Nằm ở phía bắc, sau cung Khôn Thái, điện Kiến Trung là một trong năm công trình kiến trúc lớn nằm trên trục thần đạo trong Tử Cấm Thành (Huế).
Điện Kiến Trung năm 1928. Nguồn: AAVH.
Công trình kiến trúc mang dấu ấn Khải Định
Công trình này là hợp thể phong cách giữa Á và Âu, bao gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Italy và kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Điểm nhấn là nghệ thuật khảm sành sứ các hoa văn trang trí. Hệ thống cửa được sơn rực rỡ với tông màu đỏ, vàng.
Điện Kiến Trung là nơi làm việc, sinh hoạt của vua Khải Định và sau là tư cung của vua Bảo Đại. Nơi đây từng chứng kiến nhiều sự kiện mang tính lịch sử như vua Khải Định băng hà (ngày 06/11/1925), Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Thái tử Bảo Long (04/01/1936), cuộc tiếp xúc đầu tiên của vua Bảo Đại với phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bàn về việc thoái vị (29/08/1945)...
Theo sách Vua Khải Định - Hình ảnh & Sự kiện (1916-1925) của tác giả Võ Hương An (con của Võ Văn Lang, Nhất đẳng Thị vệ cuối cùng của triều Nguyễn), điện Kiến Trung được xây trên nền cũ của Lầu Minh Viễn. Đến thời vua Thiệu Trị, lầu được đổi tên là điện Cao Minh Viễn Chiếu. Đến thời vua Tự Đức, công trình này bị triệt hạ năm 1876 do hư hại nặng.
Đến năm 1915, trên nền đất cũ của lầu Minh Viễn xưa, người ta cho xây ngôi nhà một tầng bằng vật liệu mới với tiện nghi mới (điện, nước, nhà vệ sinh, phòng tắm), làm chỗ ở cho vua Duy Tân. Công trình này xây theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Auclair, hội viện Hội đô thành hiếu cổ và xây cất chỉ trong 5 tháng thì xong và được vua Duy Tân đặt tên là lầu Du Cửu.
Tháng 5/1916, chính biến xảy ra, vua Duy Tân bị phế truất, vua Khải Định lên thay. Theo Đại Nam thực lục, Chính biên đệ thất kỷ (Cao Tự Thanh dịch), khi vua Khải Định vừa lên ngôi thì vẫn ở tại lầu Du Cửu và ông ban sắc đổi tên thành điện Kiến Trung và tu bổ qua loa.
Năm 1921, vua Khải Định cho phá dỡ toàn bộ điện Kiến Trung cũ (trước là lầu Du Cửu), cho xây dựng mới lại. Bản tư trình của Bộ Hộ ngày 21/1 năm Khải Định 7 (1922) cho biết về việc trích tiền tu bổ điện Thái Hòa và điện Kiến Trung, theo đó điện Kiến Trung tu bổ hết 6 vạn đồng.
Tháng 12/1922, xây thêm đình bát giác phía trước điện Kiến Trung. Đến tháng 4/1923 thì điện Kiến Trung xây mới lại hoàn thành.
Diện mạo điện Kiến Trung sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tư cung của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu
Theo sách Vua Khải Định - Hình ảnh & Sự kiện (1916-1925), điện Kiến Trung là một tòa lầu hai tầng kể cả tầng trệt xây trên một nền cao, cao hơn tất cả các kiến trúc khác trong Đại Nội, ngoại trừ lầu Tứ Phương Vô Sự ở trên đài Bắc Khuyết, cạnh cửa Hòa Bình.
Có ba bậc cấp cao và rộng, dẫn lên một cái sân rộng và dài, lát gạch ca-rô của Pháp rồi mới tới cái nền chính của điện. Tuy trên nóc và bốn quyết vẫn còn trang trí rồng chầu, rồng cuộn, hai bên các bậc cấp lên xuống vẫn còn tạc hình rồng và kỳ lân giữ lối nhưng lối trổ khung cửa sổ, các cột trụ ốp mặt ngoài, rõ ràng là ảnh hưởng của Châu Âu.
Cột thu lôi, cửa sổ cao rộng với bên trong là cửa kính, bên ngoài cửa lá sách, sáo gỗ che nắng, máng xối và ống xối dẫn nước bằng thiếc... là những phương tiện kiến trúc mới, du nhập từ phương Tây. Ảnh hưởng kiến trúc phương Tây hoàn toàn chế ngự trong việc sắp xếp phòng ốc nội thất.
Cũng theo sách Vua Khải Định - Hình ảnh & Sự kiện (1916-1925), trước kia, các vua nhà Nguyễn ăn tại điện Cần Chánh và làm việc tại điện Càn Thành (hay điện Văn Minh, tùy vua). Tuy nhiên, với tiện nghi mới (điện nước, nhà vệ sinh, tiện nghi làm việc) nên điện Kiến Trung được sử dụng cả hai mục đích trên
Ngoài đại sảnh, còn có phòng khách, phòng làm việc của vua, phòng ăn, phòng ngủ, phòng giải trí, phòng để dụng cụ thể thao, cả phòng hớt tóc, phòng giặt ủi, nhà bếp với kiểu lò bếp Tây chứ không phải bếp kiềng ba chân như cách cổ truyền. Do đó, khi vua Bảo Đại lập gia đình, tất cả vợ chồng con cái đều sống tập trung trên lầu điện Kiến Trung chứ không phân tán ở các cung các điện như thời các vua trước.
Châu bản triều Nguyễn còn ghi chép lại vào ngày 10 tháng 2 hàng năm, vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu mặc áo hoàng bào, đóng khăn xếp màu vàng ngự tại phòng tiếp tân tại điện Kiến Trung để đình thần làm lễ chúc mừng tam khấu, khâm sứ Pháp cũng đến chúc mừng.
Điện Kiến Trung cùng điện Càn Thành, điện Cần Chánh và nhiều cung điện khác trong Đại Nội bị hạ giải hoàn toàn vào cuối năm 1946 trong chính sách tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau 72 tồn tại dưới hình hài một phế tích, năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Sau 5 năm phục hồi và tôn tạo, di tích điện Kiến Trung đã hoàn thiện và chính thức đưa vào khai thác, giới thiệu đến nhân dân.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những giá trị lịch sử, điện Kiến Trung còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc và mĩ thuật vì nó có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Minh Châu