Từ cợt nhả đến nội dung độc hại

Từ cợt nhả đến nội dung độc hại
9 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, phía dưới các hình ảnh đội ngũ hào hùng, không ít bạn trẻ đã bình luận quá trớn (mà ngôn từ trên mạng gọi đó là cợt nhả), một cách không thể chấp nhận được.
Một hình ảnh đẹp trong sự kiện Đại lễ kỷ niệm 30-4 ngày 30-4-2025
Các bình luận khiến người xem đỏ mặt bức xúc, khi vô tư gọi các khối diễu binh nam là “chồng ơi”, “ông xã”, hay các cựu chiến binh là “khối không sợ ai”… Hình ảnh kèm video và các bài viết cợt nhả kiểu này nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội, thậm chí có những video đạt triệu view (lượt xem) chỉ trong 1 ngày đăng tải.
Trước cách đùa kém duyên thậm chí có phần xúc phạm người khác này, không ít người dùng lên tiếng chỉ trích.
Nguyễn Phan Hữu Tuấn (32 tuổi, kỹ sư xây dựng, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Các nội dung này lan tỏa nhanh bởi người dùng hưởng ứng liên tục qua các bài viết, hình ảnh, video. Nhiều nội dung như thế này đăng tải liên tiếp, thì thuật toán của nền tảng mặc định đó là nền tảng thịnh hành và đưa lên top nội dung hàng đầu. Vì vậy muốn ngăn chặn phải từ ý thức người dùng, đùa một cách kém duyên như vậy trong ngày đại lễ của dân tộc thì rất đáng xấu hổ, vì trên mạng không chỉ có chúng ta, mà cộng đồng quốc tế cũng nhìn thấy, từ đó họ sẽ có cái nhìn về đánh giá chúng ta không mấy hay ho”.
Và thay vì chia sẻ niềm tự hào trong sự văn minh khi góp ý một cách nhã nhặn điều hay và chưa hay cùng nhau, một bộ phận bạn trẻ tiếp tục tạo ra những tranh cãi không đáng có, khi đưa ra so sánh giữa các ca sĩ hát các ca khúc trong ngày đại lễ.
Thậm chí, trong khi các ca sĩ trong cuộc đều vui vẻ chia sẻ niềm hạnh phúc khi mỗi người có cách thể hiện, truyền cảm riêng, thì cộng đồng mạng vẫn không ngừng khen chê một cách cực đoan đến tiêu cực.
Toxic (được hiểu là nội dung độc hại) trên mạng xã hội, vẫn len lỏi như một trào lưu với một bộ phận người dùng trẻ. Bất kỳ sự kiện thời sự, nội dung hay hình ảnh nào đang nằm ở vị trí top thịnh hành, luôn có một bộ phận tài khoản sẵn sàng lao vào soi mói, tìm mọi cách để làm xấu xí, méo mó những thông điệp tích cực. Và sóng sau luôn cao hơn sóng trước, khi nội dung này qua đi đến nội dung khác, mức độc hại từ các bình luận lại tăng gấp bội.
Sự văn minh trên các nền tảng mạng xã hội không thể và không chỉ phụ thuộc vào quy định của tiêu chuẩn cộng đồng mà mỗi nền tảng đặt ra, hơn hết nó phụ thuộc vào ý thức, từng lượt like (thích), chia sẻ và mỗi nội dung người dùng viết ra, để mạng xã hội cũng là một hình thái xã hội đầy đủ văn minh, văn hóa giữa người dùng với nhau.
THIÊN BÌNH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tu-cot-nha-den-noi-dung-doc-hai-post793616.html