Tự hào Hà Nội - trái tim của cả nước

Tự hào Hà Nội - trái tim của cả nước
4 giờ trướcBài gốc
Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc của đồng bằng sông Hồng; phía Bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; phía Đông giáp Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên; phía Tây giáp Hòa Bình, Phú Thọ và phía Nam giáp với Hà Nam, Hòa Bình. Ngày trước, vua Lý Thái Tổ đã chọn khu đất Đại La bên sông Tô Lịch để định cư muôn đời. Năm 1010, với suy nghĩ “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa”, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long với ý nghĩa “Rồng bay lên”. “Thăng Long phi chiến địa” với khát vọng hòa bình cho muôn dân nhưng cũng sẵn sàng biến hóa thành “quyết chiến địa” để đấu tranh giành lại bờ cõi, không khuất phục để dân chịu cảnh nô lệ, đất nước mất tự do. Hà Nội là tên gọi chính thức của thủ đô nước Việt Nam sau khi được đổi tên nhiều lần. Hàng nghìn năm qua, trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn, ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son chói sáng đó.
Hồ Hoàn Kiếm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Cách đây 70 năm, sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông. Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!” và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Hà Nội ba lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng các danh hiệu "Thủ đô Anh hùng", "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"...
Trong nhiều năm, kinh tế Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng (đạt 332.089 tỉ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tiếp tục tăng mạnh, đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% và tăng 11,4% (dịch vụ lưu trú tăng 33,4%; dịch vụ ăn uống tăng 9,2%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 43,4%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 108 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 6%. Khách du lịch đến Hà Nội 8 tháng ước đạt 4.052 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn Thành phố xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 33,7 tỷ đồng, đạt 147,6% kế hoạch năm; tặng 1.734 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3%; tu sửa nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 157,3 tỷ đồng, đạt 171%; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí 6,5 tỷ đồng; các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo.
Hà Nội hôm nay đang phát triển từng ngày. Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, để trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” vào năm 2030, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Năm 2024, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII cũng như các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang ra sức phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ công tác năm 2024.
Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
M.T
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/tu-hao-ha-noi-trai-tim-cua-ca-nuoc-3172576.html