Trải qua 21 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, ác iệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong thắng lợi chung của cả nước, Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Trong giai đoạn 1955 - 1975, phát huy truyền thống đường số 4 anh hùng, cùng với cả nước, Cao Bằng tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nhân dân cả nước chi viện cho miền Nam đấu tranh chống Mỹ và tay sai nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc tỉnh đóng góp sức người, sức của, góp công, dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Các phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai”... được phát động sâu rộng trong toàn tỉnh. Hàng vạn thanh niên đã lên đường trực tiếp cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chỉ huy tỉnh đội lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác tuyển quân và hàng nghìn thanh niên các dân tộc hăng hái lên đường làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Hùng, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) chia sẻ: Tôi nhập ngũ tháng 9/1972 khi kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Sau hơn 3 tháng huấn luyện ở Sư đoàn 304B, tháng 1/1973 đơn vị gồm những người con quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phú lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng hành quân, đơn vị đã đến Tây Nguyên được biên chế vào Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 và các đơn vị trực thuộc mặt trận. Vượt lên mất mát, hy sinh, gian khổ, những người con của quê hương cách mạng phát huy hào khí chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần lập nhiều chiến công hiển hách. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 10 của tôi trong đội hình quân đoàn 3 tiến về thành phố từ hướng Tây vào ngã tư Bảy Hiền cơ động đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975. Bản thân tôi bị thương tại Chiến dịch Buôn Mê Thuột, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng khi tham gia chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, tôi luôn tự hào là chiến sĩ giải phóng quân từ vùng đất thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cùng cả dân tộc làm nên mùa xuân chiến thắng.
Các đơn vị bộ đội ngày đêm miệt mài trên các bãi tập, lực lượng dân quân tự vệ được củng cố thường xuyên và ngày càng nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật chiến đấu. Các tổ chức thông tin liên lạc, trinh sát, công binh, cứu hỏa duy trì hoạt động đều đặn. Năm 1967, tỉnh tiếp tục động viên đưa 6 tiểu đoàn đi các chiến trường tham gia đánh Mỹ. Đến cuối năm 1969, toàn tỉnh có 42.326 người tham gia tổ chức dân quân tự vệ; phong trào tuyển quân diễn ra rầm rộ, nam, nữ thanh niên các dân tộc ai ai cũng xung phong tòng quân, mong muốn được “xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước”. Cả 2 đợt, tỉnh động viên 6.409 người lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ. Từ năm 1965 - 1968, có 1.700 đoàn viên thanh niên tự nguyện tham gia các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.
Năm 1969 - 1970, nhân dân trong tỉnh tích cực vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam. Khi cảng Hải Phòng bị đế quốc Mỹ phong tỏa thì Cao Bằng là một trong những tỉnh tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa giúp nhân dân ta. Kế hoạch vận chuyển hàng chia làm nhiều đợt, trong đó, có 2 đợt trở thành chiến dịch lớn mang tên “Chiến dịch V72” 1970 - 1971. Nhiều hàng hóa vượt Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng vận chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tỉnh còn chuẩn bị và giúp đỡ mọi mặt và bảo đảm an toàn cho một số trường đại học, cơ quan Trung ương sơ tán tại Cao Bằng trong thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong suốt 21 năm với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Cao Bằng luôn hướng về miền Nam ruột thịt, cùng cả nước đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn anh hùng. Chỉ tính riêng 10 năm (1965 - 1975) có 26.862 thanh niên nhập ngũ, xung phong vào Nam chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong đó có 1.494 thương binh, 5.548 liệt sĩ, 9 đồng chí đã chiến đấu dũng cảm kiên cường và hy sinh anh dũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Hồ Chí Minh.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng Lực lượng vũ trang tỉnh lớn mạnh
Khi đất nước vừa bước ra từ hai cuộc chiến tranh trường kỳ, niềm vui sum họp, Bắc - Nam thống nhất một nhà chưa được bao lâu thì cả nước lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Là vùng phên dậu phía Bắc của Tổ quốc, trước tình hình hết sức cam go, cùng với quân dân cả nước, Cao Bằng tập trung nguồn lực củng cố, kiện toàn các đơn vị thường trực chiến đấu, dân quân tự vệ, dự bị động viên thường xuyên huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch phòng thủ bảo vệ an ninh biên giới, đồng thời bổ sung kịp thời phương án tác chiến, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, hàng vạn đồng bào các dân tộc tỉnh đồng lòng, quyết tâm bảo vệ xóm làng, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, xứng đáng truyền thống vẻ vang nơi quê hương cội nguồn cách mạng.
Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ 1986 đến nay, trước những yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, LLVT tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Triển khai thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.
Duy trì tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, Thành phố, diễn tập phòng thủ dân sự và chỉ đạo 100% xã, phường, thị trấn tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ đạt kết quả tốt. Là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đây là nhiệm vụ mang đậm dấu ấn “Bộ đội Cụ Hồ” được dân quý, dân tin. Đặc biệt, trong đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi) vừa qua, một lần nữa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân với tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh trái tim” các chiến sĩ không ngại gian khổ cùng các lực lượng nỗ lực cứu hộ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích do sạt lở đất tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình tháng 9/2024.
LLVT tỉnh phát huy truyền thống, tích cực xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hàng nghìn hộ khó khăn về nhà ở; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người, trao tặng 3.139 suất quà trị giá hàng chục tỷ đồng. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho hơn 66.000 lượt đối tượng gần 200 tỷ đồng; xây dựng hàng trăm “Nhà tình nghĩa”; tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang...
Với những thành tích đáng tự hào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, LLVT tỉnh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 70 Huân chương Độc lập các hạng, 120 Huân chương Kháng chiến, 118 Huân chương Quân công, 174 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Chiến công bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2018, đồng chí Hoàng Đình Giong, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh xây đắp nên truyền thống “đoàn kết, sáng tạo, tự lực tự cường, trưởng thành, quyết thắng”. Đại tá Nông Tiến Dũng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định: Những thành tựu đó là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng tỉnh phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng LLVT tỉnh đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là nơi “cội nguồn của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Nhóm phóng viên