Nhớ hồi tôi được mời tổ chức một lớp "đào tạo lại" cho các bạn hướng dẫn viên du lịch của khu du lịch Vinpearl Nam Hội An, số này được tuyển từ 2 lớp cử nhân du lịch vừa tốt nghiệp ở Đại học Huế, tôi mời hẳn một nghệ sĩ nhiếp ảnh tới dạy một buổi cho tất cả các bạn hướng dẫn viên cách chụp ảnh đẹp. Có người nói tôi là người đầu tiên nghĩ ra chuyện dạy chụp ảnh cho các hướng dẫn viên, chả biết có đúng không, nhưng quả là qua quan sát, tôi thấy nhu cầu chụp ảnh của khách du lịch rất lớn, và các bạn nhân viên thì ai cũng biết chụp, nhưng chụp thế nào cho đẹp, cách lấy bố cục, ánh sáng vân vân cũng lơ mơ, nên khi được chuyên gia hướng dẫn thì ảnh được chụp khác hẳn.
Nhóm du khách nữ chụp ảnh giữa đường, bất chấp các phương tiện giao thông di chuyển
Thì hôm qua, các báo tràn ngập tin một tốp khách nữ đi du lịch Măng Đen dàn hàng ngang giữa đường chụp ảnh, rất nguy hiểm.
Chỗ này, lớp chúng tôi, cái lớp Văn K1 Đại học Tổng hợp Huế ấy, cũng mới chụp ảnh tuần trước khi năm nay tôi đăng cai cho lớp gặp mặt nhân 44 năm ra trường.
Nhưng chúng tôi không dàn hàng ngang trên đường, mà... nép vào một phía, nhưng không phải là cũng không vi phạm luật giao thông, và cũng may là lúc ấy thưa xe chứ không nhiều như cái clip về nhóm khách nữ đang đầy trên báo.
Cũng như thế, số khách tới cà phê đường tàu ở Hà Nội để uống chắc ít hơn rất nhiều khách tới để... chụp ảnh. Xem những cái clip tàu qua thì thấy, ai cũng cố nhoài ra tự bấm hoặc nhờ người bấm một cú ảnh.
Lại có ông bạn vừa kể, lớp ông ấy họp lớp, có bà mang tới... 2 va ly quần áo, 20 phút thay một bộ để chụp ảnh. Và tất nhiên người khổ nhất là... ông chồng. Lớp này hay cái là, chỉ chấp nhận cho đăng ký họp lớp khi đủ cả 2 vợ chồng, thế mà nghe đâu chỉ thiếu 2 người do bệnh, còn đâu đủ hết.
Tôi cũng chứng kiến có những nhóm đi chơi, mang theo cả... buồng thay đồ để thay xiêm y chụp ảnh.
Tức là bây giờ, đa phần đi du lịch, đi chơi, kế cả hội họp kết hợp du lịch, thì nhu cầu "ăn con ảnh" là chính. Chụp xong thì up nuôi... con phây.
Và có lẽ nhờ thế chăng mà mấy năm nay, thấy địa phương nào cũng thống kê rằng số thu từ du lịch tăng vọt, nhất là địa phương có những nơi độc, lạ, đẹp để check in.
Và ngay các quán ăn, quán cà phê chẳng hạn, cũng cố bài trí những chỗ có thể chụp ảnh check in, nhiều khi chỉ là cái xích đu bên bó rơm lủng lẳng, thế mà khách cũng phải... xếp hàng để tới lượt chụp.
Thế tức là, nhu cầu check in là có thật, đi đâu cũng chụp ảnh là có thật, và chính đáng. Có người cho rằng nó là trào lưu thời đại, thì cũng là thật, bởi sự phát triển rất mạnh của công nghệ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cho báo chí biết: "đoạn clip được ghi lại trên QL24, đoạn gần cổng chào thị trấn Măng Đen. Đoạn đường này khá đẹp với tuyến đường thẳng tắp và hàng thông cổ thụ. Thời gian qua, khách du lịch thường xuyên dừng lại chụp ảnh lưu niệm tại khu vực này. Tuy nhiên, việc đứng trên đường chụp ảnh gây mất an toàn giao thông. Tại đoạn đường này, khách du lịch thường xuyên dừng lại để chụp ảnh. Chúng tôi sẽ yêu cầu các ngành chức năng cắm biển cấm dừng, đỗ để đảm bảo an toàn giao thông".
Cũng như thế, Hà Nội mấy năm nay "quyết liệt" cấm cà phê đường tàu, nhưng có vẻ như càng đông khách tới hơn.
Thực ra, cấm là dễ nhất trong những trường hợp như thế này. Nhưng còn có thực hiện được không lại là chuyện khác, như cà phê đường tàu, ngày càng đông. Có những du khách quốc tế đến Việt Nam là thế nào cũng phải tới cà phê đường tàu Hà Nội. Lại nhớ ở Đài Loan tôi cũng đã tới một khu phố cổ có đường tàu chạy qua như thế này, là khu phố cổ Thập Phần. Và họ biến cái món tàu ấy thành sản phẩm du lịch. Tàu chạy rất đúng giờ, qua đấy chạy rất chậm, vừa để an toàn vừa để khách check in, và trước khi tàu tới có phát loa thông báo. Theo tôi biết thì chưa có tai nạn nào xảy ra ở đấy, trong khi nó từ một cái làng nghèo, lèo tèo heo hút, giờ thành điểm du lịch nổi tiếng, và tất nhiên dân rất giàu. Đường tàu đã nuôi họ.
Cũng như thế, ở cái đoạn đường đẹp nhất Măng Đen ấy, đã lên Măng Đen là người ta gần như phải chụp ảnh ấy, thay vì cắm biển cấm dừng đỗ, có thể làm một đường nhánh bên cạnh đấy, mời các ông các bà chụp ảnh thoải mái, cần thiết thì có người bảo vệ. Số tiền chi cho người bảo vệ và cả làm đường nhánh ấy, lấy từ chính... túi người chụp ảnh.
Và nhiều nơi, nhiều việc nữa.
Chúng ta, một mặt coi du lịch là quả trứng vàng, lấy du lịch làm mũi nhọn kinh tế, nhưng cứ thấy khó là... cấm. Trong khi có thể, thay vì cấm, ta quản lý cho tốt, tạo điều kiện tối đa cho khách du lịch đúng là thượng đế, họ mang tiền cho chúng ta tiêu thì đương nhiên là thượng đế rồi. Tất nhiên những gì trái luật thì phải cấm, nhưng những gì có thể gỡ được để phục vụ thượng đế thì nên làm, để thu tiền một cách hân hoan hồ hởi và... không áy náy.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Văn Công Hùng