Tự hào là quê hương vua Lý Nam Đế

Tự hào là quê hương vua Lý Nam Đế
2 giờ trướcBài gốc
Đền Mục đang được hoàn thiện.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền Mục thờ Lý Nam Đế. Hằng năm, nhân dân thôn Cổ Pháp tổ chức dâng lễ, thờ cúng vào các ngày sinh, ngày mất và ngày xưng đế của ông. Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ hội chính của đền Mục.
Ngày 06/10/2012, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Phổ Yên tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế”. Hội thảo thống nhất kết luận quê hương của Lý Bí là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên).
Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng... Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông như: Cổ Pháp, cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương, Trung Năng, Giã Năng, Giã Thù, Giã Trung…
Năm 2014, Di tích lịch sử chùa Hương Ấp và đền Mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2016, chùa Mãn Tăng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phổ Yên nói riêng, của tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các công trình quan trọng nằm trong quần thể Di tích lịch sử Quốc gia Lý Nam Đế đã bị hư hỏng một phần. Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử liên quan đến quê hương, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của vua Lý Nam Đế đối với dân tộc, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Tu bổ, tôn tạo Di tích đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục)”.
Sau khi điều chỉnh, Dự án có diện tích quy hoạch 7.500m2, với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án gồm các hạng mục chính: Nhà bảo quản, Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, Lầu chuông - Lầu trống, đền thờ Lý Nam Đế, Nghi môn, Bình phong, Cột cờ...
Ngoài ra, việc bài trí, lắp đặt nội thất, đồ thờ, đúc tượng vua Lý Nam Đế, đúc chuông, khánh, mua sắm kiệu, ốp đá các ban thờ tại hậu cung và đền Mẫu từ nguồn xã hội hóa. Dự án được khởi công vào tháng 5-2020, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.
Lãnh đạo TP. Phổ Yên kiểm tra tiến độ tu bổ, tôn tạo Di tích đền thờ Lý Nam Đế.
Trong quá trình triển khai Dự án, UBND TP. Phổ Yên và cấp ủy, chính quyền phường Tiên Phong đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa. Nhân dân địa phương luôn tích cực ủng hộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế, nhất là việc hiến đất, bảo tồn, đóng góp cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Đặc biệt, tổ dân phố Hòa Bình (phường Tiên Phong) luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần tạo dựng cảnh quan Di tích. Đồng thời thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân địa phương, công trình đã được tu bổ, tôn tạo, xây dựng khang trang, uy nghiêm, với lối kiến trúc truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đắc sắc, tạo nên không gian thờ tự tôn nghiêm, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phát huy các giá trị nhân văn. Đây cũng chính là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Hoàng đế Lý Nam Đế - vị vua đầu tiên của lịch sử dân tộc.
Việc tôn tạo nhằm phát huy tối đa giá trị của Di tích, là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, thể hiện niềm tự hào của người dân Phổ Yên nói riêng, người dân Thái Nguyên nói chung. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đây sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, kết nối với các điểm du lịch quan trọng của tỉnh và các tỉnh, thành phía Bắc.
Thu Trang - Hải Hằng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202410/tu-hao-la-que-huong-vua-ly-nam-de-7e40f00/