Từ cử nhân Sinh học... đến chủ vườn si rô độc đáo tại Ninh Thuận

Từ cử nhân Sinh học... đến chủ vườn si rô độc đáo tại Ninh Thuận
2 giờ trướcBài gốc
Hành trình “chinh phục” cây si rô của cử nhân trẻ
Chị Uyên Trinh sinh ra và lớn lên tại vùng Ninh Sơn, Ninh Thuận, là cựu sinh viên ngành Sinh học - chuyên ngành Sinh lý thực vật, tốt nghiệp vào năm 2011 (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM). Ấp ủ nhiều hoài bão với nông nghiệp hữu cơ, sau tốt nghiệp, nữ cử nhân quyết định về công tác tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố. Thời điểm đó, việc tiếp xúc và phát triển giống cây lạ, đồng thời ứng dụng phương pháp hữu cơ tiên tiến cho vườn nhà là điều vô cùng rủi ro, theo quan điểm của nhiều nông dân. Từ nỗi bận tâm đó, gia đình và bạn bè chị Uyên Trinh đã không ủng hộ dự án trồng si rô “non trẻ”, nhất là khi giống cây chỉ mới được chị trồng thử một lần tại Viện Nghiên cứu.
Sau nhiều lần “thủ thỉ” với ba về việc trồng cây si rô hữu cơ nhưng bị từ chối, chị Uyên Trinh đã nhờ hàng xóm trồng giúp một cây, với hy vọng thuyết phục được gia đình. Kết quả, cây si rô “nhờ trồng” đó đã thành công sai trái, chị cũng được ba an tâm cho trồng thử tại vườn nhà. “Kể ra thì đơn giản nhưng quá trình đó lại mất tận 2 năm”, chị Uyên Trinh nhớ lại.
Mứt si rô làm từ trái tươi, lược bỏ hột và ngào với đường phèn để có vị thanh dịu. (Ảnh: Như Quyên)
Khí hậu khô hanh của Ninh Thuận đã tạo môi trường khá thuận lợi cho quá trình trồng và chăm sóc hữu cơ vườn si rô. Tuy nhiên, vườn si rô đỏ vừa lên giống hơn 100 cây lại phải trải qua 3 năm “im ắng” vì dịch bệnh, sau đó mới được chị Uyên Trinh nghiên cứu để thương mại hóa. Vì về cơ bản, trái si rô tươi khó ăn liền được như táo hay nho, nên cần phải chế biến ra thành phẩm, cụ thể là mứt và nước si rô với độ ngọt hài hòa, thanh dịu hơn. Để có được thành quả như hiện tại, chị Uyên Trinh đã tự nghiên cứu, tham gia thêm các câu lạc bộ khởi nghiệp, nữ doanh nhân, nông dân… để tìm cách giúp trái si rô dễ bán hơn. Hơn một năm tìm tòi, thử - sai - sửa, với nhiều cách khác nhau, chị đã có được công thức cho ra nước và mứt si rô thơm ngon, giữ được hương vị tự nhiên mà vẫn bảo quản đủ lâu để giao hàng cho các khách ở xa.
Nước si rô có màu đỏ thẫm rất đẹp mắt. (Ảnh: Như Quyên)
Trái si rô cứ thế âm ỷ “bén duyên”, đồng hành cùng cử nhân Sinh học trẻ ngày nào xuyên suốt qua 8 năm. Nhìn dáng vẻ nỗ lực, yêu mến vườn si rô ấy của chị, gia đình và bạn bè cũng đã thuận lòng mà ủng hộ chị hết mình. Hiện tại, ba chị Trinh còn là người thường xuyên hỗ trợ chị tiếp đón khách hàng tại vườn. “Nhiều lúc, khách đông, ba tôi không có thời gian làm việc khác mà chỉ lo nước, mứt si rô và trò chuyện cùng khách là đã hết ngày”, chị vui vẻ kể lại.
Những trăn trở khi là người đổi mới
Theo chị Uyên Trinh, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đến khi bắt đầu có những suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất đối với chị chính là việc thay đổi tư duy của người nông dân. Nhiều năm gắn bó với phương pháp truyền thống, các hộ dân nơi đây khá e ngại khi chuyển sang trồng si rô theo hướng hữu cơ, vì nhiều lý do về năng suất, sâu bệnh... “Tuy nhiên, nếu vì sợ mà quay về trồng theo hướng truyền thống, trái si rô sẽ có vị nhẫn đắng vì phân, thuốc hóa học; và rồi cũng không thể chế biến thành phẩm ngon và sạch cho thị trường”, chị bày tỏ.
Chị Uyên Trinh và cây si rô ra trái cho vụ mùa mới. (Ảnh: Như Quyên)
Đồng thời, việc điều chỉnh mùa vụ cũng là một thách thức không nhỏ. Khi tất cả các vườn si rô đều cho thu hoạch cùng một lúc, việc chế biến và bảo quản sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Nói về vấn đề này, chị Uyên Trinh chia sẻ thêm: “Tôi đang nghiên cứu về cách chuyển đổi mùa vụ để có thêm một vụ si rô mới vào đúng dịp Tết. Từ đó, vườn có thể quảng bá sản phẩm sạch của địa phương, đồng thời có thể lan tỏa mạnh hơn về giá trị thực tế của nông nghiệp bền vững”.
Rổ si rô đỏ hồng đẹp mắt khi thu hoạch. (Ảnh: Như Quyên)
Vườn si rô được trồng hữu cơ nên khỏe mạnh, ra trái tươi tốt. (Ảnh: Như Quyên)
Với sự nhiệt huyết và sáng tạo không ngừng, chị Uyên Trinh đã biến một loại cây lạ mắt thành những sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch đến với xứ biển Ninh Thuận. Hành trình 8 năm từ lúc còn là cô cử nhân trẻ bỏ việc về quê khởi nghiệp, đến cô chủ vườn si rô độc nhất của chị Uyên Trinh chính là nguồn cảm hứng lớn cho những ai yêu thích nông nghiệp và muốn khởi nghiệp, đặc biệt là những bạn trẻ.
Tại vườn si rô Nông Trại Đỏ (Lương Cang 1, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) của chị Uyên Trinh, du khách có thể thưởng thức nước và mứt si rô thơm ngon chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp Huyện. Ngoài ra, du khách còn có thể tìm hiểu về quy trình trồng trọt, chế biến tự nhiên với quy tắc hữu cơ chuẩn “3 không”: không phun thuốc hóa học, không phân bón hóa học, không phun thuốc diệt cỏ.
Kim Ngân - Anh Thư
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/tu-cu-nhan-sinh-hoc-den-chu-vuon-si-ro-doc-dao-tai-ninh-thuan-post1678090.tpo