Những người lính “Bộ đội cụ Hồ” tiến vào tiếp quản Hải Phòng từ tay quân đội Pháp vào ngày 13.5.1955. Kể từ đó, ngày này cũng được lấy làm ngày giải phóng thành phố. Nguồn ảnh Flickr.
Nơi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam
Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến, chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hải Phòng trở thành địa bàn cuối cùng ở miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh 300 ngày tiếp quản thành phố thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh chính trị của Đảng, kết hợp đấu tranh ngoại giao, quân sự và quần chúng để buộc Pháp rút lui trong hòa bình, bảo toàn nguyên vẹn cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của quân đội Pháp được quy định: Chu vi Hà Nội 80 ngày, chu vi Hải Dương 100 ngày, chu vi Hải Phòng 300 ngày.
Là vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày, với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.
Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955, quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây, miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên XHCN.
Những bức ảnh hiếm hoi vào ngày giải phóng Hải Phòng cho thấy một Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ và không ngừng trưởng thành sau nhiều gian khó. Nguồn ảnh Flickr.
Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài Chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất Cảng, của dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 13/5/1955, mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng- Quyết thắng”. trên Báo Nhân dân, Người xúc động viết lên những dòng cảm mến tự hào: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp tỏa ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã có kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã hoàn toàn giải phóng”.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, kinh tế, thương mại và quốc phòng trọng yếu của miền Bắc, góp phần quan trọng xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với những chiến công và thành tích xuất sắc đó, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng, Bác Hồ đã 3 lần gửi thư khen và tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý.
Trong những năm 1955 -1965, Hải Phòng là nơi triển khai thực hiện những phong trào thi đua yêu nước, nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp, cũng là nơi mở đầu của phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động XHCN ở Miền Bắc. Để chi viện cho chiến trường Miền Nam, Bến K15 được xây dựng. Đây là nơi xuất phát bí mật của những con tàu không số, nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển: con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc, là hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Rất nhiều sĩ quan, thủy thủ của những con tàu “không số” là những người con ưu tú của Hải Phòng. Trong những năm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã 9 lần về thăm Hải Phòng. Những lời dạy của Người mãi mãi là di sản quý báu, soi đường cho Hải Phòng phát triển hôm qua, hôm nay và mãi mai sau…
Những năm 1965 – 1975, Hải Phòng là trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng” để chiến đấu và chiến thắng, bắn rơi 317 máy bay Mỹ, phá thế bao vây, phong tỏa cảng bằng thủy lôi của kẻ thù, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ trần, Hải Phòng vinh dự và tự hào đã sản xuất thành công xi măng P.600 để xây lăng Người. Trong những năm tháng chiến tranh, hàng vạn người con ưu tú của Hải Phòng đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, biết bao người đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, đã hóa thân vào đất Việt. Tổ quốc muôn đời tri ân sự hy sinh cao cả đó.
Những lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng dưới sự giám sát của hai sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam tại Bến Nghiêng.
Hải Phòng trở thành quán quân trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh
Trong những năm 1976 – 1985, Hải Phòng cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, Những bước đi, cách làm sáng tạo đó của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.
Giai đoạn 1986 đến nay, Hải Phòng có sự chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều chính sách đột phá, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước trên nhiều phương diện. Năm 2024, quy mô nền kinh tế Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 5 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất. Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng mức 2 con số trong 10 năm liên tục; thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước.
Ngày 6/5 vừa qua, lần đầu tiên TP Hải Phòng được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân được xác định là động lực kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Sứ mệnh của TP Hải Phòng là đi đầu trong sự nghiệp CCH – HĐH; trở thành TP Cảng quốc tế hiện đại, ngang tầm các TP tiêu biểu châu Á…
Trong thời gian tới, Hải Phòng quyết tâm nhằm khơi thông các động lực phát triển, tập trung thực hiện cải cách, đột phá về tổ chức bộ máy hành chính; kiến tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở; tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông hiện đại; hỗ trợ DN phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Quân Pháp rút đến đâu, quân đội ta lập tức tiếp quản Hải Phòng đến đó.
Chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh được thực hiện định kỳ từ năm 2005, là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương. Hải Phòng, từ vị trí thứ 3 năm ngoái, vươn lên xếp hạng nhất trong danh sách này với 74,84 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp TP này nằm trong top 3 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Hải Phòng cũng duy trì chuỗi 7 năm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số cạnh tranh…
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025), Bảo tàng và Thư viện Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Hải Phòng – Niềm tin và khát vọng vươn mình”.
Phần I: Đem sức ta giải phóng cho ta (1888 -1955)Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao tầm quan trọng của Hải Phòng với vị thế là “Cảng lớn của Bắc Kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp của cả nước...
Phần II: Hải Phòng – Thành phố Trung dũng, Quyết thắng (1955 – 1975)Trải qua 20 năm của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1955 – 1975), Đảng bộ, quân và dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng – quyết thắng và đã hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ chiến lược là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, trong 10 năm (1955 – 1965) vừa tích cực xây dựng và phát triển kinh tế, Hải Phòng sôi nổi thi đua lao động, sản xuất, trở thành quê hương của phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp, tổ đá nhỏ Ca A trở thành “cánh chim đầu đàn” của phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa…, là cái nôi nuôi dưỡng học sinh – con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc học tập.
Chặng đường 10 năm từ 1965 – 1975, thực hiện lời dạy của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã đoàn kết một lòng “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi“, hết lòng dốc sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Với tinh thần thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, các tầng lớp nhân dân thành phố hăng hái vừa lao động sản xuất, vừa bảo vệ quê hương. Hải Phòng cũng là căn cứ xuất phát của những chuyến tàu “không số” làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại…
Phần III: Hải Phòng – Vươn tới những tầm cao (1975 – 2025)Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hải Phòng hôm nay đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy với diện mạo mới, sức bật mới. Là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số 10 năm liên tiếp, tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế. Hải Phòng đang và sẽ vươn tới những tầm cao mới, xứng đáng là trung tâm phát triển kinh tế năng động nhất của vùng, xứng đáng trở thành “thành phố gương mẫu trong cả nước” như sự mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Với gần 400 tài liệu, hình ảnh và hiện vật, trưng bày chuyên đề, trưng bày nêu bật được tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thành phố Hải Phòng cũng như chặng đường xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Kể từ ngày giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, TP Hải Phòng đã vươn lên thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc, hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước.Quy mô GRDP của TP năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 1,62 lần năm 2020. Hải Phòng là địa phương duy nhất tăng trưởng hai con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn 1,55 lần so với bình quân cả nước.
Giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng bình quân đạt 11,53%/năm.Cơ cấu kinh tế của TP tiếp tục chuyển dịch theo định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong nội bộ các ngành kinh tế, tỷ trọng các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại tăng dần.
Phương Uyên - Minh Châu