Diện tích trồng sâm tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể. Trong 5 năm qua, huyện Nam Trà My có hơn 2.300 hộ thoát nghèo bền vững. Đời sống kinh tế và thu nhập của người dân tăng lên cả nghìn lần, rừng được phủ xanh.
Long Phi, Thu Hòa, Thanh Trường/ VOV