Từ chuyện một cây xăng từ chối hình thức chuyển khoản

Từ chuyện một cây xăng từ chối hình thức chuyển khoản
7 giờ trướcBài gốc
Ngay lập tức, người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã tích cực hưởng ứng. Không chỉ là xu hướng, thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành thói quen trong đời sống thường nhật của nhiều người.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và hạn chế tiền mặt, đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng. Cá nhân tôi, sống và làm việc tại TP.HCM, gần như toàn bộ 80% các giao dịch thường ngày – từ ly cà phê sáng, ổ bánh mì, gói xôi quen thuộc – đều thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng.
Một trong những quán cafe hưởng ứng Nghị định 181/2025/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền.
Thực tế cho thấy, hầu hết cửa hàng nhỏ lẻ, hàng rong đến các điểm bán lẻ tại TP.HCM đều đã thích nghi nhanh chóng với hình thức thanh toán số qua VNPAY, MoMo hay Internet Banking. Điều đó phản ánh rõ sự thay đổi về thói quen tiêu dùng, cũng như tinh thần chủ động đồng hành của người dân với chính sách chuyển đổi số của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn những điểm nghẽn gây cản trở – đặc biệt trong các ngành thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Một câu chuyện thực tế mới đây là minh chứng rõ nét.
Một người bạn của tôi, khi xe gần hết xăng, đã ghé vào cây xăng nằm gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cây xăng này không chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Trong khi bạn tôi không mang theo tiền mặt, dù đã dắt bộ một đoạn dài trong tình trạng khẩn cấp, nhân viên cây xăng vẫn từ chối mọi hình thức thanh toán số như mã QR hay chuyển khoản.
Tình huống chỉ được giải quyết khi một tài xế công nghệ có mặt gần đó đồng ý quét mã QR giúp để đổi lấy tiền mặt cho bạn tôi thanh toán.
Sự cố nhỏ nhưng phản ánh vấn đề lớn: trong khi nhiều hệ thống xăng dầu đã sớm triển khai thanh toán không tiền mặt và mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng, thì vẫn còn những đơn vị chưa theo kịp xu thế, dẫn đến bất tiện và phiền toái không đáng có.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu. Việc thực thi Nghị định 181 không thể chỉ trông chờ vào sự tự nguyện từ người dân hay sự chủ động từ một vài doanh nghiệp. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài rõ ràng, đặc biệt với các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, giao thông và năng lượng.
Nếu người dân đã sẵn sàng thanh toán 80% giao dịch bằng hình thức không tiền mặt, thì 20% còn lại sẽ trở thành rào cản nếu vẫn còn những doanh nghiệp tiếp tục “nói không” với thanh toán số. Những “mắt xích chậm” như trên cần được nhắc nhở, hỗ trợ hoặc xử lý phù hợp, để đảm bảo mục tiêu chuyển đổi toàn diện mà cả quốc gia đang hướng tới không bị gián đoạn.
Thúy Vũ
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-chuyen-mot-cay-xang-tu-choi-hinh-thuc-chuyen-khoan-post861633.html