Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An)
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, việc áp dụng hình phạt chung thân không giảm án thay cho khung hình phạt tử hình của 8/18 tội danh theo dự thảo luật đề xuất. Bởi vì, theo đại biểu Dung, hình phạt này "chưa hẳn nhân văn hơn mức án tử hình".
Đại biểu Dung lý giải: người bị tuyên án tử hình hiện nay vẫn có cơ hội xin đặc xá, ân xá từ Chủ tịch nước, và nếu được chấp thuận, có thể chuyển thành án chung thân. Trong quá trình thi hành án, người chịu án chung thân vẫn có cơ hội giảm án nếu cải tạo tốt. Trong khi đó, hình phạt chung thân không xét giảm đồng nghĩa với việc phạm nhân không có cơ hội đặc xá hay ân xá, phải chấp nhận ở tù đến hết đời.
Cũng theo đại biểu Dung, điều này có thể gây áp lực lên hệ thống trại giam khi số lượng phạm nhân gia tăng mà không có cơ chế giảm tải. Hơn nữa, nó cũng có thể làm mất đi động lực cải tạo, khiến phạm nhân dễ sinh tâm lý chống đối, thụ động, tiêu cực.
Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhận định rằng án chung thân hiện nay đã đủ nghiêm khắc, đồng thời vẫn duy trì được tính nhân đạo nhờ cơ chế giảm án cho người cải tạo tốt. “Chung thân không giảm án là tước bỏ hy vọng cải tạo, hoàn lương. Trong văn hóa Việt Nam, việc tạo cơ hội làm lại cuộc đời thể hiện tinh thần nhân văn, bao dung của pháp luật”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý rằng việc duy trì hy vọng hoàn lương không chỉ có ý nghĩa với phạm nhân mà còn với gia đình họ, góp phần ổn định trại giam và nâng cao hiệu quả công tác cải tạo.
Huy Tùng