Từ đề thi tiếng Anh nghĩ về chiến lược 'quốc gia song ngữ'

Từ đề thi tiếng Anh nghĩ về chiến lược 'quốc gia song ngữ'
6 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, đề thi buộc mọi người quan tâm hơn đến những vấn đề phát triển bền vững. Và rộng hơn, đó là năng lực tiếng Anh của nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển mới.
Chỉ số thông thạo tiếng Anh (EPI) của người Việt đang có khoảng cách với nhiều nước châu Á có nền giáo dục tiên tiến, theo khảo sát của tổ chức Education First (EF) có trụ sở chính tại Thụy Sỹ. Từ 500-549 điểm trở lên được EF xếp là trung bình và thứ hạng của Việt Nam xoay quanh dưới ngưỡng này.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại TPHCM. Ảnh: N.K
Năm 2022 đạt 486 điểm (mức độ thấp), năm 2023 tình hình cải thiện hơn một chút với 505 điểm (trung bình). Với 498 điểm trong năm 2024, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đứng hạng 63/116 trên toàn cầu, ngang với Ethiopia và thua Iran 1 điểm, thua Bangladesh 2 điểm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bỏ xa ba nền kinh tế chính của châu Á là Ấn Độ (490 điểm, hạng 49), Trung Quốc (455 điểm, hạng 91) và Nhật Bản (454 điểm, hạng 92).
EF ghi nhận trình độ tiếng Anh của châu Á suy giảm nhiều nhất trong năm 2024 so với năm trước đó, phần lớn là tại Ấn Độ và phần nào là Trung Quốc.
Ở châu Á, Việt Nam xếp thứ 8 sau Singapore (rất cao), Philippines và Malaysia (cao), Hồng Kông, Hàn Quốc, Nepal và Bangladesh (đều thuộc nhóm trung bình). Ở Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng 4.
Tiếng Anh từ lâu đã trở thành một tiêu chí để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Năm 2019, Đài Loan đã đặt ra mục tiêu là nền kinh tế song ngữ vào năm 2030 nhằm nâng cao vị thế là trung tâm tài chính, ngân hàng ở châu Á của hòn đảo. Một năm sau, có 69 ngân hàng tham gia sáng kiến này. Một vài ngân hàng đi đầu nói sẽ cung cấp các dịch vụ bằng cả tiếng Hoa và tiếng Anh ở tất cả chi nhánh từ đầu năm 2026. Đây cũng là những ngân hàng năng nổ trong mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Để thực hiện “tham vọng song ngữ”, Đài Loan đã gia tăng tuyển dụng các giáo viên tiếng Anh người nước ngoài.
Cùng lúc tại Nhật Bản, năm 2020 cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đề ra kế hoạch phát triển nhằm giành vị trí trung tâm tài chính quốc tế. Theo đó, ba thành phố lớn Tokyo, Osaka, Fukuoka và hai thành phố nhỏ hơn là Sapporo và Hokkaido sẽ cạnh tranh với nhau để được chính phủ trung ương ưu tiên đầu tư. Các kế hoạch hành động của năm thành phố trên có điểm chung là tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực thông thạo Anh ngữ. Riêng thị trường chứng khoán Tokyo (TSE) yêu cầu các công ty niêm yết thực hiện các báo cáo song ngữ bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.
Trình độ tiếng Anh của nguồn nhân lực cũng giúp Philippines vượt qua Ấn Độ, giành nhiều hợp đồng trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh thuê ngoài (BPO) hay trung tâm gọi điện (call centre) từ các công ty lớn ở các nước nói tiếng Anh. Ngành công nghiệp này đem lại nguồn ngoại tệ khổng lồ 30-35 tỉ đô la mỗi năm cho xứ đảo.
Tiếng Anh từ lâu đã trở thành một tiêu chí để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Khoảng 20 năm trước, một doanh nhân Việt kiều Canada đã mở một trung tâm call centre tại TPHCM, nhưng đã sớm đóng cửa vì không đủ nhân viên giỏi tiếng Anh.
Tình hình có vẻ “ngon ăn” hơn trong thời gian gần đây, với nhiều công ty nước ngoài và Việt Nam phục vụ thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, TDCX - một BPO có trụ sở chính ở Singapore - đã mở văn phòng tại TPHCM, với khách hàng từ nhiều nước trên thế giới. BellSystem24 Vietnam là liên doanh Việt - Nhật cung cấp dịch vụ BPO và call centre đa ngôn ngữ. Có thể kể thêm Transcosmos Vietnam, Innovature BPO, DIGI-TEXX…
Khác mảng trên, một startup công nghệ giáo dục Việt Nam cung cấp cho Singapore Airlines nền tảng kiểm tra thường xuyên trình độ Anh ngữ của đội ngũ tiếp viên và nhân viên của hãng bay.
Đề thi tiếng Anh tuần rồi không chỉ gợi mở về đổi mới trong tư duy giảng dạy và đào tạo tiếng Anh. Đó còn là câu hỏi về đào tạo nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế hay phát triển các ngành công nghệ cao. Và rộng hơn là chiến lược “quốc gia song ngữ” mà nhiều nước láng giềng đang đeo đuổi.
Song Hảo
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/tu-de-thi-tieng-anh-nghi-ve-chien-luoc-quoc-gia-song-ngu/