Tự hào về sự thay đổi từng ngày của đất nước

Tự hào về sự thay đổi từng ngày của đất nước
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 9/4, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh NVCC)
Ký ức của một thời chiến đấu
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi vô cùng to lớn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, ác liệt mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình thế giới thán phục.
Chiến thắng 30/4/1975 đến nay vừa tròn 50 năm, một nửa thế kỷ đi qua nhưng những ký ức của một thời đánh Mỹ vẫn luôn rạo rực, mãi không bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân nước Việt mỗi khi nhắc đến chiến thắng vĩ đại này.
Trong tâm khảm mỗi cựu chiến binh, những người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu luôn nhớ rất rõ là trong cuộc chiến sinh tử để giành chiến thắng từng phần tiến đến giành chiến thắng toàn diện mang tính lịch sử có sự góp sức nhỏ bé của chính mình. Chúng tôi luôn ý thức rằng, để có được thắng lợi là do công lao to lớn, sự lãnh đạo sáng suốt, sự chỉ đạo sắc bén kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Chúng tôi quên sao được sự chiến đấu và cống hiến tuổi thanh xuân của hàng triệu thương binh, bệnh binh, sự hy sinh anh dũng của biết bao anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và lực lượng thanh niên xung phong nơi hỏa tuyến, dân quân tự vệ cùng với sự giúp đỡ cả tinh thần vật chất của quân đội, nhân dân bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Tôi trưởng thành từ một người lính, đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Suốt 11 năm liên tục chiến đấu ở chiến trường khu V và 4 năm ở biên giới Tây Nam, tôi đã chứng kiến biết bao cảnh tang tóc, đau thương do đội quân viễn chinh Mỹ, lính đánh thuê và bọn tay sai bán nước gây ra với dân lành.
Tôi trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quân sự lớn như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch Mùa Hè 1972, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tháng 3/1975 và Chiến dịch giải phóng Campuchia năm 1979. Tôi đã chứng kiến tinh thần bền gan, vững chí, lòng tin son sắt với Đảng của đồng bào các dân tộc ở Quân khu 5, Tây Nguyên, cũng như sự kiên cường của các đơn vị nữ dân quân, thanh niên xung phong vượt khó mở đường, tải đạn cho bộ đội ta đánh giặc.
Thật cảm phục những người lính nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại phía sau những lá thư chưa kịp gửi, lời hứa chưa kịp thực hiện. Có những người mẹ, người vợ tiễn chồng con ra đi mà không biết rằng, đó là lần chia tay cuối cùng. Đó là những hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại, chính họ đã góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi cho dân tộc Việt Nam.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng. (Ảnh NVCC)
Tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước
Chúng tôi cũng trải qua những khó khăn, thiếu thốn tưởng chừng như không thể vượt qua của những tháng năm sau ngày giải phóng. Sự thay đổi từng ngày của đất nước sau quyết định của Đảng cộng sản Việt Nam và hôm nay ở tuổi “cổ lai hy” lại được thấy những thành tựu to lớn của đất nước ta sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Hòa bình là ước vọng, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là những người lính đã cầm súng trải qua chiến tranh. Biết rằng, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, cuộc kiến tạo xã hội theo mô hình quản lý mới đang được thúc đẩy toàn diện, sâu sắc thực sự là điều mong mỏi của toàn dân.
Chúng tôi nguyện với Đảng, với Nhà nước, với Tổ quốc thân yêu, trung thành tuyệt đối, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tin vào ý chí kiên cường của một dân tộc anh hùng; chúng ta sẽ làm nên thắng lợi, mong muốn các thế hệ người Việt Nam tiếp theo, sẽ làm rạng danh đất Việt tiên rồng, đưa Việt Nam tiến xa, tiến vững chắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thế hệ chúng tôi tự hào đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, chiến thắng, thu non sông Việt Nam về một mối và tạo ra những tiền đề cho đất nước phát triển. Chúng tôi tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ kế thừa sự nghiệp của cha anh để lại, giữ gìn hòa bình, đưa đất nước tiến tới phồn vinh, tươi đẹp như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hòa hợp dân tộc không phải là lãng quên lịch sử
Trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.
Chúng ta tin tưởng rằng, mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào - đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài - những người đang góp phần kết nối Việt Nam với thế giới.
Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục”.
Thật vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam là chuỗi dài của những trang bi tráng mà mỗi thế hệ người Việt đều mang trong mình một phần ký ức. Thế nhưng, trong hành trình vươn tới tương lai, chúng ta không thể để quá khứ "trói buộc" hiện tại. Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên đi những đau thương, hay xóa nhòa những khác biệt từng khiến đất nước chia cắt. Trái lại, đó là hành động can đảm chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe những góc nhìn trái chiều với tinh thần bao dung và tôn trọng, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Quá khứ cần được ghi nhớ không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà để rút ra bài học, để hiểu rõ giá trị của hòa bình và thống nhất hôm nay. Chỉ khi nhìn thẳng vào lịch sử, chúng ta mới có thể cùng nhau viết nên tương lai một cách chân thành và trọn vẹn. Một dân tộc trưởng thành là dân tộc dám đối diện với quá khứ của mình, để từ đó nuôi dưỡng khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Hòa hợp dân tộc là con đường khó, bởi nó đòi hỏi mỗi người phải buông bỏ cái tôi, vượt qua định kiến và sẵn sàng đối thoại. Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và thịnh vượng không thể xây dựng trên sự lãng quên hay phủ nhận, mà chỉ có thể lớn lên từ sự hiểu biết, yêu thương và sẻ chia của những con người chung một khát vọng về tương lai. Và khi đó, ký ức về chiến tranh sẽ không còn là vết thương rỉ máu, mà sẽ trở thành lời nhắc nhở về sức mạnh của lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết, những giá trị cốt lõi làm nên một Việt Nam bền vững, hùng cường.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/tu-hao-ve-su-thay-doi-tung-ngay-cua-dat-nuoc-312617.html