Tự hào cờ đỏ sao vàng tại lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế 2025

Tự hào cờ đỏ sao vàng tại lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế 2025
một ngày trướcBài gốc
Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, nhận huy chương Vàng, Olympic Vật lý Quốc tế 2025.
Dưới ánh đèn sân khấu tại hội trường Centre Supérieur, khi tên Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12 Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, được gọi lên nhận Huy chương Vàng, không chỉ riêng em mà cả đoàn Việt Nam đều không giấu được xúc động. Thế Quân chia sẻ: "Em cảm thấy rất bất ngờ và xúc động. Em thấy rất tự hào khi mang dòng máu Việt Nam, mang màu cờ sắc áo đại diện cho Tổ quốc và lên nhận Huy chương Vàng - điều đó thật quý giá".
Không chỉ giành Huy chương Vàng, Thế Quân còn tạo nên kỳ tích khi đứng thứ 2 toàn giải về bài thi thực hành trong tổng số hơn 400 thí sinh - một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực từng được coi là điểm yếu.
Niềm vui nhân đôi khi Trần Lê Thiện Nhân, đến từ trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế, thành phố Huế, không chỉ nhận Huy chương Bạc mà còn được trao học bổng Thalys danh giá. Em chia sẻ: "Thực sự em rất bất ngờ khi được nhận cả 2 giải thưởng cao quý này cùng một lúc. Học bổng sẽ giúp em có định hướng về tương lai và hỗ trợ lớn cho hành trình du học".
Ba Huy chương Bạc còn lại thuộc về Lý Bá Khôi, Trương Đức Dũng - cùng đến từ trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, và Nguyễn Công Vinh - học sinh trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Ninh.
Ban giám khảo trao huy chương Bạc cho các thí sinh Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Danh Bích - Trưởng đoàn Việt Nam, sự trở lại của những "ông lớn" như đội tuyển Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore sau khi vắng mặt năm trước đã làm cho cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, thành tích của đoàn Việt Nam càng trở nên đáng quý và ý nghĩa. PGS.TS Đỗ Danh Bích khẳng định kết quả 1 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc là rất tốt. Năm nay có 94 đội tham dự, trong đó nhiều đội rất mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã trở lại sau khi vắng mặt năm trước. So với thành tích năm ngoái là 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, tuy có giảm 1 Huy chương Vàng, nhưng với sự cạnh tranh gay gắt như vậy, đây là sự nỗ lực rất lớn của các em.
Theo thầy Đỗ Danh Bích, các thí sinh phải vượt qua 2 bài thi cực kỳ khó khăn trong 2 ngày thi chính thức, gồm 1 ngày thi lý thuyết và 1 ngày thi thực nghiệm, mỗi bài kéo dài đến 5 giờ căng thẳng. Đề thi lý thuyết năm nay đặc biệt khó, nhất là bài số 2 khiến nhiều thí sinh mất điểm. Đáng chú ý, Nguyễn Thế Quân đã xuất sắc đứng thứ 2 toàn giải về bài thi thực hành trong tổng số hơn 400 thí sinh, tạo nên một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong mảng từng được coi là điểm yếu.
Thầy Đỗ Danh Bích chia sẻ tự hào: “Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của các em trong việc khắc phục điểm yếu về thực hành của Việt Nam nhiều năm qua. Hai năm gần đây chúng ta đều có học sinh nằm trong top 2 hoặc top 5 có điểm thực hành tốt nhất”.
Theo thầy Đặng Hồng Quang, Chuyên viên chính, phụ trách Vật lý, Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành công này không chỉ đến từ tài năng của các em học sinh mà còn là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu và khoa học. Để tuyển chọn được 5 học sinh xuất sắc, các em đã phải vượt qua 2 kỳ thi quốc gia theo quy trình chuẩn mực, khách quan và công bằng. Sau khi có đội hình, Bộ Giáo dục và Cục Quản lý Chất lượng đã lên kế hoạch tập huấn với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, thầy cô từ mọi miền đất nước với sự say mê và tâm huyết. Đặc biệt, Ban tổ chức còn mời được một số giáo sư nước ngoài từng đoạt giải Olympic quốc tế dạy trực tuyến cho các em, nhận được phản hồi rất tích cực về hiệu quả.
Thành tích lần này tiếp nối chuỗi kết quả ấn tượng mà các đoàn học sinh Việt Nam đạt được tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông cũng như hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu của Việt Nam.
Nhìn về tương lai, ông Đặng Hồng Quang cho biết: "Cuối năm nay, Cục Quản lý Chất lượng sẽ tổ chức hội thảo về đào tạo học sinh giỏi, đặc biệt chú trọng học sinh đạt chuẩn thi Olympic quốc tế. Chúng tôi sẽ rút ra những bài học quý giá và đề ra kế hoạch tương lai để nâng cao chất lượng. Không chỉ dừng lại ở thành tích mà còn đào tạo các em ở bậc cao hơn để cuối cùng phục vụ cho nhân loại và quê hương Việt Nam".
Năm thí sinh Việt Nam đều đoạt giải ở kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2025.
Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) là cuộc thi vật lý quốc tế uy tín nhất dành cho học sinh trung học. Được thành lập năm 1967, cuộc thi dành cho các nhà khoa học xuất sắc dưới 20 tuổi, những người đam mê nghiên cứu khoa học nhưng chưa đăng ký vào đại học. Mục tiêu chính của IPhO là kiểm tra kiến thức, kỹ năng phân tích, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và năng lực trong lĩnh vực vật lý lý thuyết và thực nghiệm ở trình độ cao nhất có thể.
Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 55 diễn ra từ ngày 17 - 25/7/2025 tại Pháp đã trở thành một cột mốc đặc biệt trong lịch sử IPhO với quy mô kỷ lục, 406 thí sinh xuất sắc đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, con số lớn nhất từ trước đến nay.
Trong các bài phát biểu tại lễ bế mạc, những thông điệp ý nghĩa đã được gửi gắm đến thế hệ trẻ yêu khoa học. Giáo sư Camille Galap, Chủ tịch Đại học Paris-Saclay, nhấn mạnh: "Các em đã chứng minh rằng ngôn ngữ chung không phải là tiếng Anh, hay tiếng Trung, mà chính là khi chúng ta cùng viết ra một lời giải thanh nhã, 'Khoa học không biên giới', các em đã thực sự sống với tinh thần đó". Ông cũng nhắc nhở các em về trách nhiệm: "Những kỹ năng phân tích, tư duy lý thuyết và khả năng giải quyết vấn đề không chỉ cần thiết cho vật lý mà còn để giải quyết các thách thức của thế giới hiện đại".
Bà Xuan Mi Meyer - Phó Chủ tịch CentraleSupelec cũng gửi lời động viên: "Các em là những đại sứ của sự tò mò, nghiêm túc và khám phá. Thế giới cần các nhà khoa học hơn bao giờ hết để giải quyết những thách thức lớn phía trước: khí hậu, năng lượng, sức khỏe, công nghệ. Chúng tôi trông cậy vào những ý tưởng, hiểu biết sâu sắc và động lực của các em."
Còn ông Rajdeep Singh Rawat, Tổng Thư ký Ban tổ chức IPhO dành lời khen ngợi đặc biệt cho ban tổ chức và các thí sinh: "IPhO 2025 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt với kỷ lục 87 đội tham gia và 5 quốc gia quan sát. Tuần qua đầy thách thức trí tuệ, phấn khích mãnh liệt và trao đổi văn hóa sâu sắc sẽ để lại những kỷ niệm không bao giờ quên."
Năm thí sinh Việt Nam đều đoạt giải ở kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2025.
Khi màn đêm buông xuống cao nguyên Saclay và tiếng vỗ tay cuối cùng vang lên trong không gian Centre Supérieur, IPhO 2025 đã khép lại với thông điệp "Vật lý vượt qua biên giới" vẫn vang vọng mãi. Đối với đoàn Việt Nam, những tấm huy chương lấp lánh không chỉ là niềm tự hào của riêng các em mà còn là minh chứng sống động cho tiềm lực và ý chí của giáo dục Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đây chính là động lực to lớn để tiếp tục khẳng định vị thế, góp phần vào sự phát triển khoa học-công nghệ của đất nước trong thời đại mới.
Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/giao-duc/tu-hao-co-do-sao-vang-tai-le-be-mac-olympic-vat-ly-quoc-te-2025-20250725073726489.htm