Tự hào và kiêu hãnh khi Cột cờ Hà Nội đặt cạnh tên tờ báo

Tự hào và kiêu hãnh khi Cột cờ Hà Nội đặt cạnh tên tờ báo
2 ngày trướcBài gốc
Thấm thoắt đã hơn 2 thập kỷ kể từ khi An ninh Thủ đô Cuối tuần số đầu tiên “chạy” từ nhà in ra đến sạp báo, đến hôm nay số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần thứ 1.000 đã đến tay bạn đọc. Thời điểm được “khai sinh”, đây cũng là số báo đưa An ninh Thủ đô trở thành tờ nhật báo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, phủ kín 7/7 ngày ra báo trong tuần. Đây có thể nói là dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy gần 50 năm An ninh Thủ đô hình thành và phát triển, tạo nên thương hiệu riêng và giá trị vững bền trong lòng bạn đọc (1976-2025).
Cần có một số báo để “chơi”, để ngẫm
Đã hơn 20 năm trôi qua, câu chuyện về sự ra đời của An ninh Thủ đô Cuối tuần vẫn như mới đây, vẫn nóng hôi hổi trong ký ức của Đại tá, nhà báo Đào Lê Bình - nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô. Nhớ lại, Đại tá Đào Lê Bình kể, khi ông nhận nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào” của tờ báo cách đây 3 thập kỷ thì An ninh Thủ đô chỉ phát hành 1 số/tuần, mỗi số có vỏn vẹn 8 trang với 2 màu đen - trắng. Sau khi cùng với các đồng chí trong Ban Biên tập ngồi lại tính toán, ai cũng nhận thấy lượng thông tin hàng ngày rất nhiều nhưng số trang, số kỳ lại hạn chế, cộng thêm yếu tố “nhân hòa” lúc bấy giờ là tòa soạn trên dưới 20 nhân sự đều đang ở độ tuổi còn trẻ và rất… hăng hái.
Vậy là tất cả đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng mong muốn đẩy lượng phát hành lên 2 số/tuần, số đầu có 8 trang, số còn lại có 12 trang để thử nghiệm. Cứ thế khoảng 1 năm sau thì số có 8 trang cũng được nâng lên thành 12 trang. Đấy là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (ngày đó tòa soạn báo ở số 2 phố Hàng Giấy, chung trụ sở với Công an phường Đồng Xuân), tờ báo phát hành công khai, có giá bán niêm yết hẳn hoi, có thị phần bạn đọc rộng rãi.
Khi ấy máy móc công nghệ phục vụ việc làm báo còn thô sơ nên tờ báo nào cũng vậy, sau khi viết tay xong thì gõ lại bài bằng máy chữ rồi mới mang sang nhà in chế bản. Thế nhưng chính lúc này, An ninh Thủ đô là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội mua được 4 dàn máy vi tính (cấu hình chip 386), đi trước đón đầu xu thế phát triển hiện đại, rút gọn quy trình làm báo. Cũng tại đây, tòa soạn vinh dự được đón tiếp đồng chí Phạm Thế Duyệt (khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đến thăm và khen ngợi sự năng động, hiệu quả hoạt động của tờ báo.
Những phác thảo thiết kế đầu tiên chuẩn bị cho ấn phẩm Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần ra mắt vào tháng 10-2004
Đến năm 1997, khi tòa soạn chuyển trụ sở về tòa biệt thự Pháp cổ ở số 136 phố Nguyễn Khuyến thì thêm một khâu quan trọng nữa trong quy trình làm báo được tinh gọn, đó là An ninh Thủ đô đã sắm sửa luôn bàn chế bản tại chỗ. Vậy là các khâu “tiền” in ấn được xử lý gọn ghẽ, xong xuôi, chỉ việc mang đi in. Nhân cơ hội chuyển địa điểm, Báo An ninh Thủ đô cũng ghi mốc son mới với việc tăng lên 3 số/tuần, vượt trội về số kỳ phát hành so với mặt bằng chung của báo chí Thủ đô lúc ấy khi các tờ báo khác chỉ phát hành 1 số/tuần.
Nói thêm về việc đẩy phát hành lên 3 số/tuần, Đại tá Đào Lê Bình chia sẻ, trên toàn quốc khi ấy có 5 tờ báo thuộc lực lượng công an, trong đó tờ Công an nhân dân là “anh cả”, ngoài ra còn có mấy “người em” là Công an thành phố Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, An ninh Hải Phòng, Công an Đà Nẵng, Công an Nghệ An. Số lượng phát hành của nhiều tờ báo công an cấp tỉnh thời đó phải nói là rất “khủng”, trung bình tính bằng đơn vị “triệu bản” mỗi số, dẫn đầu là Công an thành phố Hồ Chí Minh và An ninh Thủ đô. Về nhiệm vụ chính trị thì mỗi tờ báo hoạt động ở một địa bàn khác nhau, song đều có chung nhiệm vụ bám sát, phản ánh chân thực và sinh động công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Lãnh đạo CATP Hà Nội: đồng chí Phạm Chuyên - Giám đốc (đứng đầu, bên phải) và đồng c hí Trần Long Xuyên - Phó Giám đốc trực tiếp tới nhà in ký lưu niệm vào những số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đầu tiên ra ngày 16-10-2004
Còn đứng ở góc độ hoạt động báo chí thì “cuộc đua” về mặt thông tin và tính phổ cập là điều cần thiết để mỗi tờ báo không ngừng đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động. Với trăn trở đó cùng suy nghĩ “càng nhiều thông tin càng tốt, càng cập nhật càng hay”, Đại tá Đào Lê Bình cùng Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô một lần nữa mạnh dạn tăng tốc, đẩy lượng phát hành lên 3 số/tuần, vượt lượng phát hành của Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh và rút ngắn khoảng cách về lượng phát hành của tờ báo “anh cả” Công an nhân dân khi ấy.
Giữa bối cảnh này, Báo Công an nhân dân có sự thay đổi, bất ngờ giảm kỳ phát hành. Đứng trước sự thay đổi ấy, lịch sử trang vàng An ninh Thủ đô ghi thêm một bước tiến táo bạo mới khi Ban Biên tập nhất trí đẩy phát hành lên thành 6 số/tuần. Có điều, như Đại tá Đào Lê Bình chia sẻ thì mỗi lần xin giấy phép là vô cùng vất vả. Đã có giấy phép xuất bản rồi nhưng xin tăng thêm 1 trang cũng phải có đủ 6 con dấu, còn xin thêm 1 số là cả một công cuộc gian truân. Vì vậy, nếu đã mất công xin tăng lên thành 6 số/tuần thì chỉ cần ra nốt số báo ngày Chủ nhật nữa là trọn vẹn.
Thiếu tướng Phạm Chuyên giới thiệu ấn phẩm An ninh Thủ đô Cuối tuần khi tiếp khách của CATP Hà Nội
Cùng lúc này, Thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc CATP Hà Nội gợi mở ý tưởng: “An ninh Thủ đô cần có một số báo “để chơi”, để người ta đọc phải ngẫm ngợi”. Trước đó, dù có tên gọi đậm chất “hình sự” nhưng kỳ thực, bên cạnh thông tin thời sự, cập nhật bài viết về các vụ việc, Báo An ninh Thủ đô vẫn chú trọng các mảng đề tài về văn hóa - xã hội, được khen ngợi là tờ báo hết sức văn hóa. Slogan của báo là: “Tính chuyên ngành sâu sắc, mở rộng tính xã hội, nâng cao chất trí tuệ, văn hóa Hà Nội”. Ý tưởng về việc phát hành số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần được củng cố và hiện thực hóa với tiêu chí: “Chất” Hà Nội phải đậm đặc, hình thức báo phải thật đẹp, nội dung phải thật hay.
Đại tá Đào Lê Bình giới thiệu ấn phẩm An ninh Thủ đô Cuối tuần với chuyên gia nước ngoài
Tự hào và kiêu hãnh
Được cấp phép phát hành số báo ra chủ nhật hàng tuần, An ninh Thủ đô chính thức trở thành tờ nhật báo đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân, và là tờ nhật báo thứ hai ở Hà Nội (cùng với Báo Hà Nội mới), phát hành đều đặn cả 7 ngày/tuần. Và một trong những sự chuẩn bị nước rút đầu tiên mà Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô nghĩ tới chính là măng-séc (manchette) cho số báo này. Bài toán đặt ra là làm thế nào để tạo ra chỉ dấu nhận diện thương hiệu vừa thân thiện với bạn đọc, vừa thể hiện được phẩm chất của người chiến sĩ công an, lại mang nét đặc trưng riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Một số biểu tượng về Hà Nội được cân nhắc, trong đó có Khuê Văn Các - biểu trưng chính thức của Thủ đô từ năm 1999 (công trình mang hình tượng sao Khuê, ngôi sao tượng trưng cho văn hóa, văn học của dân tộc Việt Nam), hình chùa Một Cột - một trong những công trình kiến trúc Phật giáo được xem là biểu tượng của Hà Nội… Song, sau cùng, thì tất cả đều nhận thấy Cột cờ Hà Nội là biểu tượng phù hợp nhất.
Nếu vẽ bức tranh về Hà Nội bằng thơ ca, âm nhạc hay hội họa thì có lẽ Cột cờ (hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội) là một trong những hình ảnh không thể nào thiếu được. Công trình hàng trăm năm tuổi đã trở thành biểu tượng sừng sững và đầy kiêu hãnh của Kinh thành Thăng Long xưa và nay. Không chỉ có giá trị lớn lao về mặt kiến trúc, nơi đây còn chứa đựng những câu chuyện xúc động gợi nhớ về cả một thời kỳ đầy thăng trầm, biến động và hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đặt biểu tượng Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên cạnh dòng chữ “An ninh Thủ đô”, niềm tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến, về lực lượng Công an nhân dân, hòa chung với niềm kiêu hãnh của những người làm Báo An ninh Thủ đô cứ thế trào dâng trong lồng ngực.
Số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần thứ 1000
Hồi tưởng lại khoảnh khắc xúc động khi số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đầu tiên ra đời, Đại tá Đào Lê Bình vẫn nhớ rõ, lúc đó Thiếu tướng Phạm Chuyên - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Trần Long Xuyên - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã cùng Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô sang tận Nhà in Hà Nội Mới chứng kiến thời khắc số báo chạy từ máy in ra nóng hổi với măng-séc hình ảnh Cột cờ Hà Nội.
Trước đó, câu chuyện làm thế nào để số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần trở thành ấn bản “đẹp và chất” cũng đã được các đồng chí trong Ban Biên tập “cân não” rất kỹ. Từ việc báo in 4 màu thay vì 2 màu như số ngày, trang bìa phải có ảnh đại diện thật đẹp và to, có một đến hai “tít” chính để nhấn mạnh trọng tâm số báo, không trình bày chi chít chữ… Đấy là về hình thức, còn về nội dung thì các bài viết sẽ phải tương đối chắt lọc, không quá hàn lâm, khó đọc, cần đi sâu vào đời sống xã hội và đặc biệt là phải có “khoảng lặng” để bạn đọc cảm nhận và ngẫm ngợi. Không chỉ vậy, đây sẽ là số báo để mọi người có thể gửi ảnh, thơ, bình luận văn học, truyện ngắn và nhiều nội dung văn hóa, văn nghệ. Tất cả đều hướng tới một ấn bản chững chạc, đẹp, sang trọng, “có cái để đọc, có thứ để suy nghĩ, có chuyện để trao đổi”, như gợi mở của Thiếu tướng Phạm Chuyên.
Trong vai trò “tổng chỉ huy” của Báo An ninh Thủ đô, Đại tá Đào Lê Bình nhận định tầm quan trọng của việc “dụng nhân như dụng mộc”, chọn ra người có tài và phù hợp để đảm đương vai trò “cầm trịch” số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần. Và người đầu tiên được chọn lựa làm Trưởng ban Cuối tuần chính là nhà báo Nguyễn Tuấn - người chiến sĩ công an, cây viết ưu tú lúc đó đã “chấp chới” thành nhà văn với nhiều tác phẩm báo chí và văn học ấn tượng, có khả năng chuyên sâu về văn hóa văn nghệ. Kể cả nhà báo Đinh Thị Hương Bình, người sau đó kế nhiệm vai trò này, cũng được Đại tá Đào Lê Bình đánh giá là một cây viết nữ tính, luôn trăn trở và trách nhiệm với từng trang viết. Và rồi, cùng với sự xuất hiện của số Cuối tuần, Báo An ninh Thủ đô có thêm những vị khách quý, những văn nghệ sĩ trí thức, những người bạn văn chương dành nhiều tình cảm yêu mến tờ báo như nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Chu Lai, nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Phong Thu, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Di Li, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Anh Vân, họa sĩ Đinh Quân…
Đáng chú ý, cũng trên số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, Đại tá Đào Lê Bình đã cho khôi phục lại chuyên mục “Chuyện trong mỗi nhà”. Nói về điều này, Đại tá Đào Lê Bình kể: “Đó là chuyên mục mà người lãnh đạo tiền nhiệm của tôi, nhà báo Trần Đức - nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã nghĩ ra. Thời gian còn đương nhiệm, nhà báo Trần Đức cũng là người rất yêu văn thơ nên bạn bè văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới chơi với An ninh Thủ đô rất đông”. Chuyên mục “Chuyện trong mỗi nhà” được ông bàn bạc với Đại tá Đào Lê Bình (khi ấy là Phó Tổng Biên tập) xây dựng với mong muốn có một chuyên mục nằm giữa lằn ranh văn hóa và thời sự, là nơi để mọi người có thể tâm sự nỗi niềm riêng trong gia đình.
Đó là những câu chuyện có thật ngoài cuộc sống về những tấm gương đạo đức, điển hình trong xã hội, là những hoàn cảnh éo le, trớ trêu xảy ra ở đâu đó trong nhiều tổ ấm. Khi khôi phục lại chuyên mục này trên số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, Đại tá Đào Lê Bình đã nhờ cậy thêm các nhà văn, nhà thơ bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trăn trở của mình về những câu chuyện có thật để nhìn ra những khúc mắc trong cuộc đời, những số phận hẩm hiu, hay những con người làm việc tốt thầm lặng… từ đó viết thành những câu chuyện mềm mại, nâng cao sự chia sẻ giữa người với người, nâng cao đạo đức xã hội.
Tới giờ, sau hơn 20 năm kể từ ngày đầu tiên được ấn bản, An ninh Thủ đô Cuối tuần đã chạm mốc số phát hành thứ 1.000. Đó là chặng đường dài gần bằng quãng thời gian hơn 20 năm Đại tá Đào Lê Bình đã cống hiến và góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nên thương hiệu An ninh Thủ đô. Trong hành trình ấy, người thủ lĩnh của An ninh Thủ đô cũng từng mạnh dạn đưa số báo Cuối tuần vào in ấn và phát hành hàng vạn bản tại thị trường phía Nam và nhận được những phản hồi tích cực từ các đại lý như: “An ninh Thủ đô lạ lắm, hay lắm, trong này rất nhiều người tìm đọc”.
Nhìn lại, Đại tá Đào Lê Bình thẳng thắn nhận định, thật ra về mặt số lượng phát hành thì An ninh Thủ đô Cuối tuần không nhiều bằng các số báo ra hàng ngày vì nhiều lý do, bao gồm cả thói quen nghỉ ngơi của người Hà Nội vào dịp cuối tuần như dậy muộn, đi chơi xa… Nhưng đứng về mặt nâng tầm tờ báo thì sự xuất hiện của số báo này đã đưa An ninh Thủ đô, nói theo cách của thanh niên bây giờ là dám chơi “sang, xịn, mịn”, vượt luôn “anh cả” là Báo Công an nhân dân, trở thành tờ nhật báo đầu tiên của lực lượng công an. Không quá khi tự hào gọi đó là kỳ tích của An ninh Thủ đô trong gần 5 thập kỷ hình thành và phát triển. Để làm được điều ấy, như khẳng định của Đại tá Đào Lê Bình, là sự cộng hưởng của ý chí, sáng tạo cá nhân và sự đồng thuận cao của tập thể. Đặc biệt, tờ báo nhận được sự tin cậy rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo CATP Hà Nội. Thiếu tướng Phạm Chuyên khi còn đương nhiệm cũng luôn nhấn mạnh Báo An ninh Thủ đô là một đơn vị chiến đấu đặc biệt.
“Người Hà Nội: Sống chân thực, biết hy sinh, khiêm nhường và kiêu hãnh” là câu nói mà Thiếu tướng Phạm Chuyên dành tặng Báo An ninh Thủ đô, trong đó có An ninh Thủ đô Cuối tuần. Câu nói này vẫn được treo trang trọng tại tòa soạn như khẩu ngữ, kim chỉ nam sống và làm việc của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ An ninh Thủ đô, với tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh. Đó cũng là những giá trị mà chắc chắn rằng bạn đọc dù ở bất cứ đâu cũng có thể cảm nhận và đón nhận được trong từng trang báo.
Ngọc Hà
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tu-hao-va-kieu-hanh-khi-cot-co-ha-noi-dat-canh-ten-to-bao-post607456.antd