Bởi cũng lâu rồi, để dành ngân sách cho nhiệm vụ an sinh xã hội nên chúng ta không tổ chức diễu binh, diễu hành vào ngày chiến thắng, ngày thành lập nước; thậm chí cũng không bắn pháo hoa những dịp kỷ niệm là năm lẻ.
Nhưng năm này thì khác, 50 năm - nửa thế kỷ từ ngày quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, Đảng, Nhà nước mới quyết định tổ chức kỷ niệm ngày đất nước thống nhất lớn như vậy, với màn diễu binh, diễu hành tại thành phố mang tên Bác. Với những người đi qua cuộc chiến kéo dài gần 21 năm thì đây là dịp để nhớ về những ngày gian lao mà anh dũng; là dịp để tri ân đồng đội đã ngã xuống vì bình yên cuộc sống. Còn với thế hệ trẻ đây là dịp để họ hiểu thêm về thế hệ cha ông; hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong giới trẻ. Có rất nhiều những lý do để chúng ta càng nên tổ chức diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngày này, hình ảnh các chiến sĩ đủ các binh chủng được ống kính nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên ghi lại trong những buổi tập luyện dưới cái nắng nóng miền Nam đã cho thấy một không khí vui tươi, phấn khởi và hồ hởi. Chia sẻ cảm xúc với báo giới, Bảo Chinh - sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cho biết: "Được tham gia vào lễ diễu binh trọng đại này là một vinh dự lớn đối với tôi. Việc tập luyện rất vất vả, đôi khi ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, song nhờ có sự động viên của thầy cô, gia đình và đồng đội, tôi đã vượt qua tất cả. Đây là một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi".
Còn với cựu binh thành cổ Quảng Trị Trần Văn Thanh (76 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An) - người quyết định lái xe máy vượt gần 1.400km vào TPHCM để kịp dự lễ diễu binh mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì hành trình về thành phố mang tên Bác là để tri ân đồng đội đã nằm lại trên chiến trường để có ngày thống nhất hôm nay và còn để tận mắt chứng kiến sự thay đổi của đất nước sau nửa thế kỷ hòa bình.
Ở thành phố mang tên Bác, nhiều người cũng bày tỏ “khi thấy đoàn diễu hành với cờ hoa rực rỡ và đội hình chỉnh tề, tôi thật sự xúc động" hay “Dù trời có lúc mưa nhẹ nhưng gia đình vẫn rất phấn khởi. Đây là dịp đặc biệt 50 năm mới có một lần, vì thế tôi chuẩn bị cả đồ ăn và mang theo bạt để trải ra nghỉ ngơi trong lúc chờ xem”, một phụ nữ ở TPHCM bày tỏ.
Những cảm xúc ấy của người dân TPHCM và các vùng miền trên cả nước chính là những cảm xúc thực sự mà với nhiều người 50 năm mới được sống lại - đó là thời khắc huy hoàng khi giọng đọc của phát thanh viên Kim Cúc vang lên vào trưa ngày 30/4/1975 báo tin chiến thắng từ miền Nam, từ TPHCM.
50 năm, một nửa thế kỷ, nhiều cuộc đời đã đi qua và nhiều cuộc đời mới đang hình thành nhưng những gì mà cha ông ta giành được sẽ mãi mãi phải được khắc ghi trong lòng mỗi người dân đất Việt. Và diễu binh, diễu hành cũng chính là cách tái hiện chiến thắng năm xưa khi đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Không thể nói, tổ chức diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa mừng 50 năm thống nhất đất nước là lãng phí vì sau rất nhiều năm, năm nay, chúng ta mới tổ chức diễu binh, diễu hành nhân ngày trọng đại này. Phải chăng đó là cách nói đánh tráo khái niệm; là cách nói hòng muốn nhân dân đặc biệt là giới trẻ quên đi ý nghĩa của ngày thống nhất đất nước. Và, xin đừng quên: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Hoàng Mai