Tự hào người con của bản làm cán bộ Biên phòng

Tự hào người con của bản làm cán bộ Biên phòng
6 giờ trướcBài gốc
Thiếu úy Xồng Bá Lành xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở bản Phá Mựt. Ảnh: Văn Chương
Thiếu úy Xồng Bá Lành trở về ngôi nhà nhỏ của gia đình tại bản Phá Mựt sau đợt tham gia tìm kiếm người mất tích ở thôn Làng Nủ và được đơn vị giải quyết đi tranh thủ về thăm gia đình. Những ngày ở thôn Làng Nủ, anh em đóng quân tại nhà ông Hoàng Văn Hùng và bà Hoàng Thị Den. Ngôi nhà sàn của bà Den với 9 bậc thang, mặt sàn ngôi nhà cao, rộng hơn 4m, dài trên 15m, sàn nhà lót gỗ. Còn ngôi nhà của Lành thì rất nhỏ, nằm ngay trên mặt đất ẩm, mùi lá mục theo gió lọt những kẽ hở khắp 4 hướng của tường nhà. Bản Phá Mựt chiếm tới hơn 80% là hộ nghèo, ít người có tiền làm được ngôi nhà sàn gỗ.
Ông Xồng Nhia Di, bố của Lành nở nụ cười hiền lành. Từ ngày nghe bà con trong bản liên tục nói với nhau về việc các thanh niên trong bản nhìn thấy Xồng Bá Lành trên báo, ti vi và các kênh Youtube, ông Di rất hãnh diện. Cả bản mấy năm gần đây có ai trở thành cán bộ BĐBP đâu. 10 thanh niên ở bản vốn chỉ quen việc làm nông, chỉ có Xồng Bá Lành dệt được ước mơ, trở thành niềm tự hào cho gia đình.
Người cha già thấy cậu con trai trở về nhà thì vui lắm, ông kể lại chuyện tháng 8 vừa rồi, lần đầu tiên bố mẹ nhận được 5 triệu đồng, sợ chi tiêu sẽ hết nên mang cất kỹ. Đó là tháng lương đầu tiên của Lành, cậu đã trích 5 triệu đồng gửi về cho bố mẹ. Lành hứa mỗi tháng lương sẽ để dành 1 triệu đồng để chi tiêu, còn 5 triệu đồng gửi về nhà, vì bố mẹ sống nghèo khổ đã nhiều năm rồi.
Khi thấy Xồng Bá Lành trở về nhà, bà con hàng xóm đã đến thăm hỏi. Các thanh niên trong bản thấy Lành mặc bộ quân phục BĐBP, trên cầu vai gắn 1 ngôi sao, ai cũng tấm tắc khen và nói Lành đã bao nhiêu năm cố gắng, bây giờ đã thành cán bộ BĐBP rồi.
Nghe các thanh niên nhắc lại quá trình phấn đấu, Thiếu úy Xồng Bá Lành nhớ lại những năm tháng gian truân của một cậu học sinh nghèo. Khi học hết cấp 2, Lành quyết chí tiếp tục ra tận huyện Tương Dương để học lên chương trình cấp 3. Năm 2019, lần đầu tiên cậu rời bản ra huyện cách nhà 145km với một bao gạo và ánh mắt ngơ ngác. Mẹ của Lành nói, gạo thì nhà sẵn có, nhưng tiền thì không có. Trước đêm Lành tạm biệt bản, cả nhà ăn một bữa cơm đạm bạc. Bản Phá Mực năm đó vẫn chưa có điện, không có sóng điện thoại, nhiều người cầm đèn pin quét loang loáng vào khe liếp để đến thăm hỏi gia đình.
Bố mẹ Xồng Bá Lành vui mừng và kể với cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai về món quà của các nhà hảo tâm tặng con trai. Ảnh: Văn Chương
Rồi cậu thiếu niên người dân tộc Mông rời bản ra phố huyện. Tại trung tâm huyện Tương Dương, người dân thường quen mặt với cậu thanh niên có khuôn mặt hiền khô, cứ đi học về khu nhà trọ của thầy Thế và cô Danh thì chăm chú quét dọn. Những cậu học sinh ở cùng phòng trọ mới biết tại sao mỗi năm Lành chỉ về thăm nhà 2 lần. Lành cho biết: “Hồi đó không có tiền, mẹ gửi gạo lên và nấu cơm ăn với mắm, muối, rau rừng, vì mỗi tháng bố mẹ chỉ để dành gửi cho Lành được 500.000 đồng”.
“500.000 đồng để mua thức ăn, trang trải trong 1 tháng thì mỗi ngày chi tiêu hết bao nhiêu?” – tôi hỏi với vẻ ngạc nhiên và Lành cho biết: “Nhóm bạn lên huyện học ai cũng nghèo, mỗi bữa mọi người góp lại 5.000-10.000 đồng để ra chợ mua thêm tí thịt về nấu canh và ăn cũng qua ngày”. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lành nhập ngũ vào BĐBP và được tạo điều kiện đi học ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng để trở thành huấn luyện viên chó nghiệp vụ.
Tháng 7/2024, Xồng Bá Lành tốt nghiệp và bắt đầu gắn bó với chú chó có tên là Nam Da. Lành tâm sự: “Ở trường, em luôn được các thầy và bạn yêu mến, tạo điều kiện, vì vậy, em xác định gắn bó lâu dài, tiếp tục không ngừng phấn đấu”. Tháng 9/2024, khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở thôn Làng Nủ và Nậm Tông, Xồng Bá Lành là lính mới, nhưng được cấp trên tin tưởng nên điều động cùng đồng đội vào vùng thiên tai để tìm kiếm người mất tích. Những ngày ở thôn Làng Nủ, thiên tai rình rập, nhưng Lành nói: “Em không sợ, vì từ nhỏ đã quen với cảnh lội sông, suối, sạt lở núi”.
Chú chó Nam Da luôn ngoan ngoãn theo bước chân của Lành và đồng đội ra hiện trường tìm kiếm mỗi ngày. Có hôm trở về, Lành thì thầm mấy câu để động viên chú chó. Tôi chợt nhớ đến lời nhận xét của Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng: “Các học viên là người dân tộc thiểu số có đức tính cần cù, chịu được khó khăn gian khổ và khả năng thuần hóa chó nghiệp vụ rất tốt”.
Mỗi buổi chiều, sau khi dắt chó từ hiện trường tìm kiếm trở về, Xồng Bá Lành lại mang chổi ra quét sân, quét ngõ. Lành nói: “Em rất tự hào khi trở thành cán bộ Biên phòng, em sẽ cố gắng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao”.
Chị Trần Ngọc Thúy, ở thành phố Hồ Chí Minh và các chị em ở nhóm từ thiện Phước Huệ Song Tu, A Di Đà Phật, Từ Thiện Phước Hạnh vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An xây dựng cầu vượt suối vào khu nhà của Thiếu úy Xồng Bá Lành, xây dựng hệ thống nước sạch. Khi biết hoàn cảnh của Thiếu úy Xồng Bá Lành, các nhà hảo tâm đã mua tặng anh một chiếc xe máy hiệu Yamaha trị giá 25 triệu đồng.
Lê Văn Chương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tu-hao-nguoi-con-cua-ban-lam-can-bo-bien-phong-post482079.html