Tư duy và hành động sáng tạo phát triển đô thị Hà Nội

Tư duy và hành động sáng tạo phát triển đô thị Hà Nội
3 ngày trướcBài gốc
Tháng 7/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định thành lập chế độ Kiến trúc sư trưởng tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2002, thực hiện các định hướng của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP quyết định tổ chức thành Sở QH-KT Hà Nội, cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành quy hoạch, kiến trúc trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Góp sức kiến tạo đô thị hiện đại, văn minh
Hơn 30 năm thành lập Văn phòng Kiến trúc sư trưởng và 20 năm thành lập và phát triển Sở QH-KT Hà Nội cũng là thời kỳ phát triển đô thị mạnh mẽ nhất của Thủ đô gắn với việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định 108/QĐ-TTg năm 1998; mở rộng địa giới hành chính năm 2008 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo QĐ 1259/QĐ-TTg năm 2011.
Hà Nội định hướng trở thành đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Đây cũng là thời kỳ mà diện mạo mới, hiện đại của Thủ đô từng bước được hình thành, những ý tưởng và nền móng về quy hoạch kiến trúc trong các đồ án quy hoạch được phê duyệt dần trở thành hiện thực.
Hà Nội hôm nay là TP của những đại lộ, đường vành đai, đường trên cao, cầu vượt sông rộng thênh thang; các tuyến đường sắt đô thị đã và sắp đi vào hoạt động; những công trình cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn tầm cỡ quốc tế; những khu đô thị thông minh, hiện đại, chất lượng cao so với khu vực và quốc tế; những công viên hồ nước mướt xanh mới được xây dựng, những trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Trụ sở Quốc hội, Bảo tàng lịch sử,… đang trở nên thân quen với người dân Thủ đô.
Bên cạnh đó việc bảo tồn và phát huy giá trị của các không gian đô thị, nông thôn cổ kính và truyền thống ngày càng được chú trọng. Không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và cộng đồng cuối tuần của đông đảo người dân Hà Nội và khách du lịch… Hà Nội đang vươn mình hướng tới một đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại và phát triển bền vững.
Để có sự phát triển mạnh mẽ của đô thị Hà Nội hôm nay là sự góp sức của nhiều cấp, ngành, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những thế hệ người làm quy hoạch, kiến trúc đầy tâm huyết. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, nhiều lớp cán bộ đã và đang tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực quy hoạch kiến trúc của Thủ đô.
Nhiều đồ án, dự án, đề án quy hoạch đô thị và nông thôn lớn đã được lập, phê duyệt và triển khai vào thực tiễn như: quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (1998, 2011); quy hoạch mạng lưới hạ tầng đô thị; quy hoạch chi tiết các quận huyện (1998 - 2011); hàng chục quy hoạch phân khu tại đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, quy hoạch chung các đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn, Phú Xuyên và các thị trấn; quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; các quy chế quản lý; dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các khu tập thể cũ; chương trình phát triển đô thị Hà Nội; các đề án xây dựng các cầu vượt sông Hồng: Nhật Tân, Tứ Liên, Thanh Trì, Trần Hưng Đạo,…
Đặc biệt, ngành quy hoạch, kiến trúc cũng đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực vào xây dựng Luật như: Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật sửa đổi các luật theo Luật Quy hoạch, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở,… và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Khẳng định vai trò đi trước mở đường
Trong báo cáo chính trị của Thành ủy Hà Nội trình các kỳ Đại hội Đảng bộ toàn quốc và TP luôn đặt công tác quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn vào vị trí quan tâm hàng đầu và luôn đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, triển khai sớm hơn một bước để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Một góc đô thị Hà Nội hôm nay.
Có thể nói, trong hơn 30 năm qua các việc lớn liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô đều có sự tham gia của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở QH-KT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội với tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, gắn kết với các hoạt động Hội nghề nghiệp (Hội Quy hoạch phát triển đô thị; Hội Kiến trúc sư) và các trường đại học, các nhà khoa học, các chuyên gia,… để phát huy nội lực, bổ sung nguồn năng lượng mới cho các hoạt động chuyên môn và quản lý, gắn kết giữa quy định và thực tiễn.
Với sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP đối với mỗi ngành để thực hiện Luật Thủ đô 2024 có những đặc thù và yêu cầu riêng. Ngành quy hoạch, kiến trúc đã tập trung cao và góp phần không nhỏ để thực hiện những vấn đề, nhiệm vụ lớn như: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội đến năm 2035, phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng: nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065.
Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đặt ra đối với Thủ đô trong thời kỳ mới, đặc biệt liên quan đến ngành quy hoạch, kiến trúc đó là đóng góp cho lĩnh vực phát triển đô thị và nông thôn của Thủ đô theo hướng xanh, thông minh, hiện đại và bản sắc; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) với các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Bước vào giai đoạn phát triển mới và được sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tin tưởng rằng ngành quy hoạch, kiến trúc Thủ đô sẽ tiếp nối truyền thống với tầm nhìn rộng mở, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô bằng tư duy và hành động sáng tạo, tiên phong đổi mới, khắc phục nhanh các mặt còn tồn tại, hạn chế và tự tin bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ths. KTS Lã Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tu-duy-va-hanh-dong-sang-tao-phat-trien-do-thi-ha-noi.html