Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có xu hướng tăng số lượng câu hỏi vận dụng thực tế, kỹ năng xử lý tình huống, phân tích dữ liệu thay vì chỉ kiểm tra lý thuyết thuần túy. Bài học thực tiễn từ kỳ thi năm nay cho thấy nhà trường, giáo viên cần chuẩn bị từ sớm, từ xa để thí sinh thích ứng tốt nhất các kỳ thi sau.
Thay đổi cách học và ôn tập
Nhận định của thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cái Răng, Cần Thơ), những đổi mới của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể khiến nhiều thí sinh chưa quen cách học theo năng lực bị bất ngờ. Tuy nhiên, đây là chìa khóa thành công cho việc thay đổi tư duy học tập, chuyển từ học để ghi nhớ kiến thức sang hình thành năng lực và kỹ năng - học thật, thi thật, năng lực thật.
Chương trình mới không yêu cầu học sinh nhớ máy móc mọi chi tiết, mà cần hiểu sâu sắc bản chất vấn đề, biết cách liên kết kiến thức và vận dụng vào thực tế. Thay vì chỉ học thuộc lòng lý thuyết, công thức Vật lí, Công nghệ, các em cần hiểu công thức đó mô tả hiện tượng gì, công nghệ đó vận dụng ra sao trong đời sống hàng ngày.
“Học sinh lứa 2K8 cần thay đổi cách học và ôn tập từ bây giờ”. Nhấn mạnh điều này, theo thầy Trang Minh Thiên, việc đầu tiên là cần làm quen với dạng thức mới. Cụ thể, đề thi tốt nghiệp năm 2025 có thêm dạng câu hỏi đúng/sai, trả lời ngắn, đòi hỏi sự chắc chắn và chính xác cao độ.
Với các môn tự chọn, thay vì học dàn trải, học sinh hãy chọn những môn mình có thế mạnh và đầu tư học sâu, hiểu kỹ, liên kết kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề trong thực tế đòi hỏi kiến thức tổng hợp. Ví dụ, một vấn đề môi trường có thể liên quan đến cả Sinh học, Hóa học và Địa lí…
Cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc - giáo viên Toán, Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên) cùng quan điểm với nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực toàn diện. Việc chuẩn bị không thể chỉ bắt đầu từ lớp 12, mà cần vào cuộc sớm từ lớp 10, 11. Sự chủ động của học sinh trong tự học và định hướng đúng từ nhà trường sẽ là yếu tố quyết định để các em vượt qua kỳ thi một cách tự tin, hiệu quả.
Về phía giáo viên, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc cho rằng, thầy cô cần hướng dẫn, định hướng giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và phát triển năng lực toàn diện. Đề thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 hướng đến đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, không chỉ kiểm tra ghi nhớ máy móc. Do đó, học sinh phải chắc kiến thức cơ bản, hiểu bản chất, rèn kỹ năng phân tích, tổng hợp, tư duy logic và giải quyết vấn đề.
Với môn Toán, đề gồm nhiều bài toán thực tế, nên câu văn dài và nhiều chữ, làm cho học sinh không nhớ, lan man, không tóm tắt được đề. Vì vậy, các em cần rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, đọc hiểu, tóm tắt được nội dung bài toán; từ đó mới tư duy, định hướng được cách giải quyết và tiết kiệm thời gian.
“Ngay từ lớp 10, giáo viên nên cho học sinh tiếp cận dần các đề thi tham khảo hoặc đề thi minh họa theo định hướng đánh giá năng lực, đặc biệt những câu hỏi tích hợp liên môn, thực tiễn.
Cần lưu ý, việc học tủ, học thuộc lòng, học mẹo không còn phù hợp. Học sinh được yêu cầu rèn tính chủ động, học toàn diện các phần trong chương trình, không bỏ qua phần nào vì đề thi bao phủ rộng nội dung kiến thức, không theo đúng như dạng câu trong đề minh họa.
Việc khai thác các nguồn tài liệu trên mạng, sách tham khảo; đăng ký các khóa học online của các cơ sở uy tín… cũng là điều giáo viên nên khuyến khích học trò”, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc lưu ý thêm.
Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên). Ảnh: NTCC
Chuẩn bị từ sớm, từ xa
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đưa vào nhiều tình huống thực tế (giao tiếp, xã hội, môi trường, văn hóa...). Học sinh cần được rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, phân tích, liên hệ (đặc biệt với môn Ngữ văn).
Đưa nhận định trên, ông Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Thanh An, Điện Biên) cho biết, để chuẩn bị cho học sinh trước kỳ thi năm sau, nhà trường chủ động 5 giải pháp: Xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập từ sớm; tập huấn giáo viên về phương pháp dạy học phát triển năng lực; tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng đổi mới; xây dựng kế hoạch ôn tập nhiều giai đoạn; tư vấn định hướng cho học sinh và phụ huynh.
Cụ thể, đầu năm học, nhà trường tổ chức rà soát chương trình, hướng dẫn các tổ chuyên môn điều chỉnh nội dung dạy học theo định hướng đề thi; từ đó có kế hoạch dạy học sát đối tượng, chương trình. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dạy học theo chương trình mới để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng thiết kế câu hỏi, bài tập dạng mới, câu hỏi mở, liên môn.
Thầy cô cũng được yêu cầu nắm chắc ma trận đề thi, cấu trúc, mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); xây dựng nhiều đề theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT cho cả học sinh lớp 10, 11, 12 để các em được làm quen, rèn luyện. Bài kiểm tra giữa kỳ, cuối học kỳ cho cả 3 khối sẽ theo định dạng đề thi mới, giúp học sinh không bỡ ngỡ. Tổ chức các kỳ thi thử, kiểm tra học kỳ theo hướng vận dụng, tránh học thuộc lòng máy móc.
“Trường THPT huyện Điện Biên xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT theo nhiều giai đoạn và bắt đầu từ lớp 11 (kiến thức nền tảng); lớp 12 (rèn đề, phân loại nhỏ từng đối tượng, ôn theo năng lực học sinh). Quan tâm tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp và chọn tổ hợp môn phù hợp năng lực của học sinh, tránh lựa chọn cảm tính. Khâu này phải làm tốt ngay từ khi học sinh bước vào lớp 10”, ông Trần Huy Hoàng chia sẻ.
Tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Xuân, Vĩnh Long), Hiệu trưởng Trần Quang Huy thông tin đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để học sinh không bỡ ngỡ, bị động với đề thi đổi mới. Theo đó, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký 2 môn thi tự chọn từ cuối năm lớp 11, từ đó các em có sự chuẩn bị học tập cho năm sau. Ưu tiên phân công giáo viên năng lực chuyên môn tốt giảng dạy các lớp có nhiều học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp. Tổ chức tập huấn cho giáo viên về chương trình thi mới, giúp thầy cô cập nhật phương pháp giảng dạy phù hợp.
Nhà trường sẽ tổ chức hội nghị ôn thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá rút kinh nghiệm kỳ thi năm 2025 và đề ra định hướng ôn thi năm sau phù hợp với tình hình thực tế. Công tác ôn tập được triển khai từ sớm để học sinh có thời gian làm quen với nội dung, cấu trúc đề thi. Khuyến khích học sinh tham gia các buổi thảo luận, học nhóm, trao đổi kiến thức và giải quyết vấn đề, tạo môi trường học tập tích cực.
Các em cũng sẽ được hướng dẫn cách tự học hiệu quả, sử dụng tài liệu và công nghệ hỗ trợ học tập. Qua các bài kiểm tra định kỳ, thi thử, nhà trường đánh giá được sát năng lực học sinh, từ đó có kế hoạch cải thiện cho từng em.
Học sinh đồng thời được cung cấp các đề thi mẫu để làm quen với dạng câu hỏi, thời gian làm bài; tham gia các buổi tư vấn tâm lý để giải tỏa áp lực và bỡ ngỡ trước kỳ thi; được cung cấp thông tin về ngành học, trường đại học để lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, nhu cầu xét tuyển đại học - cao đẳng. Những biện pháp tổng thể này sẽ giúp học sinh tự tin, sẵn sàng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2026.
Từ đầu lớp 12, thậm chí cuối lớp 11, nhà trường cần tổ chức khảo sát đầu vào, phân loại học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập cá nhân hóa, bám sát định hướng đề mới; xây dựng chương trình ôn tập, tài liệu ôn tập phù hợp với Chương trình GDPT 2028. Giáo viên cần được tập huấn sâu về đặc trưng đề thi theo chương trình mới, không chỉ trong nội dung mà cả phương pháp dạy học định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Tổ chức các đợt thi thử, kiểm tra đánh giá định kỳ để học sinh làm quen với áp lực phòng thi, rèn kỹ năng làm bài; có phân tích chi tiết để học sinh rút kinh nghiệm. Với thay đổi lớn của chương trình, đề thi, nhiều học sinh có thể lo lắng, hoang mang. Do đó, việc hỗ trợ tâm lý, tạo niềm tin và động lực là yếu tố quan trọng bên cạnh học thuật. - Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên)
Hiếu Nguyễn